Sài Gòn tuổi thơ tôi
Đó là một xóm nhỏ ngoại ô với vỏn vẹn 12 căn nhà thuộc quận 8. Phía trước là con đường liên tỉnh chạy giữa một bên là những cái ao sen với sắc hồng của hoa quyện vào hương sen dịu dàng thanh khiết mỗi độ vào thu, bên kia là hàng phượng vĩ với những chùm hoa phượng thắp lửa chói chang mỗi bận hè về. Con đường nằm vắt vẻo một đầu về phía phố thị văn minh, một đầu về phía ngoại ô trầm mặc. Có lẽ đặc điểm đó làm nên tính cách nửa tỉnh nửa quê của người dân xóm tôi.
Trên con đường ấy, sớm tối đều dày đặc tiếng rao. Những tiếng rao chợt buồn, chợt vui, chợt mênh mông khắc khoải. Những tiếng rao mang nhịp điệu cần lao làm không gian ấm lại, làm xóm nhỏ đỡ cô quạnh hơn. Không ai đếm được mỗi ngày, thành phố này có bao nhiêu tiếng rao từ những gánh hàng rong. Riêng tôi, mỗi khi nghe những tiếng rao tan ra trong đêm vắng, tôi thấy dậy lên một nỗi niềm khó tả.
Đó là một góc bình yên bên cạnh sự khắc nghiệt của cuộc chiến đang diễn ra từng ngày trên đất nước tôi và trên thành phố này. Tuổi thơ tôi đi qua chiến tranh trong nỗi sợ hãi, hoang mang, không định hướng. Tôi lớn lên, chưa kịp nhìn nhận mọi thứ một cách rõ ràng thì cuộc chiến kết thúc.
Sài Gòn ngày kết thúc chiến tranh
11g30 ngày 30/4/1975, Sài Gòn được giải phóng. Năm đó, tôi 17 tuổi. Nằm trên góc đường Tổng Đốc Phương (bây giờ là Châu Văn Liêm) - Hồng Bàng, chỗ siêu thị xe máy Quang Phương bây giờ là nhà hàng Thanh Đình - một trong những nhà hàng chuyên “bò 7 món” có tiếng của Chợ Lớn. Từ trước đó 1 tháng, do tình hình chiến sự căng thẳng, gia đình tôi đã “tản cư” qua đây ở chung với cậu mợ trong nhà hàng. “Có chết cũng chết chung nhau” - má tôi nói như vậy.
Tại đây, tôi đã tận mắt nhìn thấy chiến tranh kết thúc. Chiến tranh buộc người ta không ai có thể đứng ngoài chiến sự. Mỗi người nhìn cuộc chiến theo cách của riêng mình, nhưng tất cả đều có chung một khát vọng hòa bình. Tôi 17 tuổi, đã biết nhận ra sự tàn khốc của chiến tranh và giá trị của hòa bình.
Mọi người xôn xao bàn tán, nhốn nháo cả lên, không ai để ý đến tôi. Tôi thò đôi mắt qua ô cửa khép hờ nhìn ra đường phố. Con đường Hồng Bàng vắng ngắt, lạnh tanh trước đó phút chốc trở nên nhốn nháo lạ thường. Sau này, tôi nghe kể lại, ở trung tâm thành phố lúc bấy giờ rất đông vui. Người dân Sài Gòn đổ ra đường đón chào quân giải phóng; thanh niên phất cờ chào đón, người già hô vang “Sài Gòn giải phóng rồi”; xe tăng, xe cơ giới, xe cam nhông chở bộ đội tiến vào các ngả đường thành phố.
|
Sài Gòn - TPHCM luôn là điểm tựa bình yên - Ảnh: Nguyễn Quang |
Con đường trước mắt tôi khi ấy cứ chốc chốc lại có một chiếc xe nhà binh chở đầy lính Việt Nam Cộng hòa lao vút qua, mang theo tiếng la hét, tiếng đập phá, đổ vỡ xen lẫn tiếng còi hú, tiếng súng đì đùng rải rác. Trên đường ngổn ngang quần áo, mũ nón của lính Việt Nam Cộng hòa vứt lại. Lại có một nhóm người mang áo tù thất thểu. Đàn bà, con nít đùm túm dắt tay nhau. Tất cả dội vào lòng tôi nỗi hoang tàn, trống trải.
Cũng bằng nỗi sợ hãi và hoài nghi ấy, tôi đi dự buổi họp thanh niên đầu tiên theo lệnh triệu tập của chính quyền quân quản. Và tôi chấp hành khi trúng cử vào chức vụ Thư ký Chi hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam ở địa phương.
