Sách giáo khoa sẽ mãi gây thất vọng nếu vẫn độc quyền

04/04/2019 - 07:43

PNO - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (viết tắt NXB) vừa thông báo tăng giá sách giáo khoa (SGK) chương trình giáo dục phổ thông từ tháng 4/2019. Như vậy, trong vòng một tháng qua, giá SGK đã ba lần thay đổi: tăng, không tăng, rồi lại tăng.

Dư luận lại đang sôi lên.

Lý do phải tăng giá, theo NXB là vì SGK đã được giữ nguyên giá từ năm 2011 trong khi mọi chi phí làm nên quyển sách (nhân công, nguyên vật liệu, phí vận chuyển) đều tăng, khiến NXB bị lỗ nhiều năm qua. Lý do này được Bộ Tài chính xem xét, công nhận nên đồng ý cho tăng giá 16,9% (NXB đề xuất tăng 20,2%), tương ứng với mức tăng từ 1.000 - 1.800 đồng/quyển, 6.500 - 25.000 đồng/bộ sách. 

Chuyện tăng giá cũng là bình thường khi giá các xuất bản phẩm đã tăng nhiều lần. Vả lại, mức tăng giá mỗi bộ SGK, theo NXB, cũng chỉ bằng giá một ly cà phê vỉa hè, nên chẳng có gì ghê gớm với đại bộ phận người dân.

Thế nhưng, nó vẫn khiến người ta bực mình về chuyện độc quyền kinh doanh. Đã làm kinh doanh thì không thể để tình trạng lỗ lã kéo dài, nên việc tăng giá bán để cắt lỗ là bình thường. Là khách hàng, lại là khách hàng đi mua SGK cho con học - một hình thức đầu tư cho tương lai của con em - phụ huynh cũng không cầu mua những sản phẩm giá rẻ.

Cái phụ huynh cần là những quyển SGK thật sự chất lượng về nội dung, hình thức trình bày đẹp để hấp dẫn học sinh và thiết kế khoa học để có thể sử dụng lại. Tiếc thay, cái mong muốn tưởng bình thường ấy lại chưa bao giờ thành hiện thực khi SGK vẫn được xem là mặt hàng “đặc biệt” nên phải độc quyền từ khâu biên soạn, in ấn cho đến phát hành. Cũng từ sự độc quyền ấy mà chất lượng nội dung SGK ngày càng tệ, hình thức thiết kế thiếu khoa học, năm nào cũng xảy ra tình trạng thiếu sách… 

Sach giao khoa se mai gay that vong neu van doc quyen
SGK làm giá vì lợi dụng cơ chế độc quyền?

Do vậy, hễ đề cập đến SGK, người ta lại phản ứng. Sửa đổi, bổ sung nội dung SGK, thay sách hay tăng giá, dư luận đều phản ứng dù việc “tăng”, “sửa”, “thay” ấy có hợp lý hay không. Phản ứng ấy xuất phát từ nỗi thất vọng, nghi ngờ và thiếu niềm tin.

Nhưng tin làm sao được khi SGK dành cho 22 - 23 triệu học sinh và hàng triệu thầy cô giáo lại quá thiếu ổn định về nội dung (thường xuyên bị chỉnh sửa, bổ sung), thiếu khoa học trong thiết kế (để học sinh viết, vẽ vào sách) khiến hơn trăm triệu bản sách tương đương hơn ngàn tỷ đồng mỗi năm chỉ sử dụng một lần rồi bỏ. 

Mỗi bộ SGK và bài tập từ lớp Một đến lớp 12 có giá từ 186.000 - 350.000 đồng (giá cũ) nhưng chỉ sau một năm là vô dụng thì không thể không xót xa. NXB viện đủ thứ lý do, nhưng “tại sao không thiết kế và biên soạn SGK để sử dụng lâu bền cho nhiều thế hệ” thì không trả lời được. Đó là chưa kể, nội dung sách càng cải cách, đổi mới lại càng thêm nhồi nhét, khiến học sinh phải học thêm liên tu bất tận mà vẫn không thể nắm bắt nổi kiến thức.  

Cho nên, bất luận thế nào, dư luận vẫn cứ tin rằng, NXB đang trục lợi trên SGK. Vấn đề này, cử tri đã nói nhiều, đại biểu Quốc hội cũng đã nghe và bàn nhiều trước khi thông qua Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông với định hướng “một chương trình, nhiều bộ SGK”. Tưởng đâu, nạn độc quyền SGK sẽ được khai tử. Nào ngờ, nó vẫn sống nhăn. 

Như đã nói, dư luận phản ứng, kêu ca, sôi sục không phải từ việc tăng giá SGK hợp lý hay không mà xuất phát từ nỗi thất vọng, nghi ngờ và không có lòng tin vào cơ chế độc quyền SGK. Sự độc quyền ấy từ lâu đã đẩy sự bất lợi, phiền hà về cho phụ huynh học sinh. Vậy nên, chỉ khi nào SGK thực sự trở thành hàng hóa thị trường với sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch từ khâu biên soạn nội dung, in ấn, phát hành, giá cả thì may ra dư luận mới cảm thấy dễ chịu mỗi khi nói về nó. 

Nguyễn Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI