Sách giáo khoa - Trở lại sau bao lần cải cách

05/09/2018 - 06:32

PNO - Chỉ mới hai tuần sau tựu trường mà con gái tôi, đang học lớp Sáu, đã phải cặm cụi đến trang 24 sách giáo khoa môn toán.

Sach giao khoa - Tro lai sau bao lan cai cach
Hình minh họa.

Lướt qua những câu hỏi trong phần luyện tập, tôi cảm thấy dựng tóc gáy vì mức độ hàn lâm đến khó tin dành cho các cô cậu học trò mới ở lứa tuổi 11. Ví dụ: “Trong phép chia cho 2, số dư có thể bằng 0 hoặc 1. Trong mỗi phép chia cho 3, cho 4, cho 5, số dư có thể bằng bao nhiêu?” hoặc “Dạng tổng quát của số chia hết cho 2 là 2k, dạng tổng quát của số chia cho 2 dư 1 là 2k+1 với k ∈ N. Hãy viết dạng tổng quát của số chia hết cho 3, số chia cho 3 dư 1, số chia cho 3 dư 2”.

Quay sang nhìn con đang vã mồ hôi trán, tôi hỏi vờ một chi tiết đơn giản nhất trong khối chữ, số và ký hiệu trên: “Thế k ∈ N nghĩa là gì hở con?”. Con gái lắc đầu buồn bã.

Tôi chỉ dám lần dở từ trang ấy ngược về đầu sách, xem thử trước đó toán lớp Sáu (tập một) bàn luận các vấn đề gì. Quả là thất kinh khi hơn 20 trang sách nén chặt những kiến thức về số học, mà ngay cả một cử nhân khối A như tôi cũng hoa cả mắt. Các khái niệm như tập hợp, phần tử của một tập hợp, tập hợp các số tự nhiên, tập hợp con, các ký hiệu, quy ước… cứ hiện ra ngồn ngộn. 

Thay vì chỉ cần giải thích một cách giản dị: tập hợp các số tự nhiên được ký hiệu là N bao gồm các số từ 0, 1, 2, 3… cho đến dương vô cực, thì người ta đã cố “tỏ ra nguy hiểm” khi lồng ghép, cài cắm thông qua các ví dụ về khái niệm này nọ khiến vấn đề đơn giản trở nên rắc rối, học trò không sao hiểu được.

Với thông điệp: tập hợp các số tự nhiên không bao gồm số có giá trị âm, hay như đã nói, chỉ từ 0 trở đi, nhưng sách lại phức tạp hóa cho ra vẻ “khoa học cùng mình”. Với cách trình bày ấy thì hoặc là những đứa trẻ 11 tuổi quá siêu phàm mới hiểu người viết muốn nói gì, hoặc chúng sẽ như “vịt nghe sấm”.

Trên đây, mới chỉ là vài dẫn chứng trong 24 trang đầu quyển sách toán dày 100 trang. Trẻ con bị đánh đố đã đành, mà phụ huynh có kiến thức cũng phải nghiền ngẫm mới hiểu. Từ chỗ mình hiểu và muốn dạy cho con hiểu lại là một câu chuyện nhức đầu.

Nghe con nói “cô giáo ít giải thích lắm, chỉ bạn nào học thêm thì được chỉ kỹ thôi”, tôi cố giữ bình tĩnh: “Trong sách đã bàn hết, con cứ đọc kỹ, có gì không hiểu hỏi ba” mà biết rõ những nhọc nhằn thời đi học của mình giờ đây con gái vẫn chưa được tháo bỏ mà còn phải gánh nặng nề hơn. Hóa ra, nền giáo dục sau bao lần cải cách vẫn chưa tiến được nấc thang khai phóng nào. Vẫn chỉ nặng nề với việc khoe khoang chữ nghĩa, kiến thức và cách hành xử thiếu nhân bản. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI