PNO - Một mùa sách tết lại đến với nhiều ấn phẩm đầy màu sắc, đậm phong vị xuân. Năm nay, đã có những tựa sách bán chạy và trở thành những món quà ý nghĩa mừng năm mới.
Một trong những ấn phẩm được phát hành sớm nhất là Sách tết Ất Tỵ 2025 (Đông A Books, nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn). Hợp tuyển thơ văn - nhạc - họa này có sự tham gia của nhiều cây bút trong cả nước: các nhà văn Ma Văn Kháng, Trung Sỹ, Xuân Phượng, Nguyễn Ngọc Tiến, Lê Minh Khuê, Hiền Trang, Huỳnh Trọng Khang…; các họa sĩ Đào Hải Phong, Đặng Xuân Hòa, Nguyễn Công Hoan, Hoàng Phượng Vỹ… Ấn phẩm (với 2.000 bản gồm bìa cứng và bìa mềm) nhanh chóng “cháy hàng” ngay sau khi ra mắt. Các bản sách được đánh số thứ tự, khiến cho Sách tết Ất Tỵ 2025 càng đặc biệt hơn, có thể trở thành món quà tinh tế với những người yêu sách.
Rực rỡ sắc màu và đẫm đầy phong vị ở các ấn phẩm sách tết - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng, Đông A Books
Nhà xuất bản Kim Đồng có ấn phẩm Nhâm nhi tết Ất Tỵ. “Nhâm nhi tết” là tiêu đề thường niên của sách tết Kim Đồng. Năm nay, ấn phẩm tuyển chọn 22 tác phẩm thơ văn và tranh gắn với chủ đề gia đình, truyền thống và cội nguồn. Hương sắc xuân ngập tràn trong những bài viết dành cho trẻ thơ lẫn người lớn: Quà của mùa xuân, Bánh chưng ngũ sắc, Ngóng tết, Bốn mùa, Hoa xuân, Rắn thần nước Việt… Bên cạnh đó, đơn vị cũng cho ra mắt các ấn phẩm tết khác: Tất tần tật tết ta (thơ: Thương Thương; minh họa: Tất Sỹ, Nam Phạm, vừa lên kệ vào ngày 10/1) và Những ngày tết ta (tác giả Tô Hồng Vân, sách vừa tái bản). Quà sách tết cho bạn đọc nhỏ tuổi còn có tập sách tranh: Tết là gì hở mẹ? (Lionbooks), Tết là nhất - 100 từ vựng đầu đời (Crabit Kidbooks)… “Nhập hội” sách tết năm nay, Thái Hà Books có cuốn sách tranh ấn tượng Tết ba miền (họa sĩ Lê Rin, tác giả của nhiều tựa sách tranh về cảnh sắc và văn hóa Việt). Ấn phẩm lần này được in song ngữ, với các phần tranh và lời thực hiện theo mốc thời gian quan trọng của mùa xuân: Mười lăm tháng Chạp, Hai mươi ba tháng Chạp, Hai mươi chín tết, Ba mươi tết, Mùng Một tết… Nhiều hình ảnh đẹp cũng như sinh hoạt văn hóa, các món ăn ngày tết được vẽ lại cùng với những ghi chép ngắn, nêu bật giá trị truyền thống của ngày tết ở cả 3 miền.
“Đây là cuốn sách thứ tư của tôi sau thời gian dài chuẩn bị. Tôi muốn thực hiện một cuốn sách để bày tỏ tình yêu thiêng liêng của mình dành cho cái tết cổ truyền của Việt Nam. Tôi đã thử làm một cuộc khảo sát nho nhỏ với người Việt từ Bắc chí Nam, họ cũng giống như tôi, rất yêu tết cổ truyền. Thật tuyệt vời làm sao khi nhìn thấy các thế hệ người Việt Nam cùng đồng lòng hướng về ngày tết cổ truyền vô cùng quan trọng của dân tộc. Đó là bản sắc, là bảo tồn và sự tiếp nối” - họa sĩ Lê Rin bày tỏ.
Tết 3 miền trên trang sách đẫm đầy phong vị. Những ký ức xưa, những miền hoài niệm và cả những giá trị văn hóa truyền thống tự bao đời được trao gửi qua những ấn phẩm. Sách tết mang xuân về sớm cho bạn đọc với những sáng tác thơ văn, nhạc - họa đầy màu sắc và giàu cảm xúc.
Dòng chảy sách xuân trở lại
Điểm chung nổi bật của các ấn phẩm sách tết là giàu màu sắc và cảm xúc, trình bày trang nhã, bắt mắt. Bên cạnh đó là nội dung về những ký ức - giá trị của tết xưa và nay. Mỗi mùa sách tết đi qua là thêm những cung bậc cảm xúc của hoài niệm được làm đầy trên trang sách. Những giá trị cũ và mới cùng hiện diện, cho thấy một dòng chảy của văn hóa - lịch sử, của sự giao hòa giữa truyền thống và hiện đại, từ ngàn xưa cho đến hôm nay.
“Tôi vẫn nhớ tết ngày xưa, mấy chị em tôi xúm lại ngủ chung trên chiếc giường lâu lâu lại kêu cót két. Mới tờ mờ sáng mùng Một, khi ngoài đường vẫn còn tối om, chị em tôi đã oang oang gọi nhau dậy, cùng nhau thay đồ mới. Hồi nhỏ, ngày đầu năm, sao trong lòng cứ thấy nôn nao lạ kỳ” - họa sĩ Lê Rin chia sẻ trong Tết ba miền. Ký ức tết xưa cũng hiển hiện trong sáng tác của các nhà văn đi trước. Đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng kể chuyện ngày tết ăn bánh chưng khoai mì và xem phim giữa rừng Tuyên Quang vào năm 1953; nhà văn Nguyễn Trí với Mười ngày canh rừng nơi “bãi vàng, đá quý, trầm hương”; nhà văn Ý Nhi mang ký ức trở về từ “bức ảnh mờ nhòe”… Những dòng hồi tưởng của cá nhân nhưng luôn đủ sức chạm vào “ký ức tập thể”, là “miền tâm tưởng” không thể lãng quên trong nỗi nhớ của bao người… Và đó cũng chính là giá trị sâu sắc nhất của sách tết.
Sách tết còn đánh dấu sự trở lại của một dòng chảy sách xuân đã từng bị gián đoạn hàng thập niên. Những năm qua, nhiều nhà làm sách vẫn kiên trì và đều đặn phát hành các ấn bản sách tết (Đông A, Nhà xuất bản Kim Đồng, Lionbooks…) hoặc góp phần để lại những dấu ấn đẹp cho sách tết: Nhà xuất bản Trẻ, Đinh Tị Books, San Hô Books… Riêng Thái Hà Books không chỉ cho ra mắt ấn phẩm sách tết mà năm nào đơn vị cũng thiết kế các bộ quà tặng sách mùa xuân, với những tựa sách có giá trị chữa lành của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Sách tết không chỉ là những ấn phẩm ngày xuân mà còn lan tỏa những giá trị đẹp cho văn hóa đọc. Năm nay, nhiều ấn phẩm bán chạy còn cho thấy sức sống mới của sách tết. Chúng đã và đang dần trở thành giá trị đáng mong chờ và ngày càng được bạn đọc quan tâm.
Sáng 11/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình phối hợp với trường THCS Hàm Nghi tổ chức chương trình “Hạo khí Cần Vương”.