Sách giáo khoa triệt tiêu khả năng sáng tạo của người thầy

29/03/2019 - 05:22

PNO - Kiến thức chuẩn là gì, kỹ năng học sinh cần đạt là gì… được bộ chỉ ra sẵn, giáo viên cứ chăm chăm vào đó mà dạy. Chính điều này đã triệt tiêu tính sáng tạo, chủ động và tích cực của giáo viên và học sinh.

Sách giáo khoa (SGK) hiện nay còn nặng về lý thuyết và thiếu tính thực tiễn. Đặc biệt là thiếu cập nhật, hoặc cập nhật không kịp thời những thông tin về các kiến thức khoa học, chính vì vậy mà nó lạc hậu so với thực tiễn cuộc sống.

Sach giao khoa triet tieu kha nang sang tao cua nguoi thay
 

Bản thân tôi khi đi dạy, mặc dù luôn có quyển SGK nhưng rất ít khi ngó đến. Tôi quan niệm, điều quan trọng là phải làm sao để liên hệ, minh chứng cho những nội dung kiến thức truyền đạt mang tính thực tiễn cao nhưng lại dễ hướng học sinh đến những kiến thức chuẩn, từ đó liên hệ thực tế và đi vào cuộc sống hằng ngày. Đó là điều mà những giáo viên có kinh nghiệm lâu năm, hoặc những giáo viên có ý chí cầu tiến sẽ biết cách khiến cho kiến thức từ SGK trở nên mới như lần đầu tiếp cận.

Ngược lại, cứ nhìn SGK để dạy theo định hướng giáo dục hiện nay thì có quá nhiều bất cập, thậm chí mang lại những tác dụng ngược, tai hại. Một ví dụ có thể nhìn thấy rõ, cách đây khoảng hai thập niên, Bộ GD-ĐT có đưa ra chuẩn gọi là “chuẩn kiến thức và kỹ năng” để giáo viên áp dụng vào việc dạy học. Chuẩn này theo tôi rất máy móc, thiếu thực tiễn vì nó được áp dụng từ đồng bằng đến miền núi, từ thành thị đến nông thôn...

Căn cứ vào tiêu chuẩn này, bộ lại áp những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giờ dạy và chất lượng giáo dục của giáo viên trong quá trình dạy học, cũng như trong kiểm tra đánh giá giáo viên và học sinh. Có nghĩa là trong bài học đó, kiến thức chuẩn là gì, kỹ năng học sinh cần đạt là gì… được bộ chỉ ra sẵn, giáo viên cứ chăm chăm vào đó mà dạy. Chính điều này đã triệt tiêu tính sáng tạo, chủ động và tích cực của giáo viên và học sinh. 

Nhiều giáo viên cứ copy những giáo án có sẵn (được xem là những giáo án theo chuẩn kiến thức, kỹ năng) mà không đầu tư, chỉnh sửa, cũng không tính đến thực tiễn vùng miền, rồi có phù hợp không với đối tượng học sinh. 

Chính vì cái chuẩn đó, mà Bộ GD-ĐT biên soạn những bộ SGK như hiện nay. Cái chuẩn đó biến SGK chẳng khác nào “pháp lệnh”, điều đó không thuận theo những nguyên tắc cơ bản của quá trình dạy học. 

Một khi đã dạy học theo kiểu không có SGK thì nhân tố con người sẽ đóng vai trò quan trọng, nhất là người thầy. Điều này đòi hỏi việc đào tạo giáo viên phải thực hiện một cách bài bản. Giáo viên phải được trang bị nhiều thứ, từ kiến thức, kỹ năng cho đến nhân cách đạo đức thì mới đủ khả năng đảm đương vai trò tổ chức, phát triển tính tự giác của học sinh, kích thích sự học trong quá trình giáo dục.

Chỉ cần biết chủ đề của từng bộ môn, nội dung từng chương, còn lại người thầy chủ động trong việc phân phối thời gian, lựa chọn kiến thức giảng dạy theo từng chủ đề, miễn sao cuối chương trình đánh giá đúng kiến thức và năng lực của học sinh. 

Nguyễn Hồ Hải
(giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh, Phan Thiết, Bình Thuận)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI