PNO - Cuốn Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương (1897-1902) - Bàn đạp thuộc địa - một tác phẩm hiếm hoi về viên toàn quyền Đông Dương có ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam thời thuộc Pháp của tác giả Amaury Lorin được xuất bản gần đây, nối dày thêm dòng sách khảo cứu về An Nam của các học giả, nhà nghiên cứu Pháp cuối thế kỷ XIX đầu XX đã được dịch ra tiếng Việt. Có thể nói đây là những tư liệu quan trọng với nhiều diễn giải, luận điểm thú vị, độc đáo, sâu sắc mà hôm nay vẫn cần phải tiếp tục suy tư, tham chiếu kỹ lưỡng.
Ngay sau những cuộc bình định lãnh thổ và chính trị nhuốm màu bạo lực, người Pháp dành khá nhiều thời gian, công sức tìm hiểu Việt Nam (hay quen thuộc hơn với tên gọi An Nam), trên tất cả các phương diện, từ chính trị - xã hội, địa lý, kinh tế, tổ chức làng xã, phong tục tập quán, đến tâm lý tính cách con người. Hiểu An Nam, một mặt, nhằm thỏa mãn tâm lý hiếu kỳ và tò mò “xứ lạ” mà thời đại khám phá (age of exploration), bắt đầu từ thế kỷ XIX, ăn sâu vào đầu óc hầu hết các nhà thực dân trên thế giới lúc đó. Mặt khác, quan trọng hơn, chính quyền thực dân không muốn thiết lập chế độ cai trị lâu dài mà không xuất phát từ một nền tảng tri nhận đủ chắc chắn, kỹ lưỡng về chính dân tộc bị đô hộ.
Một số sách khảo cứu tiếng Pháp về An Nam được dịch, xuất bản ở Việt Nam gần đây
Tầng lớp nho sĩ, với truyền thống chữ nghĩa dài lâu, đã có khá nhiều trước tác về dân tộc An Nam của mình. Nhưng điều mà họ không ngờ tới, là thứ văn tự Hán mà họ sử dụng không đủ thuận lợi để tạo nên một ảnh hưởng tri thức rộng lớn ngoài quốc gia. Sự đọc của nước Pháp về An Nam, vì thế, gần như phải bắt đầu từ vạch xuất phát của chính họ. Dĩ nhiên người Pháp cũng tham khảo tài liệu Hán văn, song dưới tinh thần khoa học thực địa, với mục tiêu kéo độc giả Pháp về gần hơn với Đông Dương, họ lựa chọn con đường nhọc nhằn nhưng xác đáng là phải tự mình xây dựng được hệ thống sách vở về An Nam càng đa dạng càng hiệu quả.
Cùng với sự bùng nổ của diễn đàn báo chí, nhất là báo tiếng Pháp, sự xuất hiện của Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO, 1900) đã trở thành nơi tập trung và công bố khá nhiều nghiên cứu về An Nam. Có một điều đáng chú ý là không chỉ các học giả mới chuyên tâm nghiên cứu, nhiều viên chức công quyền, các chính trị gia cũng hăm hở “đua tiếng”, tạo thành một không khí học thuật khá sôi nổi.
Quá trình xác lập từ khóa An Nam thời thuộc địa trong giới học giả Pháp diễn ra trên bề rộng lẫn bề sâu mà ngày nay, hậu thế có thể nhắc đến nó như một di sản học thuật với nhiều tác giả, tác phẩm thuộc hàng “cần phải đọc”. Chẳng hạn, Bắc kỳ (Le Tonkin, 1931) và Người nông dân châu thổ Bắc kỳ (Les paysans du Delta Tonkinois, 1936) của Pierre Gourou (1900-1999); Lịch sử hiện đại của xứ An Nam (Histoire moderne du pays d’Annam, 1919) của Charles Maybon (1872-1926); Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa tại Viễn Đông (Histoire ancienne des États hindouisés d’Extrême-Orient, 1944) của George Cœdès (1886 - 1969); Tỉnh Thanh Hóa (Le Thanh Hoa, 1929), Các tiểu luận về nghệ thuật An Nam (Essais sur l’art annamite, 1943) của Louis Bezacier (1906-1966); Nước Việt Nam thời xưa (L’Annam d’autrefois, 1929) của Pierre Pasquier (1877-1934); Tôn giáo của người An Nam (La religion des Annamites, 1931) của Paul Mus (1902 - 1969)...
Vang bóng trở lại
Tuy số lượng các công trình, bài khảo cứu về An Nam (và rộng ra là Đông Dương) rất phong phú, nhưng không phải ai cũng có cơ hội được đọc chúng. Trên thực tế, ở giai đoạn đầu thế kỷ XX, việc đọc, tham khảo lẫn nhau giữa các học giả An Nam và Pháp là “chuyện thường ngày ở huyện” như đã từng thể hiện trong trước tác của Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Tố hay Đào Duy Anh. Nhưng càng về sau, bởi nhiều lý do, nhất là rào cản ngôn ngữ và ý thức hệ khoa học, kho sách tư liệu tiếng Pháp về An Nam ít được phổ biến.
Lúc đầu, sự trở lại dòng sách này dường như mang tính chọn lọc với việc tập trung dịch, giới thiệu những công trình mang tính chất kinh điển, chẳng hạn, về tôn giáo tín ngưỡng của L. Cadière, về địa lý nhân văn của P. Gourou và Ch. Robequain, về lịch sử - xã hội của G. Cœdès... Chỉ mươi năm trở lại đây, khi nhu cầu đọc sách khoa học nhân văn ngày càng tăng, và đặc biệt, nhu cầu nhận thức xã hội Việt Nam truyền thống một cách đa chiều hơn đã khiến mảng sách khảo cứu tiếng Pháp về An Nam được dịch, xuất bản, tái bản khá sôi nổi.
Có thể kể đến Rừng người Thượng (2008) của Henri Maitre, Kỹ thuật của người An Nam (2009) của Henri Oger, An Tĩnh cổ lục (2014) của Hippolyte Le Breton, Hồi ký Xứ Đông Dương (2016) của Paul Doumer, Nghệ thuật xứ An Nam (2017) của Henri Gourdon, Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế (2019) của L. Cadière và Edmond Gras, Bắc kỳ tạp lục (2019) của Henri Souvignet, Tâm lý người An Nam (2019) của Paul Giran... Và mới đây, trong hai quý đầu năm 2020, là Vương quốc Champa của Georges Maspero, Làng xã của người An Nam ở Bắc kỳ của Paul Ory, Vua Gia Long của Marcel Gaultier... Danh sách chắc chắn còn kéo dài khi một số nhà sách cũng đã lên kế hoạch các đầu sách cụ thể tiếp tục ấn hành trong thời gian tới.
Sự đón nhận tích cực của độc giả hôm nay đối với dòng sách tương đối “khó nhằn” ấy, là điểm sáng trong bối cảnh văn hóa đọc tuy sinh động nhưng vẫn chưa có độ tinh lọc. Các tọa đàm, bài viết và ý kiến trái chiều về một số đầu sách (chẳng hạn tranh luận về Tâm lý người An Nam vào năm ngoái) càng chứng tỏ công chúng có sự chú tâm nhất định về những quan điểm cả đúng lẫn sai của người Pháp. Rõ ràng, độc giả lựa chọn góc nhìn nào, theo tôi, đồng thời sẽ tự đặt mình vào vị thế phải đối thoại, đối sánh và tỉnh táo giữ khoảng cách với những tiếng nói đôi khi rất khách quan nhưng không phải lúc nào cũng xuôi tai.
Nhiều diễn giải, nhận định của học giả Pháp cần đến những tham chiếu tri thức khác nhau và thường xuyên đãi cát tìm vàng thì mới có nhiều thu nhận hữu ích. Tuy nhiên, cũng không vì ác cảm với “thực dân” mà chúng ta vội vàng quy tất cả những đánh giá, phân tích của họ là vô căn cứ, phiến diện hay miệt thị dân bản địa.
Tài liệu tiếng Pháp đầu thế kỷ XX chuyên khảo cứu về An Nam, bao gồm cả sách vở và báo chí học thuật, nhìn rộng ra, có thể lên đến hàng ngàn. Số lượng trước tác được dịch ra tiếng Việt nêu trên, nhìn chung, đang mới bước đầu và phần lớn phụ thuộc nỗ lực dịch thuật của cá nhân. Tuy thế, may mắn là một số tài liệu đã được người Pháp số hóa và đăng tải công khai trên nhiều website (trang của Thư viện Quốc gia Pháp chẳng hạn). Để sách vở không bị lớp bụi thời gian và những biến động lịch sử xã hội đẩy vào lãnh cung, tôi nghĩ, chúng ta rất nên thực hiện một dự án dịch thuật quy mô và bài bản hơn. Chỉ khi cảo thơm lần giở một cách tường tận, chúng ta mới thông hiểu quá khứ và từ đó, mới tạo dựng hiện tại giàu có, bền vững.