Sài gòn chuyện đời của phố, phần II

12/02/2015 - 08:29

PNO - PN - Sài Gòn chuyện đời của phố, phần II (NXB Hội Nhà văn) là tập sách của nhà báo Phạm Công Luận viết về Sài Gòn năm xưa.

edf40wrjww2tblPage:Content

Vốn gắn bó với Sài Gòn từ thuở ấu thơ, tác giả có nhiều cảm hứng và sưu tập được nhiều tài liệu để khác họa lại Sài Gòn trước năm 1975. Tương tự Sài Gòn chuyện đời của phố, phần I thì phần II này cũng có gần 200 tấm ảnh màu và đen trắng. Bạn đọc thích thú khi xem những trang ký họa tuyệt đẹp đầu thế kỷ 20 của Hiệu trưởng đầu tiên trường Mỹ thuật Gia Định. Lúc đó, ông André Yojeux bằng bút sắt và màu nước mô tả chân thực đời sống người dân thuộc địa và phê phán chế độ thực dân. Được nhìn hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở tuổi hai mươi ba trong một căn gác trọ qua lô ảnh màu cất kỹ trong ngăn kéo, lần đầu được công bố của một đạo diễn ở tuổi hơn tám mươi…

Sai gon chuyen doi cua pho, phan II

Có thể nhìn lại vẻ đẹp của đàn ông Sài Gòn cách nay trên dưới nửa thế kỷ qua những bức chân dung của các nam nghệ sĩ, với kiểu tóc tango mang dáng dấp kiêu hùng, khinh bạc như phim ảnh cao bồi Mỹ. Có thể xem lại bức thư viết năm 1968, cụ Vương Hồng Sển góp ý thẳng thắn về chế độ lương hưu chưa công bố; hay những trang hồi ký của một thanh niên Quảng Bình kể chuyện kiếm sống ở Sài Gòn trước 1945 với những chi tiết thú vị về cách cư xử của người dân thành phố này đối với người nhập cư.

Qua đó, ta thấy rằng thời nào cũng vậy, Sài Gòn luôn mở rộng vòng tay cho những người cần cù, trung thực...

Đọc cuốn sách này, ta còn biết thêm nhiều thông tin thú vị khác như Sài Gòn đã từng có siêu thị đầu tiên năm 1967 với 30 ngàn mét vuông và những người thành lập sau đó đã qua Bangkok, Thái lan để hướng dẫn kinh nghiệm vì “Lúc đó, thương gia Thái vẫn buôn bán theo lối cổ truyền với những địa điểm nhỏ theo lối gia đình của người Tàu...”. Hoặc ý định xây lại chợ Bến Thành đã hình thành năm 1972 sau một cuộc thi nhưng đã không tiến hành vì kinh phí và sự phán đối của người dân Sài Gòn v.v…

Trong Lời ngỏ ở đầu sách, tác giả bộc bạch: “Ký ức đáng quý, vì bao nhiêu cảnh cũ đã thay đổi sạch trơn. Chúng ta cần vội vàng lên để ghi nhận lại những điều đáng quý như vậy, từ những nhân vật lừng lẫy hay những người bình thường. Chúng ta cần và “hãy giữ gìn ký ức của mình, hãy bảo vệ chúng, vì chúng ta sẽ không bao giờ kể lại được điều mình đã quên đi” như lời của Louisa May Alcott, một tiểu thuyết gia người Mỹ đã nói. Tôi không có ký ức gì nhiều về Sài gòn xưa, nên muốn góp sức nhỏ để tiếp tục giữ lại ký ức của các bậc trưởng niên, và từ kho báo cũ chồng chất bụi thời gian”.

N.H
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI