Các nhà kinh doanh - kể cả là kinh doanh sách - luôn có quyền theo đuổi, đầu tư cho một dạng sản phẩm nào đó mà họ thấy rằng hiệu quả. Tuy nhiên với sách, việc đang có xu hướng lạm dụng phát hành những cuốn sách hay chủ yếu dưới hình thức bản đặc biệt, giá cao, khiến cơ hội đọc chúng của phần lớn độc giả bị hạn chế là điều đáng suy nghĩ.
Văn hóa đọc ngày càng phổ biến, các hội nhóm trao đổi đọc sách trên mạng xã hội ngày càng đông thành viên, số lượng nhà làm sách ngày càng nhiều… là những mặt tích cực có thể thấy. Trong những ngày cả nước oằn mình chống dịch, sách cũng được nhiều người cho là mặt hàng thiết yếu cho tinh thần. Việc đọc là tất yếu, trở thành sở thích và đam mê của thế hệ mới, của những người ham học hỏi và thích tiếp thu.
|
Ấn phẩm Hai số phận được “độ” lại bìa da, nội dung vi phạm bản quyền |
Thế nhưng phải khẳng định một điều rằng, lợi nhuận thu được từ ngành sách là khá ít, và để ổn định, phải trải qua một thời gian dài. Có thể thấy điều này qua việc các nhà làm sách phụ thuộc rất nhiều vào các kênh bán hàng, trang thương mại điện tử… dẫn đến một quyển sách khi đến tay người đọc đã có hàng trăm thứ chi phí cộng dồn vào. Điều này là một áp lực đối với bài toán kinh doanh của nhà làm sách, buộc họ phải tìm kiếm nhiều cách thức kinh doanh hiệu quả, trong đó có việc phát hành nhiều cuốn sách dưới hình thức bản đặc biệt.
Xu hướng này không hẳn là mới, mà đã bắt đầu từ khá lâu, khi văn hóa đọc bắt đầu nở rộ. Đại đa số các đơn vị làm sách hiện nay đều đi theo hướng này, khi bản đặc biệt hoặc siêu đặc biệt luôn được tung ra cùng các bản phổ thông, với ý định phục vụ cho giới sưu tầm.
Tao Đàn thường in 200 bản bìa cứng đặc biệt cho những người mua đã đặt cọc trước, theo nghĩa bất kỳ quyển nào được Tao Đàn làm, họ sẽ có chắc một bản đánh số chỉ của riêng mình. Giá thành cho ấn phẩm này cũng khá hợp lý, bằng với giá bán bìa mềm chưa được chiết khấu khi đưa lên các sàn thương mại điện tử. Nhã Nam thường ẩn mình tung ra bản đặc biệt theo kênh phân phối thứ ba mà không mở bán hay cho đăng ký rộng rãi.
Nhưng nhìn đi cũng phải nhìn lại, chính việc tôn sùng thái quá những bản đặc biệt đã tạo nên những hiệu ứng không hay trong giới đọc sách. Cách đây không lâu, nổi lên sự việc một doanh nghiệp tư nhân “độ” lại bìa da cho các tác phẩm của một công ty sách khác, nhằm tăng giá trị và bán với giá cao. Theo đó doanh nghiệp này mua ruột tác phẩm Hai số phận của Nhà sách Minh Thắng, trong khi Công ty sách Huy Hoàng mới là nơi nắm bản quyền chính thức. Vừa vi phạm khi mua sách không có bản quyền (Huy Hoàng đã làm việc rất nhiều lần với Minh Thắng về vấn đề này), vừa tùy tiện thay đổi hình thức của sách; tuy về mặt pháp lý còn nhiều tranh cãi, nhưng về ý nghĩa thì có thể thấy sách đã không còn như mục đích ban đầu của nó, bỏ vấn đề bản quyền sang một bên.
Sách bản đặc biệt là một xu hướng tất yếu, thế nhưng một tác phẩm nào cũng cần được số đông tiếp cận - đó vừa là quyền của người đọc sách, và cũng đồng thời là trách nhiệm đạo đức của các doanh nghiệp xuất bản. Cách làm thường thấy và dễ chấp nhận hiện nay là phát hành song song, một số lượng ít bản đặc biệt và số lượng nhiều bản phổ thông; hoặc phát hành hoàn toàn bản phổ thông, không có bản đặc biệt.Việc một số nhà làm sách chỉ in toàn bộ tác phẩm với bản đặc biệt mà không có bản phổ thông cần nhiều suy ngẫm hơn.
Gần đây Công ty sách Đông A cho ra mắt Tủ sách Trăm năm Nobel nhằm vinh danh những tác giả từng đoạt giải thưởng này. Mục đích đưa ra khá là ý nghĩa, thế nhưng với việc chỉ phát hành bản đặc biệt mà không có bản phổ thông đã gây ra những bình luận trái chiều từ phía người đọc; và việc giải thích cho rằng đây đều là tác phẩm của những tác giả lớn, cần có hình thức tương xứng để có thể hấp dẫn bạn đọc hơn, là khó chấp nhận.
Đáng nói, bản đặc biệt nếu chỉ in bìa cứng thì không quá khó, vì dẫu sao giá thành chênh lệch với bản phổ thông là không quá nhiều; nhưng nếu toàn bộ đều là những bản bìa da, giấy nhập khẩu, mực vi sinh… rồi bán với giá hơn một triệu đồng/cuốn 400 trang khổ 24 (trung bình 2.500 đồng một trang) thì thực sự là đã tước mất cơ hội đọc của nhiều độc giả, đi ngược lại với giá trị căn bản nhất của người làm sách, quyền của người đọc sách.
Đông A cho biết một năm họ chỉ tung ra khoảng hai đầu sách Nobel, điều đó cũng tương tự với cách mà Nhã Nam, Bách Việt… hay các công ty xuất bản khác vẫn đang làm. Một số nhà làm sách giải thích việc chỉ phát hành bản đặc biệt sách kén chọn đối tượng đọc, khó bán là không thật sự thuyết phục.
Làm sách là một nghề cao quý, xin đừng vì những món lời trước mắt mà bỏ quên phần lớn đôc giả - những người luôn khao khát tìm tòi những giá trị văn chương, cùng với các nhà làm sách tạo nên môt thế giới đáng sống và đẹp đẽ hơn.
Ngô Minh