Sách nghiên cứu ‘Tập tục đời người’: Tục hay không tục?

14/12/2017 - 08:07

PNO - Một số từ ngữ chỉ thẳng thắn về sinh hoạt của con người đã hiện diện trong sách nghiên cứu ‘Tập tục đời người – Văn hoá tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ 19–20’ của hoạ sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng.

Tập tục đời người – Văn hoá tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ 19 – 20 (gọi ngắn là Tập tục đời người) là cuốn sách của hoạ sỹ, nhà nghiên cứu nghệ thuật Phan Cẩm Thượng. Cuốn sách vừa được NXB Hội nhà văn - Công ty văn hoá Nhã Nam liên kết xuất bản và phát hành.

Tập tục đời người là kết quả của một “công trình” nghiên cứu trong suốt thời gian dài, được Phan Cẩm Thượng gói gọn với hơn 600 trang về văn hoá - tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ 19 – 20. Tập tục đời người gồm 6 chương: người nông dân và tứ khoái, những không gian sinh tồn, 4 mùa và các hội lễ, tín ngưỡng và hệ thần, tập tục ẩm thực và ăn mặc, thời gian xưa và cuộc đời hiện tại.

Ngay từ khi ra mắt, Tập tục đời người đã được nhiều nhà nghiên cứu công nhận, xem đây là một công trình nghiên cứu văn hoá cơ sở Việt Nam đầy giá trị. 

Sach nghien cuu ‘Tap tuc doi nguoi’: Tuc hay khong tuc?
Tập tục đời người là cuốn thứ 2 trong 4 cuốn mà tác giả Phan Cẩm Thượng dự định ra mắt. Cuốn đầu tiên Văn minh vật chất của người Việt xuất bản năm 2011.

Ngay từ Lời nói đầu, phía NXB Hội nhà văn và công ty Nhã Nam đã có những lời khuyến cáo đầu tiên về những từ sẽ xuất hiện trong cuốn sách: “Vì cuốn sách bàn về văn hoá tập tục của người nông dân Việt Nam nên có một số từ ngữ mang tính chất “tục” vốn chính là một phần của đời sống người nông nhân. Chúng tôi tán thành với tác giả việc giữ nguyên cách viết đầy đủ các chữ “tục” ấy (nhất là khi khảo cứu tập tục về tâm sinh lý) mà không thay bằng chữ viết tắt hay ký hiệu khác để độc giả có thể hiểu và cảm nhận rõ nét không khí văn hoá của người nông dân Việt Nam thế kỷ 19-20. Vì vậy, chúng tôi có lời khuyến cáo tới bạn đọc khả năng gặp phải một số từ “tục” và mong quý vị cảm thông, lượng thứ”.

Đúng như lời khuyến cáo, ngay từ những dòng đầu tiên của phần mục lục, những từ ngữ ấy đã xuất hiện. Trong suốt chương I sau đó, đặc biệt trong phần nói về Đời sống tính dục và Tín ngưỡng phồn thực, các từ như đ–, ỉ–, c–c, l–n… có mặt để lột tả thực quan điểm của tác giả: “rõ nét không khí văn hoá của người nông dân Việt Nam thế kỷ 19 – 20”.

Sach nghien cuu ‘Tap tuc doi nguoi’: Tuc hay khong tuc?
Ngay từ những trang đầu tiên phần mục lục, từ "tục" đã xuất hiện

"Quyển sách của tác giả Phan Cẩm Thượng, Tập tục đời người, Văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ 19-20 đã chỉ khá rõ nội hàm của nó ngay từ tựa đề. Đây là cuốn sử từ góc nhìn của cá nhân tác giả, cũng có cái đúng với số đông, có cái chưa hẳn thỏa mãn nhiều người. Chúng tôi và tác giả đều mong muốn nhận được góp ý từ phía báo chí và độc giả. Chúng tôi cho rằng việc giữ nguyên các từ như lịch sử vốn gọi nó như vậy cung cấp cho độc giả một cách đầy đủ và chân thực thông tin, là cách tôn trọng độc giả. Một số từ ngữ đó trong một số văn cảnh nhất định, có thể bị cho là tục nhưng khi được sử dụng như một thông tin, một nguồn lịch sử trong bối cảnh khảo cứu điền dã, thì nó sẽ không khiến cho độc giả cảm giác tục tĩu hay sống sượng, như người ta sử dụng từ tục trong đời thường”, đại diện Nhã Nam - đơn vị liên kết phát hành Tập tục đời người, Văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ 19 - 20- cho biết.

Sach nghien cuu ‘Tap tuc doi nguoi’: Tuc hay khong tuc?
Ở trang 74, từ tục được viết trong 2 câu nói dân gian mà tác giả dùng để diễn giải cho luận điểm của mình

Nhận định về vấn đề này, theo PGS.TS Phan An - nguyên Viện trưởng viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ - sử dụng từ "tục" là điều không nên trong các ấn phẩm phát hành rộng rãi: “Trong văn chương hoặc trong giáo dục văn hoá, có những chữ tục thì tác giả - NXB sẽ viết tắt, viết trong ngoặc kép, hoặc viết bằng chữ Hán. Ví dụ như chữ “tiểu tiện” chẳng hạn, đó là một cách nói khác hơn ngôn ngữ sinh hoạt thường ngày để hạn chế bớt tính thô tục khi in thành văn bản, sách báo”.

PGS.TS Phan An cũng cho rằng việc sử dụng những từ không phổ biến, từ "tục" sẽ gây ra sự phản cảm về mặt văn hoá. "Có thể thời điểm đó, nó không là gì cả nhưng bây giờ nó là từ tục, từ không có văn hoá. Cho nên phải thận trọng trong việc sử dụng những từ tục trong sách, vở, các bài viết công bố rộng rãi với công chúng để tránh sự nhiễu loạn, đôi khi nó sẽ gây nên những tác hại về mặt văn hoá, giáo dục cho những người đọc”, PGS.TS Phan An khẳng định.

Sach nghien cuu ‘Tap tuc doi nguoi’: Tuc hay khong tuc?
Từ gọi bộ phận sinh dục của phụ nữ theo cách trần tục nhất cũng được nêu ra

Nói về việc NXB đã có những khuyến cáo đối với người đọc về cách dùng từ này, PGS.TS Phan An cho biết: “Theo tôi, NXB tôn trọng tác giả nhưng đồng thời phải tôn trọng độc giả. Về phía tác giả, họ sẽ có những lý do cho rằng việc để nguyên là phù hợp, nhưng về phía biên tập của NXB phải có sự cân nhắc trước khi xuất bản, phải hài hoà như thế nào để tránh sự phản cảm trong cách tiếp nhận của bạn đọc”.

Dẫu vậy, với PGS.TS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam), việc tác giả và NXB đưa nguyên những từ “tục” lên sách nghiên cứu là chuyện bình thường: “Những ngôn từ thuộc về văn hoá ở quá khứ, nếu ta cứ tránh những từ vốn có của nó thì khác nào việc ta gần như phủ nhận quá khứ của mình. Trên thực tế, những từ ngữ nó là như thế thì ta cũng nên nói để mọi người cùng biết, không liên quan đến câu chuyện thẩm mỹ ở đây”.

Để rõ hơn cho quan điểm của mình, PGS.TS Bùi Quang Thắng lý giải: “Văn hoá không chỉ là những sự vật, sự việc chúng ta quan niệm của ngày hôm nay, mà nó có một quá trình phát triển. Hơn nữa, ngôn từ là thứ biểu hiện rất rõ văn hoá của những lớp người trong xã hội khác nhau. Về mặt xã hội học, đó là một điều cần thiết. Theo tôi, cuộc sống thế nào, lịch sử, quá khứ như thế nào thì chúng ta cũng nên tôn trọng nó như thế”.

Sach nghien cuu ‘Tap tuc doi nguoi’: Tuc hay khong tuc?
Cuốn sách Tập tục đời người nhận về nhiều ý kiến trái chiều

PGS.TS Bùi Quang Thắng cũng khuyên rằng: “Vấn đề ở đây, là ngày hôm nay chúng ta nhìn về quá khứ, chúng ta phải có con mắt giãn cách ra, nhìn như vậy mới rõ hơn về văn hoá quá khứ. Còn nếu chúng ta lấy cái của ngày hôm nay để chúng ta so sánh, hoặc lấy bất kỳ quan niệm đạo đức nào để làm tiêu chí thì sẽ làm sai lệch cái vốn có của văn hoá. Thời nào văn hoá cũng có tục có thanh, ở bất cứ đâu cũng thế. Chẳng lẽ chúng ta chỉ lọc ra những cái thanh để tự ca ngợi mình mà chúng ta không hiểu cái tục thực sự là mặt khác của cái thanh”. 

Có thể thấy, với cuốn sách nghiên cứu được nhiều nhà nghiên cứu nhận định là rất giá trị này, chuyện "tục" hay "thanh" vẫn sẽ còn gây nhiều tranh cãi và tuỳ thuộc rất nhiều vào quan điểm, sự cởi mở của người tiếp nhận.  

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI