Sách văn học miền Nam trước 1975: Trở lại dè dặt

30/06/2020 - 12:33

PNO - Cái khó của việc in lại các tác phẩm văn học trước 1975 còn là vấn đề tác giả có muốn tái xuất hay không, và quan trọng nhất là sự đón nhận của độc giả.

Một vấn đề được nhà thơ Vũ Quần Phương đặt ra tại hội thảo Văn học nghệ thuật Việt Nam - 45 năm thống nhất đất nước (do Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức), vừa diễn ra tại TP.HCM ngày 22/6: “Cho đến hôm nay, đã có thể nói được chưa, rằng hầu hết các tác phẩm lành mạnh, có văn, có hồn người, xuất hiện trước 1975 đã xuất hiện lại dưới mắt bạn đọc?”. Câu hỏi vẫn để ngỏ trên bàn thảo luận. 

Ứng xử thế nào?
Trong số những ý kiến phát biểu tại hội thảo khoa học Văn học nghệ thuật Việt Nam - 45 năm thống nhất đất nước, tham luận của nhà thơ Vũ Quần Phương là góc nhìn duy nhất về văn học miền Nam trước năm 1975. “Bỏ qua hay chậm làm, là lãng phí lắm. Người đọc đủ trưởng thành để nhận chân giá trị. Điều chủ yếu là nghiệm thu thành tựu của họ, đóng góp thật sự vào gia tài văn chương nước nhà” - ông Phương phát biểu. 

Hai tác phẩm văn học miền Nam trước năm 1975  của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng vừa được ấn hành gần đây
Hai tác phẩm văn học miền Nam trước năm 1975 của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng vừa được ấn hành gần đây

Việc nhìn nhận lại giá trị các tác phẩm văn học nghệ thuật trước năm 1975 bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Song, phải đến vài năm trở lại đây mới thấy sự xuất hiện liên tục, đa dạng các ấn bản trước năm 1975, với nhiều tên tuổi tác giả, đa dạng thể loại do các đơn vị làm sách mạnh dạn in lại. 

Theo đánh giá của giáo sư Huỳnh Như Phương, có khoảng trên dưới 160 tác giả, dịch giả trước năm 1975 đã được in sách lại. Đây là một con số không ít trong dòng chảy mới của thị trường xuất bản. Nhưng đối với các đơn vị làm sách, những nỗ lực in lại tác phẩm cũ, nói như bà Trần Nhật Hoàng Phương, Trưởng phòng Marketing, Công ty sách Phương Nam cũng chỉ mới là “cưỡi ngựa xem hoa”. Trong tập biên khảo Ấn tượng văn chương phương Nam (Nhà xuất bản Trẻ, 2018), nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Mẫn có liệt kê rất nhiều tác phẩm của các tác giả in trước 1975, mà hiện chưa có/không có dấu hiệu sẽ được trở lại với văn đàn sau này.

“Ở đây, chuyện cởi mở hay chưa, tôi nghĩ đó là một… câu hỏi tu từ” - bà Dương Ngọc Hân, Tổng biên tập Saigon Books chia sẻ. Nhà thơ Vũ Quần Phương đồng tình rằng, việc đánh giá lại những giá trị quá khứ bộc lộ nhiều cởi mở, trân trọng tài năng, biện chứng khoa học. Nhưng ông cũng nêu quan điểm: “Những sai lầm về chính trị xã hội của tác giả, những lầm lạc trong xây dựng tác phẩm cần phân tích và ghi lại đầy đủ. Phân minh, rõ ràng công tội. Đó là lịch sử”. 

Khi mang vấn đề nhìn nhận, ứng xử với tác phẩm văn học trước năm 1975 ra trao đổi với một vài nhà văn, nhà làm sách phía Nam, vẫn còn thấy sự né tránh, chưa cởi mở. Điều đó cho thấy rằng, vẫn còn những định kiến, sự dè dặt, cần có một cuộc đánh giá lại một cách toàn diện.

Vấn đề ở sự đón nhận của độc giả? 

Là người đang tìm in lại những giá trị văn học trước năm 1975, ông Trần Hoàng Minh, Giám đốc Công ty sách New Viets cho rằng, cái khó của việc in lại các tác phẩm ngoài những “khuôn khổ”, còn là vấn đề tác giả có muốn tái xuất hay không, và quan trọng nhất là sự đón nhận của độc giả. 

“Một thời gian sau khi phát hành Tủ sách Tuổi Hoa, chúng tôi thấy rằng đối tượng bạn đọc của các tác phẩm này đa phần là những người lớn tuổi, họ đọc để hồi tưởng lại năm tháng cũ. Còn bạn đọc trẻ bây giờ lại không mấy mặn mà, có vẻ như văn phong trong những tác phẩm cũ không phù hợp với “gu” đọc của người trẻ hôm nay. Mỗi tựa sách Phương Nam Book chỉ in 2.000 bản, nhưng bán đến nay vẫn chưa hết” - bà Trần Nhật Hoàng Phương nói. 

Về phía New Viets, ông Trần Hoàng Minh cho hay, đơn vị vừa phát hành hai tựa Mây bay qua trời xưa (thơ) và Trên thiên đường ký ức (tập truyện ngắn) của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng - một trong năm nhà văn nữ hàng đầu của văn học miền Nam trước năm 1975. “Chúng tôi đang làm tiếp hai tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, trong đó có một bản thảo chưa từng được công bố của bà, trọn bộ in lại gồm bốn tựa.

Hiện tại, có thể nói New Viets chỉ mới bước đầu dò dẫm thị trường, chúng tôi vẫn đang chờ tín hiệu phản hồi từ phía bạn đọc đối với dòng sách này. Tuy nhiên, phải nói rằng các tác phẩm trước năm 1975 hơi kén độc giả, hiện mỗi tựa sách chúng tôi chỉ dám in tối đa 2.000 bản” - ông Trần Hoàng Minh chia sẻ.

Như thế, không dễ để nói văn học miền Nam trước năm 1975 có được dòng chảy mạnh mẽ trong thị trường sách. Sự trở lại vẫn còn đứt gãy, dè dặt, không chỉ trong lựa chọn in ấn, phát hành từ phía các đơn vị làm sách, mà còn ở vấn đề của người đọc hôm nay. 

Bà Dương Ngọc Hân, Tổng biên tập Saigon Books: “Cần sự khôi phục tự thân ”

Cá nhân tôi không ủng hộ việc khôi phục các tác phẩm văn học miền Nam trước năm 1975 chỉ để chứng tỏ rằng chúng ta phải làm cho được. Nếu sách in ra mà người đọc không thích, không có nhu cầu tìm đọc thì cũng không có ý nghĩa gì. Những giá trị văn học nghệ thuật miền Nam muốn trở thành một dòng chảy, đòi hỏi một quá trình lâu dài.

Tôi thích sự chinh phục của văn hóa - xã hội miền Nam ở khía cạnh: cách sống, ứng xử, tấm lòng… Trong trường hợp này, văn hóa không chỉ giới hạn trong những tác phẩm văn học, mà là sự cởi mở, hòa hợp về tinh thần, thật sự thấu hiểu và chia sẻ, lan tỏa những giá trị tích cực.

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI