Bạn tôi bảo, những hàng người rồng rắn xếp hàng trước cửa các siêu thị gợi nhớ ký ức về một thời bao cấp - cái thời đặt cục gạch từ 5g sáng để lấy 500g thịt và 1 lít nước mắm, 1kg đường theo tiêu chuẩn tem phiếu và bồi dưỡng sản phụ (khi mẹ cô ấy sinh em trai cô vào năm 1980, khi cô được tám tuổi).
|
Trong hoang mang, những người lao đi mua vét thực phẩm đã không đủ bình tĩnh để nhớ rằng, kể cả trong những lúc giãn cách nghiêm ngặt nhất, chúng ta vẫn có thể ra ngoài để mua thực phẩm thiết yếu - Ảnh: Minh Hòa |
Còn tôi, cảm giác như được trôi về những ngày ấu thơ, phải ngồi nhặt những con mọt to tướng trong thùng gạo và hũ bột mì sau làn sóng dịch lần một, vì ngoài 10kg gạo dự trữ tự mua, tôi còn được tiếp tế 20kg nữa.
Bên cạnh muôn vàn lo lắng trong mùa dịch, ám ảnh thiếu thực phẩm có lẽ là điều cần loại bỏ nhất. May mắn thay, các kệ hàng đầy đủ rau củ sau vài ngày trống trơn đã chứng minh “ký ức tem phiếu” là việc bạn đang tạm ứng trước sự lo lắng vô ích.
Mua cho yên tâm!
“Nhà em có phiếu để được đi siêu thị rồi các mẹ ạ”. Dòng status khiến nhiều người không sống ở TPHCM lo người thân ở đây sẽ thiếu thực phẩm. Sao lại có ngày nơi được gọi là thiên đường ẩm thực, nhiều món ăn và nhiều khuyến mãi nhất cả nước lại phải lo đói?
TPHCM có ba chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) cung cấp thịt cá, rau củ quả từ các tỉnh rồi phân bổ cho các hệ thống bán lẻ, chợ truyền thống… là điều rất nhiều người biết. Thế nhưng, ngoài các siêu thị, chuỗi cung ứng bán lẻ thực phẩm, còn có nhiều kênh khác (nhập khẩu, các doanh nghiệp…). Có lẽ nhiều người không biết hoặc biết mà quên các kênh này nên mới có chuyện.
Khi thành phố lần lượt đóng cửa các chợ đầu mối, lượng người mua hàng và doanh số bán hàng thực phẩm lập tức tăng cao. Những ngày người dân đổ xô vào siêu thị, vét sạch thực phẩm đông lạnh trong các tủ, trứng và rau củ trên kệ, xếp rồng rắn ở cửa thì mọi thông báo, tin tức chính thống kiểu “Hệ thống các siêu thị và chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi vẫn đảm bảo cung cấp đủ lượng rau củ quả, thịt, cá…” hoàn toàn bị nhấn chìm.
Cũng trong hoang mang, những người lao đi mua vét thực phẩm rau củ đã không còn đủ bình tĩnh để nhớ rằng, kể cả trong những lúc giãn cách nghiêm ngặt nhất, chúng ta vẫn có thể ra ngoài để mua thực phẩm thiết yếu, thuốc men. Siêu thị hay cửa hàng tiện lợi cũng vẫn là “người bán”, người kinh doanh, chẳng lẽ họ chịu phí mặt bằng cùng biết bao chi phí khác mà cứ để quầy kệ trống không? Hôm nay hết thì mai phải có, không chỗ này có thì chỗ khác có.
Chúng ta xếp hàng để tuân thủ quy tắc phòng dịch chứ không hề giống thời kỳ đặt cục gạch và lãnh hàng bằng tem phiếu.
Chúng ta mua bằng tiền mặt, cà thẻ và có nhiều lựa chọn cho một bữa cơm ngon. Mà rủi có không nấu cơm một vài bữa, không có rau vài bữa, bạn không nghĩ cách thay thế chất xơ bằng rong biển, kim chi, dưa muối hay vô số trái cây nhiệt đới đang vào mùa?
Tâm lý lo lắng lây lan rất nhanh. Nỗi sợ hãi khi giãn cách, phong tỏa sẽ bị thiếu thốn, bị đói (dù có tiền cũng không chắc mua được hàng hóa) khiến người ta chỉ tạm yên tâm khi tủ lạnh nhà mình đã đầy kín; khi mỗi sáng mở tủ lạnh hay kệ bếp đều thấy thịt, cá, mì, bột, gạo, sữa… đầy ăm ắp. Rau cồng kềnh hơn, khó cấp đông nhưng lại có thể muối, làm dưa… nên phải tranh thủ mua về rồi tính.
Vì mua trong lo lắng, đa số sẽ quên việc cân đối định lượng, tính toán, phần lớn chỉ nghĩ kiểu “thịt hai tuần, cá hai tuần, bò hai tuần, trứng hai tuần…” nên cuối cùng tổng hợp lại, có khi phải cả tháng mới hết chỗ thực phẩm mua trong bối rối ấy.
Tôi có cô bạn hay cùng đi siêu thị Emart, hai tuần một lần, hóa đơn hàng khoảng 2 triệu đồng là đủ thực phẩm cho cả nhà (chưa tính trái cây và sữa). Lần đi gần đây nhất ngay trước đợt giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16, trước làn sóng xếp hàng, chúng tôi đều hơi băn khoăn, định mua nhiều hơn một chút, nhưng nghĩ lại, có giãn cách cũng chỉ hai tuần hạn chế đi lại, mà siêu thị không bị cấm, tủ nhà mình cũng chỉ có bấy nhiêu chỗ chứa, sao phải chất đống thêm nữa.
Hôm ấy, hóa đơn của tôi thành 2,2 triệu đồng vì thêm bịch nước giặt và lốc giấy vệ sinh. Đứng chờ tính tiền cách nhau 1,5m, chúng tôi nhắn tin cho nhau, chụp hình xe hàng để báo cho đám “chị em bạn dì” ở Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Dương… đừng nghe tin đồn mà ầm ầm gửi thực phẩm vào giải cứu, nhà không còn chỗ chất nữa.
Ai cũng thương bạn bè mình ở chung cư, chẳng may phong tỏa biết mua đồ ở đâu mà quên rằng, tầng trệt của các chung cư thường là siêu thị và cửa hàng tiện lợi, bán đủ thứ.
|
Nguồn cung hàng hóa, thực phẩm cho thành phố vẫn luôn dồi dào - Ảnh: Quốc Thái |
Thế nên việc hàng siêu thị sạch nhẵn vì chợ đầu mối đóng hay vì tâm lý đám đông đều chỉ khiến tủ lạnh nhà mình chật. Nếu bạn mua để mình thấy yên tâm cũng tùy, nhưng đừng chia sẻ lên mạng xã hội rằng ý thức người này người kia kém hay tệ hơn là chỉ trích các nhà quản lý đã không biết điều phối.
Bình tĩnh, bình tĩnh và… bình tĩnh
Ngoài việc bị cuốn theo cơn lốc lo lắng, sợ hết hàng, nhiều người còn tự tặng bản thân nỗi lo “tăng giá vô tội vạ” được thiết kế bởi một số “doanh nhân” tranh thủ mượn gió bẻ măng đã mạnh tay lên giá gấp đôi, thậm chí gấp ba ở các chợ tự phát, chợ lề đường, bán online…
Thói quen mua thực phẩm ở chợ tự phát, không cập nhật thông tin và không có thời gian để kiểm tra khiến các thượng đế vốn lo xa, thấy lên giá lại càng cố mua nhiều hơn vì sợ đợt sau giá sẽ còn lên cao nữa.
“Tháng một lần mua gà vịt, trứng tại trang trại ở Long An hoặc vào siêu thị mua nhu yếu phẩm, đặt hàng online thanh toán qua thẻ hoặc ví điện tử, hạn chế tiếp xúc, tránh sử dụng tiền mặt, những xu hướng này trước đây tôi không quen nhưng giờ cũng phải cố gắng cập nhật. Mọi thứ đã thay đổi mà mình vẫn bám vào nếp cũ, những thói quen mua bán cũ thì chỉ mình thiệt.
Không có thông tin thì mới hoang mang, chứ biết rõ hàng hóa vẫn còn đấy thì bình tĩnh mà xếp hàng nếu có thời gian, không thì đặt giao, sao phải lo” - Thúy Hòa, một cô giáo tại quận Gò Vấp, TPHCM, chia sẻ.
“Trong nhà, tôi là người cuối cùng làm quen với các giao dịch điện tử và thanh toán trực tuyến, chứ các con tôi đều đã thành thạo và sử dụng phương thức mua bán này từ lâu. Nghe giãn cách là chúng nó lo đi cắt tóc, mua bán tính sau vì người bán mùa dịch có khi nhiều hơn người mua”, chị Hòa nói vui.
Cũng theo chị Hòa, bạn bè chị tham gia khá nhiều vào các nhóm bán hàng, tạo thành chợ online trên Zalo, Facebook. Nhiều nhóm chợ tại các tòa nhà, các khu chung cư hàng ngàn căn hộ cũng cung cấp đủ loại hàng hóa, thực phẩm, món ăn làm sẵn… Nhiều nhóm vài trăm thành viên, hàng hóa có kiểm soát và lựa chọn người bán, nguồn hàng chất lượng đã giúp bình ổn giá và tâm lý nhiều chị em.
“Chúng tôi xây dựng nhóm chợ lúc đầu chỉ toàn cư dân trong tòa nhà, chia sẻ các món ăn, thực phẩm chất lượng tốt, giá hợp lý cho nhau. Sau mùa dịch, đây thực sự trở thành một chợ nhỏ hoạt động khá hiệu quả. Những ngày mọi người sốt vì rau, chúng tôi vẫn mua được rau với giá chỉ nhỉnh hơn thông thường từ 5.000 - 10.000 đồng/kg”, chị Loan, cư dân một chung cư tại quận Phú Nhuận, TPHCM, trưởng nhóm Chợ OG, cho biết.
Quẳng bớt lo lắng vu vơ đi, tạm ứng gì vui vui chứ cứ sợ ốm, đồn đại sắp “toang”, đói… thì stress, mất ngủ mà lên cân, rồi khuân thực phẩm chồng chất về, ra sức “thanh lý” cho hết thì khoản chi nhiều nhất sau dịch chắc là dành cho việc… hút mỡ và tẩy nám da.
Bình tĩnh đi, hôm nay bạn đã lại thấy các quầy kệ đầy ắp hàng hóa; chỉ vài tuần nữa, các chương trình khuyến mãi lại sẽ tiếp tục, mọi việc lại bình thường.
Ở thành phố này đừng lo không có hàng để mua, nhé!
Lê Lan Anh