Sách khắc trên lá cây của người Thái trước nguy cơ thất truyền

06/11/2021 - 08:16

PNO - Loại sách khắc chữ trên lá Pớ Lang do người Thái Pao khu vực miền tây Nghệ An viết, có niên đại trên 200 năm. Huyện Kỳ Sơn cũng đã đưa việc sưu tầm sách viết trên lá cây vào đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn.

Những nét văn hóa, phong tục tập quán… thậm chí cả truyện ngụ ngôn được người Thái khắc tỉ mỉ trên lá Pớ Lang. Trải qua hàng trăm năm, những cuốn sách này dần biến mất, một số ít ỏi còn được người dân lưu giữ lại, song hiếm có người đọc được chữ trong sách.

Lưu giữ phong tục, tập quán trên lá cây

May mắn còn giữ nguyên vẹn bộ sách cổ khắc chữ trên lá cây do bố mình truyền lại, ông Vi Thanh Tuấn - trú bản Kèo Lực 2, xã Phà Đánh, H.Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - nói rằng dẫu chưa đọc được nội dung những cuốn sách này, song ông vẫn luôn xem đây như báu vật gia truyền.

“Ngày nhỏ, tôi nghe bố nói đây là bộ sách được khắc bằng chữ Thái cổ, nội dung chủ yếu nói đến các phong tục tập quán, quan niệm và phong thủy trong đời sống của người Thái ngày xưa” - ông Tuấn nói.
Bộ sách gồm năm cuốn. Trải qua hàng trăm năm lưu truyền, một số cuốn sách đã bắt đầu bị gãy, hư hỏng. Một số người cao niên trong bản cho hay, để viết nên những cuốn sách này, cha ông họ xưa kia đã dày công cả năm trời.

Ông Tuấn cẩn thận lưu giữ lại bộ sách khắc chữ trên lá cây của mình - ẢNH: PHAN NGỌC
Ông Tuấn cẩn thận lưu giữ lại bộ sách khắc chữ trên lá cây của mình - ẢNH: PHAN NGỌC

Lá Pớ Lang (sẵn có ở địa phương, có nét tương đồng với lá cọ) được chọn làm vật liệu khắc chữ. Lá cây được chọn tỉ mỉ, sau đó cắt thành hình chữ nhật chiều dài 25cm, rộng 5cm. Để tạo nên cuốn sách, họ dùng vật nhọn khắc chữ lên lá, rồi dùng một loại nước màu được làm từ vỏ và rễ cây quét lên. Sau khi được hong khô, những lá cây đã được khắc chữ này được liên kết với nhau bằng một sợi dây gai.

Từng sở hữu hơn chục cuốn sách tương tự, ông La Văn Quế - 72 tuổi, trú xã Hữu Kiệm, H.Kỳ Sơn - cho biết, loại sách này trước đây được viết bằng hai loại chữ gồm chữ Lai Pao - chữ viết của người Thái vùng dọc sông Pao (Sông Pao trong tiếng Thái gọi là Nặm Pao, tên gọi sông Lam) và chữ Thăm - loại chữ có nét tương đồng với chữ Lào. Trước đây, những cuốn sách này được xem là cẩm nang của người Thái sống dọc sông Lam, ghi chép lại những kinh nghiệm dân gian, phong tục tập quán về ma chay, cưới hỏi… của dân tộc mình.

“Ngày xưa tôi sưu tầm được rất nhiều, chủ yếu là lịch và câu đối. Nội dung chủ yếu dạy con cháu cách làm ăn, sống có đức, cách chọn ngày dựng nhà, cưới hỏi…” - ông Quế nói. Ông cũng cho hay phong tục tập quán được lưu truyền trong sách hiện vẫn còn được người Thái áp dụng. Tuy nhiên, một số quan niệm được xem là hủ tục đã dần bị loại bỏ. Trong đó, các thủ tục về ma chay, cưới hỏi được xem là rườm rà nhất, nay đã dần được thay thế.

