Sách giáo khoa, học phí, gạo... khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nhất trong 5 năm

29/09/2023 - 11:49

PNO - Giá gạo, thực phẩm, xăng dầu, gas, học phí tăng cao là nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9 này tăng 1,08%, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Sáng 29/9, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo về tình hình giá tháng 9, quý III/2023 và 9 tháng đầu năm. Trong đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2023 tăng 1,08%, nguyên nhân được cho là do giá gạo, xăng dầu, giá gas, giá thuê nhà, học phí tăng cao. Đây là mức tăng cao nhất của CPI kể từ năm 2019 tới nay. 

Trong 10 nhóm hàng tăng giá thì nhóm giáo dục được cho là tăng cao nhất với 8,06% so với tháng trước do một số địa phương thực hiện tăng học phí, giá văn phòng phẩm cũng tăng. Trong đó, dịch vụ giáo dục tăng tới 8,99%, sách giáo khoa tăng 2,24%, giá vở, bút, giấy viết cũng tăng gần 1%.

Tiếp đến là nhóm lương thực tăng 3,19% so với tháng trước. Trong đó, giá gạo tăng 4,23% theo giá gạo xuất khẩu do nhu cầu của các nước như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, châu Phi tăng. Hiện giá gạo tẻ từ 14.000-17.000 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 18.000-22.000 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 19.500-22.000 đồng/kg; giá gạo nếp từ 25.000-40.000 đồng/kg. Cũng do gạo tăng giá nên kéo theo các mặt hàng lương thực chế biến, ngũ cốc khác cũng tăng thêm gần 3% so với tháng trước.

Xếp thứ ba trong nhóm tăng giá là chỉ số đô la Mỹ tăng 1,53% so với tháng trước. Vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo giữ nguyên lãi suất trong biên độ từ 5,25 – 5,5%, đẩy lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăn lên mức 4,5% - cao nhất trong 10 năm qua, kéo theo chỉ số đồng USD Mỹ lên 105 điểm – cao nhất kể từ tháng 11/2022 đến nay.

Học phí, sách giáo khoa tăng giá là 1 trong những nguyên nhân khiến CPI tháng 9 này tăng tới 1,08% - mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Ảnh Phương Thanh.
Học phí, sách giáo khoa tăng giá là một trong những nguyên nhân khiến CPI tháng 9 này tăng tới 1,08% - mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây - Ảnh: Phương Thanh.

Nhóm tăng giá khá cao tiếp đến là nhóm vật liệu xây dựng và giao thông. Trong đó có giá gas tăng mạnh 8,37% so với tháng trước sau khi giá gas thế giới tăng, giá dầu hỏa tăng hơn 8%, giá dầu diezen tăng 5,96%, giá xăng 3,54%...

Như vậy so với cùng kỳ năm trước, chỉ số CPI tăng 3,66% và CPI bình quân quý III/2023 tăng 2,89% so với quý trước. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.

Hiện tổng sản phẩm trong nước (GPD) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tăng trưởng GPD 9 tháng ở mức 4,24%, điều này đặt áp lực lên việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Tuy nhhiên, theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GPD quý III này có dấu hiệu tích cực hơn quý I và quý II vừa qua, lần lượt là 3,28% và 4,05%. Trong đó, các ngành đóng góp tích cực vào mức tăng của nền kinh tế là ở các ngành nông nghiệp, thương mại (buôn bán lẻ, vận tải, kho bãi, tài chính ngân hàng, lưu trú, ăn uống), du lịch. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá thấp so với cùng kỳ các năm từ 2011 đến nay.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI