Sách, rượu vang và hoa hồng

03/06/2019 - 10:27

PNO - Đến một lúc nào đó mà ở nhà ga, trạm chờ, sân bay… đều có hình ảnh người Việt đọc sách, thay vì mải mê với điện thoại, game online, thì đó chắc chắn là những ngày rất đẹp.


“Hãy luôn có trên tủ sách một cuốn sách mới, trong nhà một chai rượu vang đầy và trong vườn một bông hoa tươi”. Tôi dừng lại trước những dòng viết trên pano Ngày hội văn hóa đọc TP.HCM 2019 (vừa diễn ra tại đường đi bộ Nguyễn Huệ, ngày 1-2/6) và nghĩ về sự yên tĩnh, thanh thoát và trí tuệ. “Để vàng để bạc không bằng để sách cho con”. Những dòng chữ nhẹ nhàng, nhưng đáng suy ngẫm.

Mô hình Ngày hội văn hóa đọc TP.HCM khá tinh tế, ý nghĩa. Những gian sách được thiết kế theo chữ “văn”, “hóa”, có trạm chờ sân bay, nhà ga, xe buýt; có xe sách lưu động, cà phê, môi trường xanh, không gian đọc sách cho gia đình, dành cho người khiếm thị… Đêm khai mạc 1/6, hàng ngàn người dân TP.HCM đã hòa mình vào không gian văn hóa của ngày hội đọc sách.

Sach, ruou vang va hoa hong
Nhà văn Trần Quốc Toàn giao lưu với học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (H.Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk) - Ảnh: Phan Ngọc Hoàng Chương

Kỳ thực, để công chúng ra đường đi bộ đọc sách trong hai ngày thời tiết nắng nóng như vừa qua không phải dễ. Nhưng Ngày hội văn hóa đọc TP.HCM đã làm được, góp thêm sức phát triển văn hóa đọc của thành phố. Đổi một cây bút chì lấy một cuốn sách, Mỗi cuốn sách - vạn ước mơ, Vui cùng sách - chung tay vì môi trường… và chương trình khuyến đọc được tổ chức khắp nơi đều là những viên gạch lát đường cho Hành trình tri thức 4.0, hiện thực hóa đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ).

Cũng trong ngày 1/6, đoàn Hội doanh nhân trẻ TP.HCM đã mang dự án Thư viện container - Mỗi trang sách, vạn ước mơ đến với Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Cư Suê, H.Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk), trao tặng hơn 2.000 đầu sách các thể loại cho học sinh. Nhà văn Trần Quốc Toàn - người đồng hành cùng dự án - cho biết, học sinh ở Cư Suê rất thiếu sách. “Tôi hỏi thăm, biết những thể loại sách các em thích đọc. Sau này, tôi cũng muốn tạo một nguồn sách đã được thẩm định giá trị, có thể từ cá nhân tôi hoặc có thêm nhiều nhà văn khác nữa thì tốt, để tiếp tục gửi sách đến các em học sinh vùng sâu vùng xa” - nhà văn Trần Quốc Toàn chia sẻ.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc sinh thời, luôn quan tâm đến việc vận động người dân đọc sách, Bác từng dạy: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại. Người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn…” - ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM - trích dẫn lời Bác trong phát biểu khai mạc Ngày hội văn hóa đọc TP.HCM.

Tại ngày hội, công nghệ đã được ứng dụng thiết thực với nhu cầu đọc trong thời đại mới: máy nhả sách, khu sách online, dạy trẻ thao tác tìm kiếm sách trên máy tính… Những em nhỏ, theo chân người lớn, hào hứng với những câu chuyện kể, được truyền cảm hứng với thành công của các vận động viên thể thao nổi tiếng, tận mắt nhìn ngắm không gian học - đọc sách xưa qua hình ảnh lớp học của thầy đồ… Đường sách TP.HCM, từ ý tưởng thực hiện, đã hướng đến không gian dành cho gia đình. Ngày hội văn hóa đọc TP.HCM cũng hướng đến gia đình, mang tính thoải mái, tiện lợi.

Sach, ruou vang va hoa hong
Muốn trẻ yêu thích đọc sách, người lớn phải dẫn đường (Ảnh: Không gian đọc sách dành cho gia đình được chú trọng tại Ngày hội văn hóa đọc TP.HCM)

Ý nghĩa nhất có lẽ là thông điệp tiếp nối thế hệ. Những giá trị xưa cũ nhắc nhớ về mạch ngầm văn hóa và những giá trị trăm năm. Nhưng muốn thế hệ sau tiếp nối, thế hệ trước phải trao truyền. Muốn con trẻ có niềm say mê, thói quen đọc sách thì phụ huynh phải là người dẫn đường. Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, những gì người lớn dạy bảo, trao truyền đều có sức nặng ở lại và theo trẻ đến tuổi trưởng thành. Tôi đã từng nghe nhiều chuyện về hành trình tiếp nối của những đứa trẻ lớn lên trong ngôi nhà có tủ sách cha mẹ để lại.

Thế hệ ấy đã trưởng thành rất khác với “thế hệ online” - cách gọi những đứa trẻ nghiện game online, say mê YouTube. Tại một tọa đàm về văn học dành cho thiếu nhi vừa qua, nhiều ý kiến đã trăn trở: trẻ em hôm nay đang thần tượng nhiều giá trị ảo, cán cân văn hóa đọc bị thiên lệch. Nhiều năm rồi, chỉ số trung bình người Việt Nam đọc sách chưa vượt qua được mức - ít nhất - mỗi người 2 cuốn sách/năm.

Người phương Tây đi đến đâu, trong ba-lô cũng mang theo sách. Nhiều năm trước, một hình ảnh truyền cảm hứng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội là chàng trai trẻ người Anh, ngồi bệt trên bãi cỏ ven đường, đọc sách, trong khi chờ xe khách đường dài sửa chữa. Sự thảnh thơi, an nhiên ấy thật tương phản với vẻ bực dọc, mệt mỏi của những hành khách khác. Sách chuyển hóa cảm xúc, trao cho người yêu đọc sách những giá trị tự thân. Tôi vẫn gọi đó là sứ mệnh của chữ - vô hình mà đẹp đẽ, lớn lao. Đến một lúc nào đó mà ở nhà ga, trạm chờ, sân bay… đều có hình ảnh người Việt đọc sách, thay vì mải mê với điện thoại, game online, thì đó chắc chắn là những ngày rất đẹp. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI