Sài Gòn - còn một người viết sử bằng thơ

20/12/2023 - 17:04

PNO - Đó là chị Huỳnh Thiên Kim Bội, 72 tuổi, nguyên cán bộ Phòng Thương binh Xã hội quận 1 mà tôi quen và viết bài cho tờ tin của chị hàng chục năm trước. Nay chị đã nghỉ hưu, sống ở nơi người ta vẫn hay ngân nga “Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định Đồng Nai thì về”.

Chị suốt ngày sưu tầm viết lách… như câu thơ chị tặng tôi: “Một câu một chữ một vần. Một bài thơ cũ bâng khuâng nỗi buồn”.

Tôi đến thăm chị vào một ngày Chủ Nhật. Căn nhà không có đàn ông và “rất lâu rồi không có khách” có tới 5 ổ khóa. Chị sống một mình. Có những đêm nổ cầu dao, mất điện dù bất an nhưng chị vẫn kiên trì sống trong ngôi nhà này để tiếp tục công trình biên soạn cuốn sử bằng thơ của mình để lưu dấu lại những thăng trầm của Sài Gòn đã đi qua.

Điều khiến tôi bất ngờ là chị không biết dùng máy tính và cái điện thoại “chỉ để gọi và nghe”.

Chị dành thời gian cho việc viết lách, sưu tầm. Mà viết sử bằng thơ thì không phải ai cũng làm được, kể cả nhà thơ chuyên nghiệp.

Chị Huỳnh Thiên Kim Bội – người viết sử bằng thơ
Chị Huỳnh Thiên Kim Bội – người viết sử bằng thơ

Chị là con mọt sách. Sách ai tặng chị cũng trân trọng cất giữ, viết lời cảm ơn. Căn nhà chị đầy sách quý. Trong các ngăn tủ đầy những chồng bản thảo đánh máy trên những tờ giấy vàng nhạt, những tờ kỷ yếu còn đóng tập in ấn đơn sơ, hình ảnh đen trắng mộc mạc.

Sau khi nhắc chuyện viết báo hồi xưa, chị đem một cuốn sách dày và đẹp ra tặng tôi cùng mọi người. Đó là cuốn Hiện Đại Việt Sử Diễn Ca dày 427 trang với gần 4.000 câu thơ lục bát (do nhà xuất bản tổng hợp TPHCM ấn hành).

Đây là cuốn sách chị dày công biên soạn, tham khảo tư liệu từ hơn 150 cuốn sách, cộng với niềm đam mê thơ ca mà chăm chút chưng cất, gửi gắm nỗi niềm, chắt chiu từng chữ, gom góp từng đồng lương hưu trí, cặm cụi soạn thành những bài thơ chân chất giàu thông tin của thể loại diễn ca, một thể loại đã ít còn hiện hữu vào thời buổi này.

Nhưng trên tất cả, chị hoàn thành cuốn sách này là để tiếp nối và hoàn tất ước nguyện của người cha yêu quý đã quá cố - nhà báo, nhà giáo Huỳnh Thiên Kim, tác giả hai cuốn Cận Đại Việt Sử Diễn Ca đã xuất bản trước đây.

Nếu hai cuốn trước của cha chị là quyển sử viết bằng thơ về giai đoạn Pháp bắt đầu xâm lược nước ta cho đến 1945, thì chị Huỳnh Thiên Kim Bội viết tiếp từ giai đoạn 1945 đến 1975 với những dấu mốc lịch sử oanh liệt và với những chân dung các nhân vật anh hùng liệt sĩ nổi bật gắn liền mỗi ý nghĩa của sự kiện, mỗi chiến công của lịch sử…

Chị lấy cuốn sách ra giới thiệu: “Trong 10 năm khi viết cuốn sách này, tôi gặp nhiều thuận lợi hơn cha mình, đó là nguồn tài liệu lịch sử còn tươi mới, gần như nguyên vẹn đầy đủ, tuy có những khác biệt cần thẩm định thận trọng.”

Tôi nâng niu cuốn sách và nhận thấy: Cái khó của chị là thể loại thơ diễn ca hiện nay đã trở thành “hàng hiếm”, đã khoác tấm áo thời gian xưa cũ, câu thơ đơn giản, nhiều khi ép vần, đôi lúc “diễn nôm”… khá kén người đọc.

Từ trước tới nay đã có một số loại sử ký bằng thơ như Việt Giám Vịnh Sử Thi Tập của Đặng Minh Khiêm (1520 ), Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca (của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái)… Một thể loại có thể gọi là “của một đồng, công một nén”.

Đó là những câu thơ nói về lịch sử dạng như: “Bao nhiêu giai đoạn đấu tranh. Lưu danh tên tuổi sử xanh lưu truyền. Các nhà ái quốc sơn xuyên. Đấu tranh chẳng sợ bạo quyền thực dân”. Thơ đơn giản nhưng dễ thuộc, dễ nhớ về tính chất và sự kiện lịch sử nào đó.

Giữa thời đại của công nghệ internet, việc một người soạn những câu thơ nói về lịch sử quả là đáng khâm phục. Tôi đem tập thơ nặng cả ký lô gam về cho đứa con trai đang học cấp ba. Nó đọc xong bảo: “Thơ nhắc lịch sử dễ nhớ lắm ba”.

Chị Bội bảo tôi: “Bây giờ tôi lo không biết làm sao để viết tiếp được giai đoạn từ 1975 đến nay. Tìm tư liệu thì không khó nhưng lại khó vì tư liệu… quá nhiều. Chọn lựa và nhận chân đúng các sự kiện là một vấn đề. Mà tôi cũng già rồi, nếu có các bạn trẻ giúp tôi khâu tư liệu, tôi sẽ hoàn thành khâu chuyển thể thành… diễn ca, dù vẫn biết rất khó mà bán sách”.

Người phụ nữ độc thân đã hưu trí suốt ngày cặm cụi chăm sóc mấy cái cây “lâu lắm mới có một bông hoa chịu nở”, cả tuần đi siêu thị mua đồ ăn một lần, mấy tháng đón xe bus vào trung tâm thành phố một chuyến, “có mỗi thằng cháu gõ vi tính bản thảo giúp mà nay nó đi nghĩa vụ mất rồi” nên ngày đêm lại tự lọ mọ một mình với đống sách vở giấy bút.

Tuổi già như trái chín cây, thế mà người đàn bà này lại dành hết thời gian sức lực của mình làm diễn ca, chỉ vì luôn “coi sách sử có một sức hút kỳ lạ” và nhất là muốn để lại một chút gì đó cho lớp trẻ, cho Sài Gòn mai sau.

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng: 

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất…

Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

Huỳnh Dũng Nhân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI