PNO - Bao biến thiên dâu bể qua đi, cơn đắt đỏ nhà mặt tiền chỉ lên mà không xuống, quay lại, vẫn Tín Nghĩa còn nguyên vẹn ở đó.
Như mọi lần, tôi ghé Tín Nghĩa, chẳng phải ngày rằm hay chiều 30. Cũng cái bàn góc phải, bên trong, sát với tủ chè cao cao, đủ để khuất cái ban thờ nho nhỏ. Vẫn di ảnh ông già quắc thước, nhân hậu bên trên, cụ ông với ánh nhìn hiền từ bên dưới. Như một nơi chốn, tự hồi nào được sắp đặt, thờ phụng hơn là cúng bái uy nghiêm.
Như mọi khi, chủ quán đưa cho miếng giấy nhỏ, cây viết bi, tấm thực đơn, khách ghi món. Gia giảm cay mặn, ngọt nhạt thế nào cũng nắn nót vào đấy. Vừa đặt bút là chủ quán đã đứng bên. Ngày thường, chỉ độ năm bảy phút là thức ăn đã được dọn lên. Chả lụa xắt mỏng kho tiêu với nấm rơm. Tàu hũ ky sả ớt. Mắm chưng rau ghém. Canh ngót thì là. Bữa cơm chay “thượng tọa” như vậy, thêm ly trà tắc mà chỉ hơn trăm ngàn. Quan trọng là tên món không cầu kỳ, nêm nếm mộc, khẩu vị cơm nhà, khiến mỗi lần ghé ăn lại như một dịp được thanh lọc thân, tâm, ý.
Chính cái khẩu vị “cơm nhà” mà tôi thường xuyên ghé lại. Tôi vẫn đến Hum để thưởng thức bữa tiệc chay thịnh soạn, sang trọng, đượm vị Thái Lan, gần với dòng Phật giáo nguyên thủy Nam tông. Tôi nhớ có cả câu niệm “gối đầu” được khắc trên tường, rất đẹp, “Án ma ni pạc mi hồng” (Om Mani Padme Hum - câu thần chú quan trọng của Phật giáo Tây Tạng). Nếu thích không khí đầy màu sắc, có khi hơi… chói sáng nhưng quả tình, thực đơn rất phong phú, mặn có gì chay có nấy thì đến Hoa Ðăng… Ấy vậy mà vẫn cứ quen bữa cơm chay có miếng chả lụa dai mềm quyện trong vị kho quẹt lẫn mùi xì dầu, nước màu đậm đà. Ðĩa rau ghém tươi trong, nhúng vào tô mắm chưng, ngậy vị chao có trộn nấm, trứng. Cái ngọt của hạt gạo mới cộng với độ tươi của rau củ, thanh tao của nguyên liệu chính là đậu nành, bữa ăn như thể hoán đổi mọi độc tố, tạp chất nặng nề, dư thừa bằng nguồn đạm tươi xanh, nhẹ nhàng.
Ðã bao ngày ngồi nơi chốn cũ kỹ ấy, từ khăn trải bàn nhựa trơn đến cái lon đựng đũa muỗng, nó là “của nhà trồng” chứ chẳng phải theo style hoài cổ gì, rồi nhìn ra con đường Hưng Ðạo thênh thang. Bao biến thiên dâu bể qua đi, cơn đắt đỏ nhà mặt tiền chỉ lên mà không xuống, quay lại, vẫn Tín Nghĩa còn nguyên vẹn ở đó. Tối qua, chạy xe ngang, bảng chữ đúc trên cao còn không gắn đèn, nó im lìm giữa những quán xá, hóa ra lại khác lạ. Tấp vào, có ngay một bữa cơm nhà nghi ngút khói. Vị không đổi. Giá không đổi. Cũng những khuôn mặt quen, xấp giấy cũ.
***
- Nhà ông bà cha mẹ ở từ hồi xưa tới giờ, trên trăm năm rồi. Quán chay này cũng mở từ thời bà ngoại, rồi qua cha mẹ và giờ tới mấy chị em tôi. Cái tên Tín Nghĩa cũng có từ đó.
- Hình thờ ông cụ trên cùng là ai vậy cô?
- À, sư phụ dạy võ cho cha tôi. Ông ở trong Chợ Lớn. Tụi tôi lớn lên, thấy cha thờ, ông mất, mình tiếp tục thờ. Cũng như thực đơn, người xưa nêm nếm sao, giờ mấy chị em tôi giữ nguyên.
- Khách họ không đòi thay đổi sao cô, bây giờ nhiều quán chay, nhà hàng chay mở ra, cạnh tranh…
- Tôi cũng không thấy ai yêu cầu gì. Họ cứ ghé ăn thôi. Thực đơn này, khẩu vị nêm nếm vậy, quán cũng là nhà mình nên chị em tôi cứ giữ vậy, có cạnh tranh gì với ai đâu cô. À, ngày trước nấu củi, cực hơn mà có vẻ ngon hơn. Giờ cũng ngại ảnh hưởng xóm giềng nên tụi tôi chuyển qua xài bếp ga rồi. Nguyên phụ liệu thì đi chợ Sài Gòn, có khi xách nặng quá, người ta giao luôn tận nhà.
- Rồi con cháu sau này, có nối nghiệp, có theo trào lưu mà đổi thay Tín Nghĩa không cô?
- Tôi cũng không biết nữa. Con cháu thích thì duy trì, có thay đổi cũng tốt, không thì thôi, mình không ép được. Bán loanh quanh trong nhà vậy chứ cũng cực lắm, hôm nào năm, sáu bàn phủ kín là chạy không kịp thở luôn, con cháu phải xúm vô phụ.
- Rằm, mồng Một chắc khách đông ha cô?