“Theo phong tục thì một đám cưới trải qua rất nhiều lần dạm hỏi. Việc thách cưới tùy thuộc vào gia đình cô dâu, nhưng người Thái có câu thế này “chân trước dậm chỗ nào, chân sau cũng phải dậm chỗ ấy”, nghĩa là mẹ khi gả được bốn nén bạc thì con gái cũng phải được bốn nén bạc. Giờ tục thách cưới này không còn ai thực hiện nữa, bởi đã có không ít trường hợp không gả vợ, dựng chồng được vì mẹ thách cưới quá cao. Việc tổ chức ma chay cũng vậy, khi có người mất thì người nhà buộc phải theo lịch, chọn giờ rất kỹ” - ông Quế nói. 

Nguy cơ thất truyền
“Nhiều người đến trả giá hơn chục triệu đồng để mua bộ sách này rồi, nhưng tôi không bán” - ông Tuấn nói. Theo ông, người dân bản Kèo Lực 2 từng sở hữu rất nhiều sách khắc chữ trên lá cây. Tuy nhiên, hiện những cuốn sách này đã bị thất lạc, hoặc bị bán, duy nhất chỉ còn bộ sách trong nhà ông đang giữ. Bởi vậy, ông cho biết mình sẽ giữ lại, khi nào có điều kiện sẽ tìm người dịch bộ sách này ra tiếng Việt rồi in thành nhiều cuốn cho con cháu có cơ hội tìm hiểu văn hóa của chính dân tộc mình xưa kia.

Những phong tục tập quán của người Thái được khắc bằng chữ Lai Pao trên lá Pớ Lang  - ẢNH: PHAN NGỌC
Những phong tục tập quán của người Thái được khắc bằng chữ Lai Pao trên lá Pớ Lang - ẢNH: PHAN NGỌC

Nhiều năm gắn bó với vùng biên giới Lào, thầy Nguyễn Đức Vượng - giáo viên Trường tiểu học Phà Đánh - cho biết, bản thân dần thích thú với những đồ vật cổ gắn với văn hóa các vùng miền. Khi thấy người dân địa phương bán sách khắc chữ trên lá cây, thầy Vượng đã mua lại trên 20 cuốn sách. “Khi mua, tôi cũng tìm hiểu kỹ về nguồn gốc những cuốn sách này. Hầu hết sách tôi mua đều do các thầy cúng để lại cho con cháu, giờ họ không đọc được nên mới đem bán” - thầy Vượng nói.

Ông Lô Văn Liệu - Bí thư xã Mỹ Lý, H.Kỳ Sơn - cho biết, người dân trên địa bàn xã cũng từng sở hữu nhiều loại sách viết trên lá cây tương tự. Tuy nhiên, phần lớn đều đã bị thất lạc. Mặc dù có tới 80% dân số trong xã là người dân tộc Thái, song hiện không còn mấy người biết đến ngôn ngữ này. “Ông ngoại tôi cũng có một cuốn thế này, nhưng lâu không dùng đến nên đã bị thất lạc” - ông Liệu nói. 

Ông Vi Hòe - Bí thư H.Kỳ Sơn - cho biết, trước nguy cơ loại sách viết trên lá cây bị xóa sổ, huyện đã giao Phòng Văn hóa có phương án sưu tầm, thu mua lại từ người dân để bảo tồn, trưng bày. Theo bà Vi Thị Quyên - Phó Chủ tịch UBND H.Kỳ Sơn - qua kiểm chứng từ một số nghệ nhân truyền dạy chữ Thái cổ ở Nghệ An, loại sách khắc chữ trên lá Pớ Lang do người Thái Pao khu vực miền tây Nghệ An viết, có niên đại trên 200 năm. H.Kỳ Sơn cũng đã đưa việc sưu tầm sách viết trên lá cây vào đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn.

Song song với bảo tồn, những cuốn sách này còn là tài liệu truyền dạy cho người dân tộc Thái, để họ biết chữ viết, văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên, do chưa có kinh phí, nên kế hoạch này vẫn chưa thể thực hiện được. 

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI