Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - thành viên ban chủ biên tập sách Trần Bạch Đằng - Chân dung kẻ sĩ Nam bộ - vừa được nhà xuất bản (NXB) Khoa học xã hội ấn hành, tâm sự: tập sách in xong, không có tiền trả nhuận bút. Các tác giả có bài viết trong tác phẩm sẽ được trả nhuận bút bằng sách (in lần đầu chỉ 500 bản).
Trần Bạch Đằng - Chân dung kẻ sĩ Nam bộ có sự tham gia của hơn 50 tác giả gồm các học giả, những người từng có thời gian công tác, gắn bó với nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng. Trong đó có bài viết của giáo sư - nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Đình Đầu, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Phạm Phương Thảo, nhà báo Phan Quang, nhà văn Anh Đức, Vũ Hạnh…
Tác phẩm dày 400 trang, gồm bảy chương: Thân thế - sự nghiệp, Nhà chính trị bản lĩnh, Nhà văn hóa lỗi lạc, Một ngòi bút lửa, Người nghệ sĩ tài hoa, Người anh lớn của thanh niên và Nhất phiến tài tình.
|
Nguyên Phó trưởng ban tuyên huấn Khu Sài Gòn - Gia Định Nguyễn Trọng Xuất và tiến sĩ Quách Thu Nguyệt trao đổi về các dự án sách tâm huyết, trong buổi ra mắt tác phẩm |
Bản thảo đã được ban chủ biên (gồm ba thành viên: Nguyễn Trọng Xuất, Quách Thu Nguyệt, Phan Văn Hoàng) hoàn thành từ gần 4 năm trước. “Ban đầu, chúng tôi dự định in ở NXB Trẻ. Đã qua các khâu làm đề cương, duyệt bản thảo, góp ý đề cương, tổ chức bản thảo. Chúng tôi dự định in sách nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Trần Bạch Đằng. Nhưng sau gần hai năm, NXB Trẻ vẫn chưa in. Ban chủ biên khá sốt ruột nên đã mang bản thảo đến NXB Khoa học xã hội và quyết định in theo kế hoạch B” - tiến sĩ Quách Thu Nguyệt cho biết.
Kế hoạch B là cá nhân tự bỏ tiền in. Vì không có nhiều kinh phí, tác phẩm chỉ in 500 bản, hiện được “gửi” bán tại gian hàng của NXB Tổng hợp TP.HCM tại Đường sách TP.HCM. Riêng tại buổi ra mắt, sách được bán giảm giá 20% (giá gốc 186.000 đồng/quyển).
Với người viết, đó là một buổi ra mắt thật cảm động, đa phần người tham dự đều cao tuổi. Những mái đầu bạc trắng, mỉm cười cảm thông khi biết sau khi sách in ra, nhóm chủ biên… không đủ tiền trả tác quyền, tác giả có bài sách sẽ được nhận sách thay nhuận bút.
Trần Bạch Đằng - Chân dung kẻ sĩ Nam bộ xứng đáng được in ở kế hoạch A (NXB đầu tư in và trả tác quyền) và được phổ biến rộng rãi hơn. Rất nhiều tư liệu quý, những câu chuyện, kỷ niệm cùng những bài viết hay, đặc sắc về nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã xuất hiện trong tác phẩm. Một “chân dung kẻ sĩ Nam bộ” hiện lên ở đầy đủ các góc độ về cuộc đời, nhân cách và sự nghiệp, cống hiến của ông: một nhà lãnh đạo bản lĩnh, một nhà văn hóa lỗi lạc, nhà văn, nhà báo, nhà sử học, một nhân cách lớn…
“Có lần tôi hỏi ông: “Trong một cái tết, chú viết bao nhiêu bài báo xuân?”. Ông nói 28 bài. Ông đã viết hàng vạn bài báo, bài nào cũng có tính phản biện. Những năm ông làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định (1968-1971) là những năm phong trào thanh niên phát triển rất mạnh ở thành phố này. Giai đoạn làm Bí thư Thành đoàn TP.HCM (1983-1987), tôi cũng hay mời những gương mặt tiêu biểu đến nói chuyện với thanh niên, trong đó có “ba người họ Trần”: Trần Văn Giàu, Trần Văn Trà và Trần Bạch Đằng. Có lần, ông gửi gắm với tuổi trẻ thành phố, rằng lịch sử của thành phố này, cũng như lịch sử của phong trào thanh niên rất đồ sộ; trách nhiệm của các thế hệ thanh niên của thành phố là phải làm cho nó đồ sộ hơn nữa” - bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, hồi tưởng.
Nhóm văn phòng Trần Bạch Đằng - cách gọi văn phòng làm việc của ông - cũng có bài viết góp thêm một góc nhìn đáng ngưỡng mộ về nhân cách Trần Bạch Đằng. “Chúng tôi còn mong thực hiện tiếp một Tổng tập Trần Bạch Đằng, hy vọng sẽ in kịp vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông” - tiến sĩ Quách Thu Nguyệt chia sẻ.
Trước tình hình thiếu kinh phí in sách, đã có người - cũng là một trong số tác giả đóng góp bài viết cho Trần Bạch Đằng - Chân dung kẻ sĩ Nam bộ - đứng ra đóng góp trước 20 triệu đồng. Nghe sao mà xót xa! Những nhân vật như Trần Bạch Đằng, in sách lẽ ra phải là nhiệm vụ của NXB hoặc phải được Nhà nước tài trợ kinh phí, chứ đâu phải để các cá nhân tâm huyết biên soạn rồi tự bỏ tiền túi in sách thế này.
Mỗi tác phẩm là một di sản
Một trong những di sản sách mà nhóm chủ biên thực hiện còn có sách về Thượng tướng Trần Văn Trà. Bản thảo đã được gửi đến NXB Trẻ. “Cách đây hai năm, khi tôi đến thăm, phu nhân Thượng tướng (bà Lê Thị Thoa - nguyên Phó giám đốc Viện Pasteur TP.HCM - PV) đã giao hết tư liệu gia đình, di cảo của ông cho tôi nói: “Nguyệt cố gắng in thành sách, đó cũng là tâm nguyện của ông trước khi qua đời”. Bà nói cũng không biết sẽ đi theo ông vào lúc nào. Cả tài sản của gia đình bà cũng muốn gửi cho tôi để dành in sách” - tiến sĩ Quách Thu Nguyệt tâm sự.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt chia sẻ, tâm nguyện của nhóm chủ biên là thực hiện được bộ sách về ba nhân vật họ Trần: Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng và Trần Văn Trà. Sách về giáo sư Trần Văn Giàu đã in, đến nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng thì lận đận, giờ là di cảo của Thượng tướng Trần Văn Trà đang chờ phê duyệt.
|
Lục Diệp