Sài Gòn có làm ta hư?

28/10/2020 - 13:44

PNO - Ai cũng bảo, Sài Gòn rộng lớn, sẩy chân là lạc mất nên lúc nào cũng phải cẩn thận, nhất là con gái. Vậy mà đứa con gái nào cũng hớn hở đến đây, để được sống với ánh đèn neon mầu nhiệm. Từ khi nào chẳng rõ, Sài Gòn đã trở thành nơi đắm đuối nhất cho những kẻ yêu tự do và khẳng khái sống cuộc đời của mình.

Thành phố chẳng lặng yên

Còn nhớ mẹ dặn, Sài Gòn không như ở quê, dễ sa ngã và cũng dễ làm con người ta mông lung lắm. Yêu nhau phải biết giữ mình. Nhưng ở tuổi 20, không ai tính toán được những bất hạnh khi yêu. 

Hồi đó, mỗi lần nghe Trọng Nghĩa tỏ tình: “Em là một nửa đời anh”, Hải Âu tin anh tuyệt đối. Ra trường, cả hai ở lại Sài Gòn lập nghiệp. Sau 14 tháng lấy nhau, lần đầu anh bảo chỉ là chút say nắng nhất thời với cô đồng nghiệp khi đi công tác lâu ngày thiếu em. Ừ thì, trái tim con trai cô đơn nên cô dễ dàng cho qua, thậm chí Hải Âu còn tin rằng tại mình tất cả.

Thế rồi, chồng cô tiếp tục sống với một nửa khác, mà chẳng thấy dằn vặt hay xấu hổ. Hải Âu lặng lẽ ký vào đơn ly hôn. Sau bao năm tự dặn mình, dù khổ thế nào cũng ráng giữ chồng lại cho con, nhưng sống giữa một thành phố chẳng có chút lặng yên này, lòng người cũng được nước lên tiếng. Chịu đựng, hy sinh hay chấp nhận một cuộc tình hư hỏng là do mình chọn. Đứng lên, làm lại và đi tiếp như bao phụ nữ ngoài kia cũng là do nghị lực của mình. 

Thành phố này đủ rộng rãi để mỗi người được sống với mong ước của mình
Thành phố này đủ rộng rãi để mỗi người được sống với mong ước của mình (ảnh minh họa)

Sài Gòn có làm ta xa nhau?

Rời Phú Yên, bà Hoa và ông Quý vào Sài Gòn định cư cùng gia đình hai người con lớn. Ngày trước, bà chỉ biết sống trong tiếng thở dài, lầm lũi; còn ông lúc nào cũng lớn tiếng ra uy. Rồi một ngày, bà phát hiện ông lăng nhăng bên ngoài mà không dám nói.

Ở xứ này, đàn ông có quyền bỏ vợ chứ đàn bà như bà thì lấy cớ gì bỏ chồng. Cũng bởi thị phi mà đàn bà khi lập gia đình phải học im lặng, giấu nước mắt sau vạt áo, cúi đầu chịu đựng vì một hạnh phúc vô hình. Thôi thì, đời bà chẳng phước phần gì nên cố sống cho con Cúc, thằng Nam an lòng.

Vào Sài Gòn, ông bà ở với thằng Nam, còn con Cúc vừa ly hôn với chồng nên ở riêng với con nhỏ. Lạ là, bà Hoa bắt đầu không nghe lời ông nữa. Bà muốn ông phải phụ việc nhà, không được lớn tiếng với bà trước mặt con cháu. Mỗi ngày, ông cũng phải biết nói vài câu yêu thương với bà để bù đắp những ngày tháng lạnh tanh ở quê. Ông Quý không chịu làm. Bà bỏ mặc ông và sang ở nhà con gái đến khi ông qua xin lỗi bà mới thôi. 

Bao người đàn bà ở đây làm được, sao mình lại không? Cớ gì phải ở với một người đàn ông chẳng biết yêu thương mình? Bà bảo sống với ông Quý chỉ vì nghĩa, chứ tình nó mai một từ lâu. Ông chẳng xem trọng ai ngoài bản thân. Đứa con trai lớn lên cũng giống cái tính “coi khinh đàn bà” của ông.

Để không ly hôn, ông Quý chấp nhận thay đổi theo ý bà. Thằng con trai cũng bắt đầu biết nói những lời ngọt ngào với vợ. Ông Quý còn miễn cưỡng và khó làm theo những mong mỏi của bà vì thói quen và sĩ diện, nhưng nghĩ lại ông cũng không muốn sống một mình, cũng bởi ông đã quen có bà bên cạnh rồi. Bà chặc lưỡi, biết vậy mình vào Sài Gòn sớm hơn. Đời, đâu ai biết được khi nào là toại nguyện nên bà cũng bắt đầu hài lòng với hiện tại, nghĩ thế cho nhẹ lòng. 

Cớ sao phụ nữ phải cúi đầu, im lặng?

Xã hội càng hiện đại, người ta lại đòi hỏi nhiều hơn về tình yêu và sẽ tiếp tục kiếm tìm những mối quan hệ mới. Rất ít ai yêu một lần trong đời rồi lấy nhau và sống đến bạc đầu. Thế nên, ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần nói lời chia tay người đã từng là “tình yêu của đời mình” để đi tìm một hạnh phúc khác. Khi đó, tổn thương, giận hờn, mất mát là điều không tránh khỏi.

Một cuộc tình đổ vỡ có thể để lại những dư chấn trong tâm hồn của kẻ ở, người đi. Nỗi đau có thể dai dẳng, kéo dài. Chẳng ai muốn đối mặt nhau, đạp đổ hết những kỷ niệm đẹp và kéo lê “người đã từng yêu” vào hố sâu tội lỗi, để rồi phải vĩnh viễn mất nhau.

Trái với đàn ông, đàn bà chọn im lặng trước một cuộc tình đã qua. Bởi nhiều lẽ, do họ kín đáo, sống nội tâm và dè chừng hơn đàn ông, hay cũng bởi đàn bà có thói quen giấu nỗi buồn, niềm vui riêng mình. Họ sợ thị phi, nên cứ đóng cửa lòng, dạy nhau, mà dạy mãi trái tim chẳng chịu ngủ yên. Họ sợ bị đánh giá nên không chia sẻ mà âm thầm chịu đựng. Đổ cho duyên phận hẩm hiu xem ra đỡ tủi thân hơn nhiều.

Sài Gòn đâu có dạy hư ai. Đàn bà sống lâu ở phố này tự nhiên họ biết yêu lấy chính mình. Họ không vội vàng trách cứ hay đổ lỗi cho bản thân. Chính thái độ sống tích cực và khả năng chịu trách nhiệm với tình yêu giúp họ tái sinh sau những lần vấp ngã.  

Nên dẫu Sài Gòn chật hẹp, cũng có bao ước mơ chắp cánh, trông về… 

Mia Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI