Sách tết: Tại sao không?

25/12/2018 - 09:23

PNO - Sách tết Kỷ Hợi 2019 xuất hiện, gợi nhớ ký ức sách tết của hơn nửa thế kỷ trước, đánh thức một giá trị trong tâm thức bạn đọc hôm nay.

Phong vị tết vào sách

“Mấy ngày nay, tôi thấy bạn đọc trẻ nói về sách tết trên mạng xã hội rất nhiều. Tôi thật sự bất ngờ về điều đó. Sách tết không đơn thuần là khuyến khích văn hóa đọc mà còn để chúng ta lắng lại, cảm nhận không khí của ngày tết cổ truyền. Không hẳn bài nào trong sách cũng viết về ngày tết, nhưng bao trùm lên tinh thần quyển sách là một phong vị xuân thật sự ý nghĩa” - nhà nghiên cứu Trịnh Bách nói về sự xuất hiện của Sách tết Kỷ Hợi 2019 (Đông A và nhà xuất bản Văn học vừa ấn hành).

Sach tet: Tai sao khong?
Sách tết trở lại sau 60 năm vắng bóng

Ấn bản đặc biệt này được in màu, có tranh minh họa, được đánh số thứ tự từ 1-1.900. Sách chia thành tám chủ đề: văn, thơ, nhạc, sử, cổ tích, bình thơ, góc nhìn và vĩ thanh. “Bản sách tết xưa tôi được tiếp cận chỉ in đen trắng, nhưng khi đọc rất thích tinh thần, giá trị của tết cổ truyền ngày xưa. Sáng kiến làm sách tết ở thời điểm này có phần mạo hiểm, nhưng chúng tôi tin rằng, ấn bản toát lên được không khí tết xưa và nay, khơi gợi những giá trị đúng nghĩa của cái tết đoàn viên, sum vầy” - tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ nhìn nhận. 

Nhà văn Hồ Anh Thái, người chủ biên ấn bản Sách tết Kỷ Hợi 2019, chia sẻ thông tin: cách đây hơn 60 năm, tại Hà Nội, một ấn bản mang tên Sách tết 1957 đã ra đời. Sách chỉ hơn 30 trang, khổ 39x27cm, có đủ các sáng tác thơ truyện, câu đối, kịch nhạc… với loạt tên tuổi như Trần Dần, Quang Dũng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Hữu Loan…

Đó đều là những cái tên mà cuộc đời và số phận gắn với một giai đoạn không quên của dân tộc. Trước đó 16 năm, một ấn bản mang tên Sách tết đời nay, gồm 48 trang, khổ to như báo, đã được nhóm Tự lực văn đoàn thực hiện. Từ đó đến nay, không còn ấn bản sách tết nào. Có lẽ, nhờ sách tết mới, thế hệ người đọc hôm nay sẽ biết từng có sách tết xưa, mở lối cho cuộc tìm về một giá trị những tưởng đã bị lãng quên.

“Cuốn sách hệt như một phẩm vật trên mâm ngũ quả ngày tết, như bánh chưng, câu đối. Và hơn cả, cuốn sách chứa đựng cả lịch sử dân tộc - một lịch sử đã trở lại sau 60 năm biến động. Sự trở lại đó là lời khẳng định về sự bình yên để thưởng ngoạn trong cái hồn của thời bình mà chúng ta phải trân trọng” - tác giả trẻ Dũng Phan bày tỏ.

Anh cũng góp mặt vào Sách tết Kỷ Hợi 2019 bằng bài viết Cành đào và khói súng, về vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Vừa lên kệ không lâu, Sách tết Kỷ Hợi 2019 đã nhanh chóng trở thành tác phẩm bestseller, khiến nhiều người bất ngờ.

Sach tet: Tai sao khong?
Hương vị tết ngập tràn trong những trang sách

Làm sống lại các chuyên đề

Chuyên đề viết và đọc của nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ra mắt số thứ 2 - Chuyên đề mùa đông 2018 (số đầu tiên là chuyên đề mùa thu, đã phát hành cách đây 3 tháng). Đây là tâm huyết của Tổng biên tập - Giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà văn - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cùng nhóm chủ biên: Tạ Duy Anh, Trần Đức Tiến, Vũ Hồng, Trần Nhã Thụy…

Chuyên đề gồm nhiều thể loại: văn xuôi, thơ, phê bình và tiểu luận, đối thoại, văn học nước ngoài, những người nổi tiếng… Ngoài ra còn có các bài viết đậm tính báo chí, thể hiện dấu ấn thời sự nổi bật trong 3 tháng gần nhất (cũng là thời gian định kỳ phát hành mỗi số chuyên đề theo mùa).

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói, dù nhà xuất bản Hội Nhà văn cũng gặp không ít khó khăn, đơn vị sẽ nỗ lực duy trì chuyên đề này như một điểm hẹn, kết nối những giá trị văn chương, giữa người đọc và người viết. Hai số đầu tiên thu hút lực lượng viết đông đảo, nhiều thế hệ, khắp mọi miền đất nước. Mỗi chuyên đề được in bước đầu 2.000 bản/số, khổ 18x25cm.

Chỉ mới đi những bước “chào sân”, nhưng Chuyên đề viết và đọc đã nhận được nhiều sự ủng hộ tích cực. Một nhà văn góp ý, muốn chuyên đề có tiếng vang, định vị được mình trước quá nhiều thể loại sách văn chương như hiện nay, những người thực hiện cần có bản lĩnh “làm đến cùng”; nghĩa là nỗ lực vận động tài chính lẫn dám chịu trách nhiệm xuất bản những tác phẩm phản ánh vấn đề nóng của xã hội.

Quả vậy, giá trị thật của văn chương, cuối cùng vẫn là nói lên tiếng nói của thời cuộc. Nếu không, mọi chuyên đề đều có thể chìm khuất ngay ở giai đoạn tập tễnh đi tìm bạn đọc.

Sach tet: Tai sao khong?
Các sách chuyên đề, tuyển tập đang tìm lại vị trí trên văn đàn

Với thế mạnh khác về tuyển tập, Phanbook cũng vừa cho ra mắt giai phẩm Miền sương khói (nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ), gồm các truyện ngắn và biên khảo. Có tác phẩm được sáng tác từ trước năm 1975 cũng như những bài lược khảo Đà Lạt, ghi chép từ khi Alexandre Yersin khám phá ra vùng đất này cho đến năm 1974.

Đề tài Đà Lạt đã từng được nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên thể hiện rất thành công trong những tựa sách của anh. Nay phụ trách khai thác bản thảo của Phanbook, Nguyễn Vĩnh Nguyên tiếp tục lựa chọn vào Miền sương khói nhiều cây bút: Phạm Công Thiện, Nguyễn Hàng Tình, Đoàn Thạch Biền, Phan Dũng, Vi Khuê, Nghi Thủy... Ngoài ra, còn có các tác phẩm của Quách Tấn, Bùi Giáng, Hàn Mặc Tử...

Miền sương khói mang đến những cảm nhận bồi hồi về ký ức đô thị của người Đà Lạt và lữ khách yêu phố núi qua nhiều giai đoạn.

Cẩn trọng và không vội vã, chọn lọc và thể hiện được chủ đề tư tưởng xuyên suốt tác phẩm; đặc biệt là kết nối được những tên tuổi người viết hay, tác phẩm đặc sắc. Những tác phẩm mới đang góp phần làm “hồi sinh” dạng sách chuyên đề, tuyển tập lâu nay gần như không còn sức sống trên văn đàn. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI