Năm nào cũng có “sạn”
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, thầy Nguyễn Văn Thuật - Trưởng bộ môn địa lý, Khoa Sư phạm khoa học xã hội, Trường đại học Đồng Nai - chỉ ra nhiều lỗi kiến thức trong các sách giáo khoa (SGK) địa lý chương trình mới.
|
Học sinh chọn sách giáo khoa chương trình mới tại nhà sách Phương Nam (quận Gò Vấp, TPHCM) - Ảnh: P.T. |
Chẳng hạn, trong SGK lịch sử - địa lý lớp Tám, bộ Chân trời sáng tạo (bản mẫu lấy ý kiến xã hội), ở trang 163, trên lược đồ vùng đồng bằng sông Cửu Long, tác giả thể hiện thảm thực vật rừng sú, vẹt, rừng tràm ở khu vực ven biển các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Tiền Giang. Thực tế, rừng ngập mặn ở đó chỉ có mắm, đước chứ không có sú, vẹt; cây tràm chỉ thích nghi đất phèn, nên ven biển cũng không thể có tràm. Ở trang 98, trên bản đồ hành chính Việt Nam, quần đảo Côn Đảo được viết thành Côn Sơn trong khi Côn Sơn chỉ là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Côn Đảo.
Tương tự, trong SGK lịch sử - địa lý lớp Tám (bản mẫu) bộ Cánh diều, ở trang 134, dòng 16 từ trên xuống, tác giả viết: “Nước ta có số lượng lớn các loài thực vật, động vật, vi sinh vật và nấm”. Dòng 17 cùng trang lại viết: “Trong đó có nhiều loài thực vật quý như: lim, sến, nghiến, trầm hương, sâm, nấm…”. Ở dòng 16, tác giả cho rằng nấm không phải là thực vật nhưng ở dòng 17, nấm lại được xếp vào giới thực vật.
“Ở nhiều chỗ, có cảm giác tác giả cóp nhặt kiến thức, trên nói một đằng, dưới nói một nẻo, một số kiến thức lại quá cao so với độ tuổi học trò. Trong quá trình giảng dạy, những thầy cô có chuyên môn tốt có thể kịp thời nhận ra sai sót để chỉnh sửa cho học sinh nhưng điều đáng lo là ở cấp THCS, giáo viên phải dạy tích hợp nên khó có đủ kiến thức chuyên môn sâu để biết chỗ nào sai. Mỗi khối lớp có hàng triệu học sinh và SGK được dùng trong nhiều năm, nên những kiến thức sai sẽ gây hậu quả không nhỏ” - thầy Nguyễn Văn Thuật nhận xét.
|
Học sinh chọn sách giáo khoa chương trình mới tại nhà sách Phương Nam (quận Gò Vấp, TPHCM) - Ảnh: P.T. |
Một giáo viên THPT ở quận 8, TPHCM nhận xét, ngoài lỗi về kiến thức, SGK chương trình mới còn có những nội dung không gần gũi với lứa tuổi, đối tượng. Chẳng hạn, sách giáo dục quốc phòng an ninh bắt học sinh học những kiến thức nặng nề như lịch sử truyền thống của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân,…
Tương tự, sách giáo dục công dân lớp Mười, lớp Mười một có những nội dung vĩ mô, quá tầm so với lứa tuổi học sinh, như nền kinh tế thị trường, Luật Doanh nghiệp, thị trường lao động, thuế môn bài, thuế VAT, thuế trực thu, thuế gián thu… Trong khi đó, những nội dung cần thiết, phù hợp với học sinh THPT lại không có, như bảo vệ bản thân trước các nguy cơ, phản ứng trước những tình huống xấu, kỹ năng giao tiếp, xây dựng văn hóa giao thông, văn hóa xếp hàng… Những nội dung “cao siêu” sẽ khiến cả giáo viên lẫn học sinh cảm thấy mệt mỏi, nặng nề.
Càng xã hội hóa, giá càng tăng
Mục tiêu của xã hội hóa SGK là nhằm tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng, giảm giá bán. Thế nhưng, giá SGK thời gian qua lại tăng gấp 2-3 lần so với giá SGK bộ cũ.
Cô Phan Thị Tuyết - giáo viên Trường tiểu học Tân An 1 (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) - cho rằng, nên xem lại việc in SGK khổ lớn, giấy đẹp bởi giấy bóng không tốt cho thị lực, khó lật, lại nặng. Chưa kể, trong 1 bộ sách, số đầu sách tăng so với trước, trong đó có cả những cuốn không thực sự cần thiết. Chẳng hạn, những năm qua, nhiều học sinh đã mua SGK môn giáo dục thể chất lớp Một, Hai, Ba nhưng suốt năm học không mở ra xem. Sắp tới, học sinh lại phải mua sách giáo dục thể chất lớp Bốn. Với môn học này, học sinh chủ yếu thực hành ngoài sân tập, nhìn giáo viên làm mẫu rồi tập theo. Việc nhà xuất bản “vẽ” thêm những cuốn không thực sự cần thiết đã góp phần khiến giá bộ SGK tăng cao.
“Một cuốn SGK giáo dục thể chất của bậc tiểu học và bậc THCS có giá khoảng 15.000 đồng/cuốn. Riêng bậc THPT có 4 cuốn SGK giáo dục thể chất gồm bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ và cầu lông, tổng cộng khoảng 50.000 đồng. Nếu nhân số tiền này với hơn 20 triệu học sinh trên cả nước thì mức lãng phí không nhỏ. Trong khi đó, việc đầu tư sân bãi, phòng tập cho môn thể chất lại không được quan tâm” - cô Phan Thị Tuyết băn khoăn.
|
Học sinh Trường tiểu học Hòa Bình (quận 1, TPHCM) học bằng sách giáo khoa chương trình mới - Ảnh: P.T. |
Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - phân tích, khi xã hội hóa SGK thì đương nhiên có nhiều nhà xuất bản cùng tham gia. Các đơn vị muốn cạnh tranh thì phải thuê đội ngũ biên soạn nội dung chất lượng, thiết kế, in ấn đẹp mắt, lo chi phí truyền thông, phát hành dẫn đến tăng giá. Khi đã xã hội hóa thì giá cả do thị trường quyết định. Tuy vậy, SGK là mặt hàng thiết yếu, việc để giá sách tăng cao khiến người dân - nhất là người nghèo - không tiếp cận được là đi ngược chủ trương phổ cập giáo dục. Do đó, Nhà nước vẫn cần điều tiết, quản lý mặt hàng này.
Về đề xuất đưa SGK vào mặt hàng do Nhà nước định giá, ông Ngô Trí Long cho rằng, có thể định giá với khâu in ấn, phát hành, còn với khâu biên soạn thì Nhà nước khó tính đúng chi phí, bởi chi phí biên soạn khác nhau giữa các sách, thậm chí giữa các trang. Chẳng hạn, SGK tiếng Anh có giá cao hơn sách các môn khác, vì đa phần mua bản quyền nước ngoài. Cho nên, nếu Nhà nước định giá rẻ thì khó khuyến khích các nhà xuất bản mua bản quyền hoặc đầu tư tăng chất lượng sách. Xã hội hóa là khuyến khích nhiều thành phần tham gia. Nhà nước đã kiểm duyệt chất lượng, lại còn quyết định mặt bằng giá chung thì không ổn.
Theo ông Ngô Trí Long, chủ trương xã hội hóa SGK là đúng, nhưng cho rằng xã hội hóa ở tất cả các khâu như hiện nay là có phần vội vàng, dẫn đến những bất cập về chất lượng, giá cả: “Theo tôi, trong 3 khâu gồm biên soạn, in ấn và phát hành thì nên xã hội hóa từng phần. Trước mắt, Nhà nước nên bỏ tiền ra làm khâu biên soạn để thu hút, đãi ngộ xứng đáng cho người có năng lực tham gia biên soạn SGK, chỉ xã hội hóa khâu in ấn và phát hành. Điều này giúp kiểm soát được chất lượng, giảm được giá bán. Các nước đều có chính sách hỗ trợ về SGK. Cho nên, dù xã hội hóa, vẫn phải có chính sách hỗ trợ để đảm bảo giá sách phù hợp cho mọi đối tượng học sinh”.
Nên có sách giáo khoa chuẩn do Bộ GD-ĐT biên soạn Những bất cập của SGK thời gian qua cho thấy, đang có sự thiếu hụt đội ngũ biên soạn có năng lực. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa được thử nghiệm bài bản. SGK cũng chưa kịp thử nghiệm nghiêm túc trên diện rộng để đánh giá và điều chỉnh mà đã vội phát hành dẫn đến nhiều “sạn”. Nghị quyết 88 của Quốc hội (năm 2014) về đổi mới chương trình, SGK phổ thông đã yêu cầu Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn 1 bộ SGK và bộ này được thẩm định, phê duyệt công bằng với SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn chưa thực hiện được yêu cầu này. Do đó, cần sớm xây dựng bộ SGK chuẩn do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn, sau đó sẽ đấu thầu in ấn để có giá rẻ nhất. Bộ sách này sẽ dùng để cấp cho các học sinh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đưa vào thư viện dùng chung. Cách làm này tránh được lãng phí khi phải chi 3.500 tỉ đồng mua SGK cho học sinh mượn như đề xuất của Bộ GD-ĐT. Còn các nhà xuất bản biên soạn những bộ SGK khác nhau thì vẫn theo cơ chế thị trường, sách nào chất lượng, giá hợp lý thì có nhiều khách hàng. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên thành viên tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia về Đổi mới giáo dục, đào tạo |
Minh Linh