Sách giấy và “cuộc đua” với công nghệ

11/11/2020 - 07:32

PNO - Sách giấy bây giờ không chỉ bị cạnh tranh bởi ebook, audiobook, mà ngày càng có thêm nhiều định dạng mới mẻ.

Tại buổi tọa đàm mini chủ đề Kỹ năng đọc sách và văn hóa ứng xử với các nguồn thông tin trên mạng xã hội (tổ chức ngày 9/11, trong khuôn khổ ngày hội Văn hóa đọc tại Học viện Cán bộ TP.HCM), bà Ngô Phương Thảo - người sáng lập công ty TNHH Anbooks nêu: “Nền đọc của giới trẻ Việt Nam hiện nay còn quá yếu. Nhiều cuốn sách dễ dãi liên tục được xuất bản, thiếu sự sàng lọc. Người đọc trẻ lại dễ dàng bị “chết chìm” bởi những thông tin trên mạng xã hội, khả năng tiếp nhận những cuốn sách dễ đọc. Còn đối với dòng sách tinh hoa, để nói đến hy vọng trở lại thành lựa chọn của số đông, tôi nghĩ đây là câu chuyện dài, phải mất ít nhất 10-20 năm nữa. Muốn được như vậy, người trẻ cần phải cải thiện nền đọc của mình”.

Những ứng dụng đọc sách Clipbook, Joicard, Spark AR…vừa được công ty Joikid JSC ra mắt
Những ứng dụng đọc sách Clipbook, Joicard, Spark AR…vừa được công ty Joikid JSC ra mắt

Bà Thảo cung cấp thêm số liệu thị trường xuất bản Mỹ hơn 300 triệu dân, một cuốn sách có thể được in đến 500.000 bản là chuyện thường, khả năng đầu tư/tái đầu tư cũng rất lớn. Còn ở Việt Nam (dân số gần 100 triệu), một cuốn sách in lần đầu nhiều lắm là 3.000 bản (thường ở mức 1.500 -2.000 bản, tái bản được đến 10.000 bản đã được gọi là sách best-seller). Không ít đầu sách có giá trị được in dè dặt chỉ khoảng 300-500 bản, mà bán còn không hết. 

Một nhà nghiên cứu văn hóa từng “khoe” ông mua được cuốn sách quý với giá vài ngàn đồng. Nhưng sau đó là sự ngậm ngùi: sách giá trị như thế này mà có mấy người tìm đọc! Thực tế ấy bao năm qua đặt lên vai các nhà xuất bản gánh nặng bài toán về thị phần. Một khi “nền đọc” không được nâng cấp, thì rất khó mong những đổi thay lớn về sức tiêu thụ của dòng sách tinh hoa.

“Thời đại dẫn đến những khác biệt về giá trị nền tảng. Trên mạng, mọi thông tin được kết nối chỉ bằng một cú click chuột. Nhưng khả năng mất tập trung, bị phân tán thường rất cao. Không chỉ là chuyện đọc, mà phải lọc những thông tin đó thế nào. Nếu tiếp nhận theo kiểu “hổ lốn”, thì có thể rơi vào việc đọc rất nhiều mà vẫn thiếu tri thức; tiếp nhận rất nhiều nhưng không bổ ích được bao nhiêu” - tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, nguyên Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM nhìn nhận. 

Ở giai đoạn rèn thói quen đọc sách cho trẻ, phụ huynh sẽ chọn công nghệ hay sách giấy?
Ở giai đoạn rèn thói quen đọc sách cho trẻ, phụ huynh sẽ chọn công nghệ hay sách giấy?

Sách giấy bây giờ không chỉ bị cạnh tranh bởi ebook, audiobook, mà ngày càng có thêm nhiều định dạng mới mẻ. Ví dụ clipbook - chuyển nội dung sách giấy sang định dạng số (digital) theo hình thức 3D, công nghệ AR (tương tác ảo) với cuốn sách dành cho tuổi teen Ê có khi nào...?... Ngày càng có nhiều sách được đọc kết hợp với smartphone để khám phá “những bí mật sinh động” ẩn sau những tranh minh họa của cuốn sách.

Trong những cuộc tọa đàm về phát triển văn hóa đọc, số liệu thống kê chỉ ra con số: 1,4 đầu sách/người/năm. Tuy nhiên, khách quan nhận định, số liệu khảo sát này lại dựa trên nguồn sách giấy (số tựa sách tiêu thụ mỗi năm, chia bình quân đầu người) mà bỏ qua lượng đọc trên mạng, ứng dụng, audiobook… Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho rằng, hình thức đọc ngày càng đa dạng hơn, chỉ khác sách giấy truyền thống đang ngày càng bị “cạnh tranh” bởi công nghệ.

Sự cạnh tranh này ngày càng đa dạng, nhiều hình thức. Trong khi sách giấy, ngoài những đầu sách chất lượng được đầu tư, thị trường mỗi năm có một lượng sách “quà tặng”, sách in theo kế hoạch B (tác giả bỏ tiền in sách). Sự gia tăng về số lượng tựa sách, bản in mỗi năm chưa tỷ lệ thuận với mức tiêu thụ, chất lượng. Mong ước của nhiều người về lượng phát hành sách giấy đến một lúc nào đó sẽ lên đến con số phổ biến “hàng chục ngàn, trăm ngàn” - có thể quá xa với tầm thị trường đọc như hiện tại. 

 Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI