Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Trưởng đại diện phía Nam nhận xét: “Bước vào nhà sách là thấy cả rừng sách dành cho thiếu nhi, nhưng để lựa chọn được những cuốn sách hay, bổ ích cho trẻ con không phải là điều dễ dàng”. Đó gần như cũng là tâm trạng chung của nhiều bậc phụ huynh khi chọn sách cho con.
Sáng 16/7, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã có hơn hai giờ đồng hồ ký tặng sách cho độc giả TP.HCM tại Nhà sách Kim Đồng. Lần trở lại này là dịp tái bản cuốn Biển của mỗi người và Xa xóm Mũi - sách viết cho thiếu nhi duy nhất đến thời điểm này của nhà văn. Cuốn sách mỏng, kể chuyện tắm sông, chuyện “cho con mèo bú”, chuyện bé Ngoan, Lụm “còi” cùng tuổi thơ miền sông nước. Dù vậy, vẫn thật khó cho độc giả nhỏ tuổi nắm bắt được hết ý nghĩa chiều sâu trong những câu chuyện mang đậm phong cách của nhà văn đất Mũi. Viết cho trẻ con không dễ, luôn là ưu tư trăn trở chung của nhiều người cầm bút.
|
Sách thiếu nhi nhiều nhưng chọn không dễ |
Những dấu ấn hiếm hoi
Dự án Người Việt viết cho người Việt NXB Trẻ khởi xướng mới đây nhận được sự tán thành, kỳ vọng của giới làm sách và người cầm bút. Đơn vị này cho ra mắt hàng loạt tựa sách mới, đa dạng đề tài dành cho độc giả từ 3-10 tuổi. Các bộ sách Giúp bé làm chủ cảm xúc, Giáo dục trí tưởng tượng, truyện danh nhân lịch sử… được trình bày khá bắt mắt, minh họa đẹp, lời thoại chăm chút, thậm chí cân nhắc cả việc bao nhiêu từ xuất hiện trong một trang để phù hợp từng độ tuổi độc giả nhí.
Nhưng, nhìn chung đó vẫn chỉ là bước thử nghiệm chứ chưa thể định hình được những dấu ấn riêng trong dòng chảy sách thiếu nhi hiện nay. “Chúng tôi cần không gian rộng hơn để có thể bày các tựa sách, nhưng thật khó. Tại nhiều nhà sách, tôi thấy những đầu sách xếp chồng lên nhau, không bắt mắt, không tạo được sự chú ý, nếu phụ huynh muốn mua một cuốn sách phải tìm kiếm trong cả chồng sách. Như vậy về mặt kinh doanh, quảng bá xem ra không mấy hiệu quả” - ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ trăn trở.
Chiếm lĩnh thị trường sách thiếu nhi đa dạng hiện nay là các đầu sách ngoại, do nội dung hấp dẫn, kinh phí mua bản quyền chuyển ngữ và phát hành thấp hơn đầu tư in sách tác giả trong nước. Không nhiều đơn vị lựa chọn bám trụ với các dự án sách Việt, nếu không đủ tiềm lực. Công ty TNHH truyền thông giáo dục và giải trí Phan Thị vừa công bố bộ sách Thần đồng Đất Việt - Trường Sa Hoàng Sa cán mốc 200 tập. Đây là nỗ lực không ngừng của đơn vị trong việc tạo dấu ấn riêng.
Thời gian nghiên cứu, xử lý tư liệu và sáng tạo ra câu chữ, hình ảnh dễ hiểu về chủ quyền biển đảo cho các em nhỏ, mất hàng năm trời, song chuyện kinh doanh có lời thì không thể trong một sớm một chiều. Trước đó, công ty sách Nhã Nam thực hiện bộ truyện tranh danh tác, chuyển thể từ các tác phẩm Chiếc lược ngà, Giông tố, Tắt đèn… trở thành điểm sáng hiếm hoi một thời của truyện tranh Việt, nhưng sau đó chững lại. Trong khi đó, truyện chữ thì “vật vã” với nhiều đầu sách ra mắt nhưng rất ít tác phẩm có sức lan tỏa.
|
Một số tựa sách cho thiếu nhi mới phát hành |
Một trong những lý do sách thiếu nhi của các tác giả Việt thường thất bại chính là “chưa hiểu trẻ con”. “Tôi cho rằng hiểu được trẻ con ngày nay không dễ chút nào. Nhà văn chỉ cần viết chệch cảm xúc một chút thôi là các em đã không thấy giống mình, vậy là không thích đọc nữa. Còn nếu viết về tuổi thơ từ ký ức của thế hệ trước thì độc giả nhí lại càng thấy xa lạ” - cây bút trẻ Văn Thành Lê, tác giả những cuốn sách viết cho thiếu nhi Ông mặt trời và mùi hương của mẹ; Nam, Nhi, Đại, Trượng, Phu nhận xét.
Thỉnh thoảng mới có những cuốn sách dí dỏm, thú vị cho trẻ như Siêu nhân cua của nhà văn Võ Diệu Thanh, Cổ tích mới của Nguyên Hương hay Leng keng Noel, Cút cà cút kít của Nguyễn Thị Kim Hòa. Cũng vì người viết là giáo viên, ngày ngày tiếp xúc với trẻ con, nhặt được những câu chuyện dí dỏm trong đời thật. Và cũng có nhà văn “viết cho con”, như Trần Nhã Thụy với Những đứa trẻ mắc zịch, Trần Thị Hồng Hạnh với Chuyện của nhóc Bill…
“Nhiều sách của tác giả Việt viết chưa đủ thu hút và thuyết phục bạn đọc thiếu nhi. Đề tài không đa dạng, cách viết thiếu độ bay bổng, không đẩy được trí tưởng tượng của người đọc đến cùng; tầm kiến thức trong tác phẩm chưa đủ rộng và sâu để chuyển hóa thành các chi tiết, tình huống hấp dẫn…” - giảng viên Trần Tùng Chinh, trường Đại học An Giang nhận định. Con gái anh, bé Tùng Phương (14 tuổi) bị cuốn hút nhiều hơn bởi các tác phẩm văn học nước ngoài. Độc giả tuổi teen có nickname Lina nói thẳng rằng đọc truyện thiếu nhi Việt không hấp dẫn được em: “Hầu hết những câu chuyện đều đơn giản, rồi thế nào cũng phải đi đến một thông điệp gì đó. Nhiều khi đọc thấy các tác giả cũng không hiểu được chúng em”.
Phụ huynh Lê Thị Cẩm Trang (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết, chị chọn sách cho con thông qua báo chí, nhưng chủ yếu vẫn là tác phẩm nước ngoài: Huệ tím, Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Chuyện con ốc sên muốn biết vì sao nó chậm chạp… “Điều tôi quan tâm là những cuốn sách nước ngoài có thể hay hoặc không, nhưng ít ra không bị lỗi. Còn rất nhiều đầu sách của tác giả, nhóm biên soạn trong nước giờ không biết phải tin vào đâu. Đã có rất nhiều cuốn sách sai kiến thức, nguy hại về nhận thức cho trẻ được phát hiện vừa qua như một số truyện cổ tích, sách kỹ năng".
Dòng sách kỹ năng đi đúng hướng
Cầm bộ sách Giáo dục giới tính toàn diện (Nhã Nam phát hành), TS tâm lý Lê Thị Linh Trang - người chuyên dạy trẻ về phòng chống xâm hại tình dục, nói rằng rất mừng vì bộ sách này đã có mặt tại Việt Nam. “Tôi đi dạy nhiều nơi, có trường và phụ huynh đồng ý ngay nhưng cũng có nơi không tiếp nhận, với lý do “con nít biết cái gì mà dạy”. Chính vì tư duy đó mà rất nhiều người lớn đã bỏ qua những kiến thức con trẻ cần phải biết để còn tự bảo vệ mình. Nạn xâm hại tình dục ngày nay đã trở thành mối lo ngại lớn, tôi cũng thiết tha mong rằng những cuốn sách như thế này đến được với nhà trường. Người lớn phải biết bảo vệ con em mình bằng những kiến thức hữu ích, thiết thực nhất”.
Chưa lúc nào sách kỹ năng được chú trọng như tại thời điểm này. Những buổi nói chuyện, sinh hoạt, giới thiệu sách kỹ năng sống cho trẻ ở nhiều độ tuổi tổ chức tại Đường sách Nguyễn Văn Bình rất thu hút các bậc phụ huynh. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ bày tỏ trăn trở về việc đã đến lúc cần thiết phát triển dòng sách này, cần sách dạy trẻ học bơi, kỹ năng xử lý khi trẻ bị đuối nước, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, bên cạnh những cuốn sách rèn luyện trí tuệ, cảm xúc, nuôi dưỡng tâm hồn…
Tuy nhiên, phần lớn sách kỹ năng hiện nay là dành cho… phụ huynh nghiên cứu. Bộ sách Dạy bé kỹ năng sống (chín cuốn, Pandabooks) dạy trẻ từ một-sáu tuổi các kỹ năng tắm, đánh răng, ăn cơm, xếp hàng… Trẻ rèn luyện kỹ năng sống - ngăn nắp gọn gàng, Cẩm nang sinh hoạt bằng tranh cho bé… cũng cần sự tác động từ phụ huynh. Nhiều sách kỹ năng cho trẻ khiến người lớn “tá hỏa”: dạy trẻ đi trên thủy tinh để rèn luyện lòng dũng cảm, dạy cách tập cười với... cây chổi trong vườn…
Trẻ ở độ tuổi tự nhận biết được giá trị cuốn sách, thể loại yêu thích, thường lại không “hạp” với sách của tác giả Việt. Trước sự tấn công của game online, bạo lực và truyện tranh dịch phản cảm trên mạng, truyện ngôn tình, vấn đề sách hay cho trẻ là mối quan tâm lo ngại không chỉ của các bậc phụ huynh mà còn của các nhà làm sách, là m giáo dục. Sách cho thiếu nhi hiện nay rất nhiều, nhưng vẫn thiếu, không đáp ứng đúng nhu cầu của độc giả nhỏ tuổi. Nguồn sách ngoại dồi dào vẫn là lựa chọn hàng đầu, sách Việt ngày càng lộ rõ lỗ hổng khi không thể cạnh tranh được trên sân nhà.
Đầu năm nay, công ty Alpha Books khởi động cuộc thi Người Việt viết cho người Việt, kéo dài đến cuối năm, nhưng chưa kỳ vọng sẽ có tác phẩm viết cho thiếu nhi. Câu lạc bộ Đọ c sách cùng con của TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh (Hà Nội) liên tục mở những diễn đàn, chủ đề về các mối quan tâm, giới thiệu sách hay cho trẻ của các bậc phụ huynh. Facebook cũng trở thành kênh kết nối khi những cuốn sách có giá trị được chia sẻ. Nhưng vẫn chưa tạo được sự cộng hưởng mạnh mẽ.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa: Người trẻ ít viết cho thiếu nhi Nếu muốn nhanh nổi tiếng thì chẳng ai chọn viết sách cho thiếu nhi cả. Tôi thấy hiện nay có nhiều người viết trẻ, sách in cũng nhiều nhưng có mấy ai chọn viết cho trẻ con. Thị trường sách thiếu nhi suốt mấy thập niên qua, nổi bật nhất cũng vẫn chỉ có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Có thể chúng ta không thể hiểu được trẻ con bây giờ, nên khó có được những cuốn sách thật sự cuốn hút các em. Bản thân tôi, có những câu chuyện kể về tuổi thơ nhưng đó là hồi ức của mình, bạn bè cùng thời chia sẻ được, còn trẻ con bây giờ thì khó hình dung. Chưa kể sách cho trẻ em hiệ n khiến người đọc ít có lòng tin, qua quá nhiều vụ việc “con sâu làm rầu nồi canh” trong thị trường xuất bản thời gian qua. Muốn tạo được dấu ấn, trước hết phải tạo lại niềm tin cho người đọc, nhất là phụ huynh - người trực tiếp chọn sách cho con. Trần Tùng Chinh - Giảng viên trường ĐH An Giang: Cần một trang giới thiệu sách uy tín Không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả phụ huynh cũng bị lạc giữa rừng sách, rất khó lựa chọn. Nhiều phụ huynh nói với tôi rằng họ không biết nên chọn sách nào cho con. Tôi nghĩ cần có một trang riêng, uy tín và chính thống để giới thiệu những cuốn sách hay cho trẻ. Như vậy phụ huynh sẽ có được điểm tựa tin cậy và an tâm hơn. |
Tiểu Quyên