PNO - Diện mạo văn chương có thể được nhìn thấy qua lý luận phê bình văn học. Nhiều tác phẩm thể loại này được trao giải thưởng, nhưng đây vẫn luôn là mảng trầm, mong đợi nhiều khám phá mới từ những cây bút phê bình văn học trẻ.
Cuối năm, Hội Nhà văn TPHCM gọi tên 4 tác phẩm lý luận phê bình để trao thưởng: Dưới những lớp sóng thời gian (Ngô Xuân Hội), Cây bút trước những ngọn đèn tỏa sáng (Đoàn Minh Tuấn), Tình ca tiếng nước ta (Dương Thành Truyền) và Văn chương phương Nam - những vùng đất, những con người (Hà Thanh Vân). Trong số đó, lan tỏa nhất có lẽ là cuốn sách viết về tiếng Việt: Tình ca tiếng nước ta. Đây là tựa sách nằm trong Tủ sách tiếng Việt giàu đẹp của Nhà xuất bản Trẻ, khai thác đề tài được bạn đọc quan tâm.
Một số tựa sách lý luận phê bình vừa được Hội Nhà văn TPHCM trao thưởng năm 2024
Dưới những lớp sóng thời gian là ghi chép chân dung về những nhà văn, nhà thơ: Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Lập, Trần Nhuận Minh, Đỗ Kim Cuông… Chỉ trong một đoạn văn ngắn, tác giả Ngô Xuân Hội đã có những nhận định ấn tượng về văn chương của những tên tuổi lớn: “Đồ sộ như Tô Hoài, sắc sảo thông minh như Chế Lan Viên, đáo để như Nguyễn Huy Thiệp, đắm đuối như Xuân Quỳnh, hào hoa như Lưu Quang Vũ, cuồn cuộn như Thanh Thảo, ám ảnh như Hữu Thỉnh…”. Còn trong Cây bút trước những ngọn đèn tỏa sáng, nhà văn Đoàn Minh Tuấn viết về Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Mộng Tuyết, Tế Hanh, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi…
Tiến sĩ Hà Thanh Vân là một trong số những cây bút lý luận phê bình nổi bật, luôn có những bài viết thu hút người đọc trên mạng xã hội suốt thời gian qua. Văn chương phương Nam - những vùng đất, những con người là tập sách nghiên cứu về văn học Nam Bộ thế kỷ XX. Tác phẩm đòi hỏi lao động chữ nghĩa công phu của tác giả - từ những dấu ấn văn chương thuở ban đầu đến những vấn đề/hiện tượng văn học suốt 100 năm lịch sử.
Một số tựa sách thuộc thể loại nghiên cứu - phê bình văn học được trao giải thưởng năm qua còn có: Dòng chảy lấp lánh (Nguyễn Thanh Tâm), Neo chữ (Nguyễn Hoài Nam), Nguyễn Bính - Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp (Nguyễn Sĩ Đại)… Một số tác phẩm giá trị khác có thể kể đến: Lặng lẽ đời văn (Ngô Thảo); Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do (Phùng Ngọc Kiên - Đoàn Ánh Dương); Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương (Nguyễn Thị Tịnh Thy)…
Giá trị của lý luận phê bình chính là phác họa diện mạo văn học, phát hiện những vẻ đẹp của văn chương từ nhiều chiều kích, cho độc giả những góc nhìn/khám phá sâu sắc về tác phẩm cũng như tinh thần của nhà văn trong những thời đại sống. Tuy nhiên, so với các thể loại khác (truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, bút ký, tản văn…), lý luận phê bình thường được nhận định là “hàn lâm, khô khan, khó đọc”. Thế nên, dù mang giá trị cao, sách thể loại này luôn là “bè trầm” trong “bản giao hưởng” sách lâu nay.
Chờ đón người viết trẻ
Tác giả viết sách lý luận phê bình, chân dung văn học thường là những nhà nghiên cứu nhưng cũng rất nhiều người là nhà văn, nhà thơ. Trong số đó có những người trẻ vừa sáng tác văn chương vừa viết phê bình văn học. 2 cây bút được nhắc đến nhiều nhất trong khuôn khổ hội nghị Những người viết trẻ TPHCM lần 5-2024 vừa qua là Nguyễn Đình Minh Khuê (thạc sĩ văn học) và Trương Mỹ Ngọc (nhà thơ). Tuy nhiên, so với lực lượng viết đông đảo cùng tác phẩm đa dạng về đề tài/phong cách thì sự xuất hiện của vài cây bút lý luận phê bình trẻ vẫn chưa thể theo kịp sự sôi động của văn chương trẻ hiện nay.
Vừa sáng tác vừa viết chân dung văn học trong những năm qua còn có thể kể đến các tác giả: Hồ Huy Sơn (Hát lời cho quả sai, sách chân dung văn nghệ sĩ), Văn Thành Lê (Như cánh chim trong mắt của chân trời, viết về các nhà văn Vũ Hùng, Trần Thùy Mai, Hồ Anh Thái, Nguyễn Ngọc Tư...). Gần đây, nhà văn trẻ Hiền Trang ra mắt bạn đọc các tác phẩm viết về nhân vật nổi tiếng trên thế giới cũng như những tản mạn văn chương, thu hút bạn đọc trẻ: Tại sao ta yêu…,
Những khán giả ngồi trong bóng tối, Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ. Trong đó, cuốn Tại sao ta yêu… vừa được trao giải C - giải thưởng Sách quốc gia năm 2024 và Hiền Trang cũng vừa có buổi giao lưu với bạn đọc tại Hà Nội về tác phẩm này. Lối đi vẫn còn rất nhiều “khoảng trống” của lý luận, phê bình văn học tiếp tục chờ người cầm bút trẻ bước vào.
Trước đó, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng từng in bộ 10 cuốn, với các tựa: Phê bình và cảo luận (Thiếu Sơn), Hình dung và tâm tưởng (Lan Khai), Văn thi sĩ tiền chiến (Nguyễn Vĩ), Văn thi sĩ hiện đại (Bàng Bá Lân), Đốt lò hương cũ (Đinh Hùng)… Tác phẩm/sách chân dung - lý luận, phê bình văn học sẽ không khô khan khi người viết có sự tiếp cận cũng như góc nhìn mới mẻ, khai thác chủ đề hấp dẫn và cách viết quyến rũ, thu hút. Lý luận phê bình cũng cho bạn đọc góc nhìn phổ quát hơn về những dòng chảy, xu hướng văn chương cũng như những nhận diện chiều sâu về tác phẩm.
Trong tuyển tập lý luận phê bình Đổi mới và tiếp nhận Văn học nghệ thuật TPHCM 1975-2025 (Hội Nhà văn TPHCM in dịp kỷ niệm 50 năm văn học nghệ thuật TPHCM) có những bài viết nhìn nhận về những giá trị mới của văn chương Việt: thơ haiku trong dòng chảy thi ca hiện đại, cây bút trẻ với đề tài lịch sử cách mạng, sự phát triển của văn học thiếu nhi… Văn chương Việt đã và đang không ngừng tạo nên những dấu ấn mới. Độc giả vẫn chờ thêm những giá trị đồng điệu và lan tỏa từ các tác phẩm lý luận phê bình văn học.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.