- Ðông. À, mà có ông khách quen bên lãnh sự lâu nay không thấy ghé, chắc hết nhiệm kỳ, về nước luôn rồi, cũng buồn buồn. Cô ngó coi, rào chắn miết nên khách vô ra bất tiện…
Tôi nhìn theo tay bà, bên kia đường, rào chắn công trình metro Suối Tiên - Bến Thành quanh co, khiến ngay khu vực trung tâm Sài Gòn mọc thêm những con hẻm nhỏ “dã chiến”. Mấy khi được băng qua Bến Thành, bùng binh Quách Thị Trang hay dọc theo khách sạn Rex mà len lỏi thế này. Lang thang thêm một quãng, ra tới Hàm Nghi, vô chợ Cũ rồi lại ngang qua đại lộ Nguyễn Huệ. Tôi giậm chân mình lên từng phiến đá, như cố mài trong lòng đất Thủy Chân Lạp này, đâu là cái bến nằm sát thành thuở khai thiên, đâu cái cổng Prei Nokor thu thuế lưu dân thời mở cõi. Vẫn còn đấy thôi. Bến Thành, Gia Ðịnh xưa, Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh là nay, vẫn miệt mài đóng thuế, lưu dân mọi miền vẫn tụ hội, đất vẫn di truyền cho người cái phẩm cách chí tình, chí nghĩa. Ðể giữa dòng đời mặc ai lên xuống, miễn cái quán nhà nho nhỏ ấy cứ nguyên chỗ cũ, như thể Tín Nghĩa chưa bao giờ biết phụ lòng người…
Tiệm chay Tín Nghĩa hơn trăm năm đi qua bao biến thiên dâu bể Sài Gòn |
Xong bữa cơm chay Tín Nghĩa, bước ra, xe máy lấn đường, ô tô lao vun vút. Chóng mặt. Ngó xuống. Ðám cỏ lẻ loi giữa phố xá. Nhưng cỏ muôn đời là nơi hứng lấy những giọt sương, để mấy ai đi giữa cuộc đời chay mặn này mà thoáng chốc hiểu rằng “thịnh suy như lộ thảo đầu phô” (thiền sư Vạn Hạnh), chẳng khác nào sương đọng trên cỏ, có đó không đó rồi lại… vô cùng đó.
Huyền Tuyến
Ảnh: Ái Mỹ, Minh Thanh
Chia sẻ bài viết: |
Nguyễn Tuấn 31-01-2020 15:53:22
Ăn chay 1 lần mà hơn trăm ngàn thì sang quá, 2 vợ chồng tui ăn cả ngày cũng chỉ mất 30 ngàn do tự nấu. Còn tiền hàng tháng có dư mang đến các bếp ăn từ thiện giúp cho những người còn nghèo, vậy mà vui .
Phở bò vừa được CNN xếp thứ hai trong 20 món xúp ngon nhất thế giới và bạn có thể ghé các quán phở lâu năm của TPHCM để thưởng thức.
Không khí Giáng sinh đã tràn ngập phố núi Pleiku. Các quán cà phê trang trí giáng sinh lộng lẫy là điểm thu hút nhiều bạn trẻ đến chụp hình check-in.
Euronews vừa đưa ra xu hướng du lịch của thế giới trong năm mới, dựa trên dữ liệu du lịch, tin tức, các cuộc trò chuyện với các chuyên gia du lịch.
Du khách có thể thuê ghe gỗ của cư dân địa phương rong ruổi tham quan hồ Trị An.
Nem, bún chả Nguyễn Công Trứ... đều là địa chỉ quen thuộc mỗi khi thèm bún chả của thực khách Sài thành.
Quần đảo Svalbard không có cây cối, trời tối nhiều tháng trong năm, có nhiều gấu Bắc cực và nhiệt độ có thể xuống -30 độ C.
Không biết hương gừng cay thơm, ấm nóng hay chính tình mẹ luôn như nguồn trợ lực giúp tôi vượt qua mọi mệt nhọc.
Từ tháng 4/2025, phí dành cho hành khách và các hãng hàng không tại sân bay Changi sẽ tăng liên tiếp đến năm 2030...
Không chỉ ở châu Á, "lục địa già" cũng sở hữu những món cơm hấp dẫn các thực khách.
Có những trung tâm thương mại, không chỉ là nơi mua sắm mà còn là biểu tượng, bảo tàng hay công trình nghệ thuật và cũng bán sản phẩm giá trên trời.
Trải dài hàng dặm dọc theo bờ biển từ làng Vik, Reynisfjara thường xuất hiện trong danh sách “những bãi biển đẹp nhất thế giới” hằng năm.
Món xá bấu của má, từ vị mặn thành vị món ngon là nhiều bước tỉ mẩn. Luôn có những việc tưởng giản đơn mà nhìn kỹ mới thấy sự tận tâm...
Busan là thành phố lớn thứ hai ở Hàn Quốc, là quê hương của nhiều ngôi sao K-pop, trong đó có Jungkook và Jimin của BTS.
Trên đường đi, thấy trên tấm bảng chỉ đường ghi: “Sịa - 10km”, tôi rẽ vào bởi cái tên làng gợi trí tò mò.
Ngừng la hét, lịch sự nơi công cộng, trang phục đúng mực... là những quy tắc du lịch được chuyên trang Escape gợi ý để trở thành "du khách 10 điểm".
Bạn sẽ mê mẩn, quên đi mọi ưu phiền để thả hồn với thiên nhiên, con người ở làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam).
Được ví von là "Thụy Sĩ thu nhỏ", thảo nguyên hoa Suôi Thầu thời điểm này mang vẻ đẹp lãng mạn của những thảm hoa tam giác mạch tươi hồng.