Tủ sách chồi non vừa ra mắt của công ty sách Phương Nam gồm nhiều tên tuổi mới (thế hệ 9X): Cọ Khoa, Nguyễn Trang, Trần Tiến, Trần Quỳnh… Trong đó, tác giả - họa sĩ trẻ Trần Quốc Anh được xem là “đầy nội lực” khi có bốn tác phẩm, chỉ sau hai năm làm nghề.
“Hiện tôi đang chỉnh sửa bản thảo tác phẩm fantasy, hợp tác với một NXB của Pháp. Cũng chưa chắc tác phẩm có được chuyển ngữ và phát hành ngược trở lại Việt Nam hay không. Dự kiến, tháng Bảy tới, tôi và Huỳnh Trọng Khang sẽ cho ra mắt tập thơ họa Mephy” - Trần Quốc Anh chia sẻ. Trần Quốc Anh cũng đang hoàn thiện phần tranh cho tác phẩm viết cho thiếu nhi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
|
Những tác phẩm ý nghĩa, minh họa đẹp dành cho bạn đọc nhỏ tuổi ra mắt gần đây
|
“Chúng tôi hiện có khoảng 20 bản thảo để phát triển Tủ sách chồi non. Đầu tư sách cho độc giả thiếu nhi, với phần tranh minh họa màu, in trên giấy chất lượng cao, chúng tôi cũng phải tính toán sao cho giá cả phù hợp mà vẫn đảm bảo được doanh thu” - chị Kim Dung, đại diện Phương Nam Books, chia sẻ. Nguồn sách dịch trước nay vẫn rất phong phú, gần như chiếm lĩnh thị trường sách thiếu nhi Việt.
Nhưng nay, “sách Việt cho thiếu nhi Việt” cũng đã có những bước khởi sắc.
“Khi viết, tôi đã cân nhắc sao cho độc giả thiếu nhi ở quốc gia nào có đọc cũng không cảm thấy xa lạ. Xác định từ đầu là sách sẽ in song ngữ, để nếu có cơ hội thì NXB cũng có thể chào bán và biết đâu lại may mắn được đơn vị xuất bản nước ngoài đồng ý mua” - nhà thơ Nguyễn Phong Việt chia sẻ khi phát hành tập thơ thiếu nhi Xin chào những buổi sáng. Sau bao nhiêu năm chịu lép vế, giờ là lúc các tác giả cần đặt ra những mục tiêu rõ ràng, quyết liệt hơn ở mảng sách thiếu nhi.
Mới đây, First News cũng cho in bộ truyện tranh song ngữ của tác giả Nguyễn Phúc Thanh: Câu chuyện về Na & Méo và Câu chuyện về Bi & Gấu. Không thể so về số lượng với những bộ sách dịch được đơn vị này phát hành cùng thời điểm, nhưng hai tựa sách trên đã ghi dấu ấn theo một cách rất khác.
Kèm theo lời giới thiệu là nhắn nhủ: “Khi mua bộ truyện này, bạn đã đóng góp 5% giá bìa dành cho các nhà tình thương chó mèo”. Sách cho trẻ nhỏ cần sự sáng tạo, kích thích trí tưởng tượng bay bổng, thông điệp ý nghĩa được gửi gắm qua những câu chuyện nhỏ.
Từng có nhiều bộ sách của tác giả Việt được phát hành, nhưng quả thực có rất ít tác phẩm khẳng định được giá trị sách Việt. Giữa biết bao tác phẩm dịch phong phú, những câu chuyện cổ tích thời hiện đại, chuyện cây cỏ hay đồ vật được kể trong sách Việt còn khá đơn giản. Ngoài ra, hiếm có những tựa sách được duy trì thành bộ. Tạo thói quen đọc cho trẻ nhỏ đã khó, thiếu những câu chuyện khiến trẻ say mê, chờ đợi lại càng khiến sách Việt mất vị trí trên sân nhà.
“Các cây bút, cây cọ trẻ vẫn âm thầm sáng tạo, và nhiều tác phẩm không hề thua kém họa sĩ nước ngoài nhưng các nhà làm sách hiện vẫn ngần ngại, chưa dám đầu tư. Sách cho thiếu nhi, đặc biệt là sách ảnh in ấn khá tốn kém, tác giả trẻ lại không có kinh phí tự in bản thảo” - một cây cọ trẻ tâm tư. Thiếu sự quảng bá cũng là một trong những yếu tố khiến nhiều tựa sách hay mất cơ hội lan tỏa. Các đơn vị làm sách, NXB thường kết hợp giới thiệu sách mới, sách nổi bật nhân các kỳ hội sách mi-ni ở trường học, quận, huyện ngoại thành.
|
Tích cực nhất trong công tác đưa sách đến trường học hiện nay là NXB Kim Đồng. Không chỉ tổ chức các buổi trò chuyện, giao lưu tại các trường trên địa bàn TP.HCM, NXB Kim Đồng cũng liên tục đưa tác giả, tác phẩm về với thiếu nhi các tỉnh, thành khác. Hàng thập kỷ trước, NXB Trẻ từng thành công trong việc đẩy tên tuổi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh qua những hoạt động “về trường” tích cực này. Đó cũng là bài học cần cho việc quảng bá, tôn vinh “sách Việt cho thiếu nhi Việt” hiện nay.
Nhiều tựa sách Việt nhanh chóng xếp vào hàng bestseller như Gia đình Ngộ (ba tập, tác giả Ngộ Sam), Mình có thể làm gì để giúp đỡ mẹ thiên nhiên?, Mình có thể làm gì để giúp đỡ cộng đồng? (tác giả Hương Linh). Các tựa sách dạng sách ảnh của NXB Kim Đồng cũng rất được ưa chuộng. Không giới hạn ở truyện tranh hay truyện chữ, sách cho độc giả nhỏ tuổi mở rộng sang cả thơ, sách kỹ năng, du lịch, truyền cảm hứng, tranh sách tự viết lời... |
Diệp Nguyễn