Sài Gòn những ngày giãn cách xã hội, nhìn đâu cũng thấy yêu thương ấm áp được gửi trao. Triệu trái tim đang hướng về mảnh đất này. Những đoàn xe chở đội ngũ y, bác sĩ về chi viện cho Sài Gòn. Những đoàn xe tải chở đầy nông sản, nối nhau trên các cung đường từ Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tiền Giang, Quảng Trị, Huế… về “cứu trợ” Sài Gòn. Bà con miền núi gửi bầu bí, gạo, mì; người dân miền biển gửi cá, gửi tôm…
|
Phụ nữ phường Đông Lương, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị gom thực phẩm gửi tặng bà con Sài Gòn - Ảnh: Hoàng Diệu Thông |
Đọc tin tức, xem hình ảnh/clip về “cuộc tiếp sức Sài Gòn” mà cay mắt. Rưng rưng khi nghĩ rằng vào lúc người dân thành phố ở yên trong nhà thì từ khắp các ngả đường đổ về Sài Gòn là những chuyến xe rau củ, thực phẩm của đồng bào cả nước. Dù là chi viện nhân lực, ủng hộ trang thiết bị y tế, quỹ vắc xin hay tặng nông sản/lương thực, tất cả đều là tấm lòng quý giá của “những người anh em” thân thiết, của nghĩa đồng bào.
TPHCM lúc nào cũng là đầu tàu kinh tế, là đất lành cưu mang bao người khắp mọi miền. Giờ đây, Sài Gòn như được nhận lại tất cả thâm tình ấy. “Hãy ưu tiên vắc xin cho Sài Gòn; Sài Gòn khỏe thì các tỉnh, thành mới khỏe được”, “Sài Gòn ơi, sớm khỏe lại nhé để Hà Nội còn được vào thăm”… Những lời nhắn gửi giản dị mà dễ làm người Sài Gòn rơi nước mắt.
Giờ đây, “Sài Gòn” cũng như tên của các tỉnh trở thành đại từ nhân xưng, như một “gương mặt đại diện” của vùng đất trao - nhận thâm tình.
Nhà nghiên cứu Phan Ngọc từng viết: “Người Việt Nam là con người tổ quốc luận, tức là đối với anh ta, tổ quốc lớn hơn tất cả”. Khi đất nước gặp nguy nan, biến cố, tự khắc toàn dân đồng lòng kề vai gánh vác, san sẻ. Mai này, khi dịch bệnh qua đi, có lẽ chúng ta cũng sẽ nhìn nhau trong yêu thương, rằng “qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau…”.
Diện mạo yêu thương trên dải đất hình chữ S là diện mạo của một dân tộc đoàn kết, nhân ái, trọng tình nghĩa. Cộng đồng vì nhau không toan tính; chẳng ngại vất vả, hiểm nguy; càng không cần phải được ai biết mặt, gọi tên. Những nông dân, ngư dân, những người vận chuyển, phân phối thực phẩm… miệt mài và lặng lẽ trong cuộc tương trợ, giúp đỡ Sài Gòn vượt qua đại dịch. Họ làm nên sức mạnh cộng đồng một cách giản dị.
Chợt nhớ đến câu thơ trong bài Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước…”. Chỉ khác, lớp lớp người người mà bài thơ xưa đề cập đến là những người con đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Còn bây giờ, trong một cuộc chiến với dịch bệnh, cũng có những “lớp lớp người người” đang cùng nhau gánh vác trách nhiệm, dù đang ở đâu.
Rất nhiều lần nhìn những bóng áo xanh bảo hộ, những khuôn mặt đeo khẩu trang và kính chống giọt bắn, tôi tự hỏi họ là ai. Khuôn mặt có thể được hình dung như thế nào và tên gọi là gì? Nhưng rồi đành chịu. Họ là các y, bác sĩ, lực lượng vũ trang, lãnh đạo, lực lượng chức năng đang ngày đêm làm nhiệm vụ chống dịch; cũng có thể là những người bình thường đang từng ngày hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng. Những quán cơm miễn phí, những gian hàng thực phẩm 0 đồng, những túi gạo/rau củ dành cho người dân ở khu vực cách ly/phong tỏa…
Thương Sài Gòn những ngày vắng lặng. Quý những tấm lòng của bà con khắp miền Tổ quốc đã và đang tiếp sức cho Sài Gòn - những tình cảm nồng hậu, thiết tha. Sài Gòn nhất định phải sớm khỏe lại, để không phụ lòng tất thảy những yêu thương.
Bùi Tiểu Quyên