PNO - Doanh số tăng mạnh, nhiều cuộc thi/giải thưởng riêng, được các đơn vị làm sách đầu tư cùng sự tham gia hùng hậu của lực lượng sáng tác..., sách thiếu nhi thuần Việt ngày càng khẳng định được vị thế.
Điểm danh sách hay cho trẻ Đầu tháng Chín, Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam và Đường Sách TP.HCM có một hoạt động ý nghĩa: tặng sách cho các trường tiểu học năm huyện ngoại thành (Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ). Hơn 50.000 đầu sách, trong đó có nhiều tựa thuộc Danh mục sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học đã được trao tặng cho 50 trường tiểu học trên địa bàn các huyện. Đây cũng là hoạt động trao tặng sách quy mô đầu tiên cho các trường tiểu học, kể từ khi Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học được công bố vào giữa tháng 8/2022.
Hơn 50.000 đầu sách thiếu nhi vừa được trao tặng cho thư viện các trường tiểu học tại năm huyện ngoại thành - Ảnh: SG
Một danh mục gần 1.000 tựa sách hay được tuyển lựa công phu dành cho thiếu nhi, cũng là “kim chỉ nam” cho các phụ huynh trong việc chọn sách cho trẻ. Những năm trước, tại nhiều cuộc tọa đàm quanh nội dung xây dựng và rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ, không ít ý kiến băn khoăn về việc chọn sách cho con. Thị trường sách thiếu nhi đa dạng, rất nhiều thể loại, nhưng nếu thiếu sự định hướng, phụ huynh dễ dàng lạc vào “mê hồn trận” của sách dịch, sách kém chất lượng, hoặc không thu hút bạn đọc nhỏ tuổi.
Thị trường sách thiếu nhi hiện nay rất đa dạng. Bên cạnh sách dịch, còn rất nhiều tựa/bộ sách trong nước, phong phú đề tài, thể loại. Có thể kể đến những bộ sách dạy trẻ yêu thương gia đình, khám phá tự nhiên và muôn loài, rèn luyện sức khỏe cho trẻ của tác giả Ngô Anh Thi, Vương Trọng, Thanh Tâm, Yên Bình, Hiếu Minh, Hoàng Anh Đức, Trương Huỳnh Như Trân, Khánh Tuệ… Ở mỗi cấp lớp đều có những đầu sách thuần Việt: bộ sách Chung tay đánh bay dịch bệnh (Minh Vũ, Bảo Rùa, Nguyên Kha), bộ sách Không sao đâu con (Trần Hồng Tuấn), bộ sách Tiến sĩ Mèo thông thái (Hà Minh), Thói quen tốt trong học tập (Hạ Hiếu Hưng)…
Bên cạnh sách kỹ năng, khoa học, là những tựa sách về lịch sử ấn tượng của các tác giả An Cương, Tô Chiêm, Tạ Thúc Bình, Hồng Hà, Thủy Nguyễn… Rất nhiều tựa/bộ sách cho các em nhỏ thuộc danh mục vốn không được ra mắt, giới thiệu rộng rãi trên truyền thông. Thông qua bộ lọc của các chuyên gia, nhà giáo uy tín, sách được giới thiệu và tiếp cận đúng đối tượng. Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh - giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Sáng lập viên dự án phát triển văn hóa đọc “Sách ơi mở ra” - nhận định đây thực sự là những cuốn sách hay, mới mẻ, đặt ra những vấn đề hiện đại và phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi.
Lực lượng sáng tác ngày càng đông
Nhà văn Trung Sỹ - tác giả Chuyện lính Tây Nam vừa ra mắt tác phẩm Thung lũng Đồng Vang (Nhà xuất bản Trẻ). Đây là cuộc chuyển hướng viết cho thiếu nhi khá bất ngờ của nhà văn từng là người lính trở về từ chiến trường K. Thung lũng Đồng Vang có bối cảnh lớp học vùng cao, với những cô cậu học trò lém lỉnh và những chuyện kỳ thú nơi núi đồi, thôn bản.
Trước đó, nhà văn Bình Ca cũng có tác phẩm Đi trốn - từng được giải Dế mèn 2021 - cũng là một cuộc phiêu lưu khác nơi núi rừng, nhưng bối cảnh lùi xa hơn nửa thế kỷ trước. Nhà văn Nguyễn Khắc Cường sau một thời gian dài vắng bóng cũng bất ngờ trở lại với tác phẩm Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch. Nhà văn Trần Đức Tiến có tác phẩm được yêu thích gần đây: A lô! Cậu đấy à?
Giải thưởng tạo động lực
Các giải thưởng uy tín về sách hiện nay đều có hạng mục dành cho sách thiếu nhi. Đó cũng là động lực không nhỏ với các tác giả lẫn nhà làm sách. Qua các mùa giải Sách quốc gia, giải Sách hay, giải Dế mèn, giải Đóa hoa đồng thoại… cũng như giải thưởng từ các hội nghề nghiệp, nhiều tác phẩm giá trị đã được gọi tên. Sự vinh danh và ghi nhận xứng đáng khiến cho sách thiếu nhi ngày càng nổi bật, định vị được giá trị và có nhiều hơn cơ hội quảng bá rộng rãi đến công chúng.
Trong sáu tháng đầu năm 2022, doanh thu mảng sách thiếu nhi đã tăng vượt trội so với các thể loại khác (115% so với cùng kỳ). Điều này cho thấy sách cho trẻ nhỏ đã và đang ngày càng thu hút sự quan tâm của độc giả - phụ huynh, cũng như ngày càng khẳng định được “vị thế trên sân nhà”.
Điều đáng mừng là nhìn lại dòng chảy văn học thiếu nhi, đã thấy được lực lượng tiếp nối các nhà văn đi trước. Trong đó có các nhà văn thế hệ 7X, 8X và 9X: Võ Diệu Thanh, Văn Thành Lê, Nguyễn Thị Kim Hòa, Lê Quang Trạng…; những tên tuổi lần đầu viết sách cho thiếu nhi, tác giả là phụ huynh hoặc thậm chí là trẻ nhỏ viết cho bạn đọc tuổi mình: Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, Phạm Huy Thông, Hải Nam, Đỗ Mai Quyên, Cao Việt Quỳnh, Nguyễn Hạnh Phương…
Văn học thiếu nhi chỉ là một phần trong mảng sách cho trẻ nhỏ hiện nay. Nổi bật nhất phải kể đến dòng sách tranh thuần Việt ngày càng phát triển và lan tỏa. Bên cạnh tác giả, còn có sự tham gia ngày càng đông đảo của lực lượng họa sĩ minh họa. Hầu hết các đơn vị làm sách, xuất bản đều chú tâm đầu tư phần minh họa. Nhiều tựa/bộ sách tranh thuần Việt được bán bản quyền ra nước ngoài, cho thấy một bước đi đầy khả quan của sách thiếu nhi, vừa có thị phần trong nước, vừa tiệm cận với xu hướng của sách tranh toàn cầu.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.