Nụ cười hiền lành, thân thiện cùng giọng ca chắc khỏe, trầm ấm và rành mạch của đồng chí bộ đội - người điều khiển buổi họp - trong những giai điệu hào hùng của các bài ca cách mạng khiến tôi yên tâm phần nào, dù lúc ấy, thú thật, tôi không mấy cảm nhận được nội dung bài hát.
Từ đó, tôi tập tành đi làm “cách mạng” một cách trong sáng, hồn nhiên, bất chấp cơm độn bo bo, bất chấp “tàn phai nhan sắc”. Những ngày tháng ấy là một phần đời thanh xuân lộng lẫy, tinh khôi và trong trẻo của tôi. Đó là những ngày nắng cháy da trên công trình thủy lợi Trần Quang Cơ. Đêm. Trăng vằng vặc sáng. Nhìn dòng nước đầu tiên đổ về loang loáng lòng kênh, chúng tôi ôm nhau vừa hò reo, vừa… khóc.
Đó là những đêm lạnh thấu xương, cả đám ngồi bên nhau trên bờ đê lộng gió, gặm nhấm nỗi nhớ nhà thắt thẻo giữa không gian ngan ngát mùi khóm chín ở nông trường Phạm Văn Hai. Những đêm diễn văn nghệ phục vụ thanh niên xung phong trên sân khấu kê bằng mấy cái thùng phuy, “nghệ sĩ” ngâm thơ mà cứ lắc lư như đang phiêu linh vô định. Đó là những ngày đẩy xe cút kít chở đất đá san lấp mặt bằng xây dựng công viên Đầm Sen, để sau đó cho ra đời một khu vui chơi hoành tráng phục vụ đồng bào thành phố.
Đời người ai cũng có dấu ấn đặc biệt. Với tôi, đó là được tận mắt chứng kiến thời khắc lịch sử tháng Tư - chiến tranh kết thúc - một dấu ấn mà không phải ai cũng may mắn có được trong cuộc đời mình.
Ra đi và trở về
Một ngày đầu thu 1979, thành phố tiễn tôi đi theo lời kêu gọi “Đâu cần, thanh niên có” của Thành đoàn. Ở một nơi cách xa TPHCM chưa đầy 100 cây số nhưng dòng đời cứ cuốn tôi đi…
Tôi đi, mang theo nỗi nhớ về con đường, về hương sen, về màu hoa phượng vĩ và những tiếng rao. Ở đó, tôi đã có không biết bao nhiêu giấc mơ xanh ngời bóng lá các hàng cây, cùng những âm thanh phố thị ồn ào, náo nhiệt. 1 năm đôi ba bận trở về thăm thành phố, khi con phà Rạch Miễu khuất sau dãy cù lao trôi về phía bên kia bờ, tôi thấm thía tận cùng nỗi hân hoan bùng vỡ. Hẻm nhỏ, xóm nhỏ, Sài Gòn, nhà tôi ở đó.
Tôi trở về sau gần 30 năm, xóm nhỏ ngoại ô đã trở thành thị tứ. Tôi như người lạc thời ngơ ngác nhìn thành phố hóa trẻ lại không ngờ. Ngoài đường nhộn nhịp người xe, trong xóm chen nhau nhà cao, ngói mới. Những khoảng đất hoang lầy lội nay trở thành đường sá thênh thang. Nhiều khu dân cư với những biệt thự, công viên mọc lên. Trường học, bệnh viện được xây thêm, khang trang sạch đẹp.
Chỉ là một chút nỗi niềm về con đường. Con đường ngắn ngủi làm nhiệm vụ kết nối 2 đầu nội ô và quốc lộ nên mới có tên là Liên Tỉnh, nay gọi chung là Quốc lộ 50. Hàng phượng vĩ đã nhường chỗ cho những cái trụ bê tông cao sừng sững để đường điện cao thế chạy qua. Trên những cái ao sen, mọc lên một dãy phố thương mại tấp nập người mua kẻ bán.
Tôi trở về, nhận ra thành phố ngày càng trẻ lại mà mình thoắt cái đã già nua. Anh bạn nhà thơ Sài Gòn “quăng” tôi vào tòa soạn của bạn anh ấy. Thế là niềm đam mê đã từng phong kín được dịp hồi sinh. Gần 20 năm, tôi cần mẫn cày bừa trên cánh đồng chữ nghĩa, tìm thấy ở đấy niềm hạnh phúc vô biên, tận hưởng thành phố ngày một trẻ ra.
Mãi mãi tôi biết ơn Sài Gòn đã nuôi nấng tuổi thơ tôi, cho tôi sống một thời tuổi trẻ tươi đẹp, nay lại dang tay đón nhận tôi trở về, tìm thấy một điểm tựa bình yên. Mãi mãi tôi thiết tha yêu thành phố này cho dù đó là Sài Gòn hay TPHCM.
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - TPHCM, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html. |
Ngô Thị Thu Vân (quận 8, TPHCM)