Sài Gòn dễ thương

30/08/2017 - 09:53

PNO - Bạn hỏi, ở Sài Gòn thế nào? Tôi trả lời, Sài Gòn dễ thương lắm. Không phải đẹp hay vui, mà là dễ thương.

Có lần tôi hỏi chị, một người Bắc mới “gia nhập” Sài Gòn bốn năm, rằng chị thích điều gì ở Sài Gòn. Chị bảo ban đầu chẳng biết phải sống sao giữa một thành phố lớn và luôn vội vã như Sài Gòn. Vậy mà lại yêu Sài Gòn lúc nào không hay. Đơn giản vì Sài Gòn bao dung quá đỗi.

Sai Gon de thuong
 

Nghe chị nói, tự dưng tôi nhớ “má” - người đàn bà bán cà phê ở trạm chờ xe buýt, trước Trường ĐH KHXH&NV. Gánh mưu sinh của má là cái thùng xốp nhỏ đựng đá, mấy chai nước ngọt, cà phê pha sẵn. Chỗ ngồi cho khách là những tấm bìa lót ngay vỉa hè. Đã 20 năm má gắn bó với chốn này.

Một người đàn bà khác, quê gốc miền Trung, theo chồng về tận miệt sông nước miền Tây; sinh con đẻ cái, mỗi đứa đi một ngả. Các con làm ăn thất bại, bỏ lại cho bà hai đứa cháu. Bà cháu dắt díu nhau lên Sài Gòn hành “nghề” bán vé số dạo. Cực, nhưng cũng đắp đổi được qua ngày.

Bà kể có chàng trai trẻ làm ngân hàng, thấy cháu gái nhỏ của bà không biết chữ đã dạy con bé học; mỗi ngày một tiếng vào giờ nghỉ giữa trưa. Cái văn hóa, nghĩa tình ấy dường như chỉ có ở Sài Gòn.

Anh bán khoai lang, bắp nướng đầu hẻm nhà tôi. Chỉ với chiếc xe, cái bếp, cái vỉ nướng… mà làm nao lòng bao nhiêu người, bởi chẳng tìm được nơi đâu khoai thơm, bùi, ngọt như của anh. Tôi đùa, bảo do anh lựa khéo. Anh cười hiền, nói: “Do cái tình cả thôi cô”. Cái tình người Sài Gòn làm cho mọi thứ đều đẹp.

Sai Gon de thuong
 

Rồi bỗng nhiên anh mất tăm cùng chiếc xe, mấy tháng mới trở lại. Hóa ra anh về làm mùa. Hết mùa thì lại vào Sài Gòn buôn bán kiếm thêm. Có khi “kiếm thêm” còn hơn cả năm quần quật trên đồng ruộng. Chỉ có Sài Gòn là dễ sống nhất. Hỏi anh sao không ở luôn? Anh bảo quê thì không bỏ được. Nghe vậy thôi, cũng vui vì sự dễ thương của Sài Gòn dành cho cả những người chỉ muốn tạm dừng chân.

Ngồi viết lại những câu chuyện vui vui này, chợt nhớ cậu bé chỉ khoảng 8, 9 tuổi - bé xíu, chở thùng hạc giấy đi bán dạo với tấm bảng bằng carton ghi dòng chữ: “Hạc con tự gấp, cô chú mua giùm!”. Hình ảnh bé cứ như bước ra từ truyện cổ tích. Trên đời này còn ai mua hạc giấy?

Rồi tôi cũng tìm được, biết cậu bé tên Tâm, đang ở quận Bình Thạnh. Ba mẹ Tâm là lao động phổ thông thời vụ - ai thuê gì làm nấy. Với đôi tay không lành lặn và cái đầu không được khỏe mạnh (Tâm là trẻ chậm phát triển), Tâm đã làm nên và trao đi giấc mơ. 

Sài Gòn dễ thương lắm, nên làm sao có thể không yêu. 

Phương Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI