PNO - Để sách giáo khoa lớp Một chứa nhiều “sạn” về ngữ liệu, lỗi không chỉ nằm ở nhóm tác giả, trách nhiệm lớn nhất thuộc về các hội đồng thẩm định và đơn vị quản lý nhà nước đã phê duyệt đưa vào giảng dạy cho học trò.
“Một trong nhiều nguyên nhân khiến những “hạt sạn” trong sách giáo khoa (SGK) đến khi đưa vào sử dụng một thời gian mới phát hiện ra là do quá trình thực nghiệm sách không đầy đủ và khoa học. Tính khách quan của quá trình thực nghiệm sách vẫn là dấu hỏi rất lớn”, tiến sĩ Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục, nhận định.
Bài tập đọc trong sách giáo khoa lớp Một bị cho rằng dạy trẻ thói láu cá, trốn việc
Năm 2000, cả nước thay đổi chương trình và SGK. Lúc đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) là đơn vị đứng ra tổ chức thực nghiệm, có quy mô khá rộng, bài bản. SGK năm 2000 được thực nghiệm trong hai năm, tiếp thu ý kiến, góp ý, chỉnh sửa rồi mới đưa vào sử dụng đại trà. Suốt quá trình giảng dạy sau này, thậm chí vẫn có chỉnh sửa, bổ sung ở những lần tái bản. Trong khi đó, năm bộ SGK lớp Một mới chỉ được thực nghiệm trong vài tháng. Điều đáng nói, tổ chức thực nghiệm không phải là đơn vị độc lập hay quản lý nhà nước mà do nhóm tác giả thực hiện. Vậy chẳng khác nào vừa làm luận văn vừa lấy ý kiến, tự cho nhận xét về luận văn của mình.
Theo tiến sĩ Lê Thống Nhất, cuộc thực nghiệm SGK lần này chỉ diễn ra ở quy mô hẹp, thời gian ngắn. Đứng sau các tác giả sách là các công ty cổ phần. Họ không có điều kiện tổ chức thực nghiệm theo đúng khoa học giáo dục. Vậy quá trình thực nghiệm có khách quan, kết quả có chính xác không? Như SGK lớp Hai hiện nay đã qua đợt thẩm định vòng một nhưng chưa thấy thực nghiệm. Theo lộ trình, sách sẽ được đưa vào sử dụng trong năm học tới, do đó thời gian thực nghiệm sẽ không đủ để đánh giá một cách bài bản và khoa học.
Cùng quan điểm, Giáo sư Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng Thẩm định SGK tiếng Việt lớp Một, cũng cho rằng quá trình thực nghiệm SGK lớp Một còn vội vàng. Nếu được Bộ GD-ĐT tổ chức, quá trình này sẽ khách quan và tốt hơn. “Khi thẩm định sách, một trong những tiêu chuẩn cứng là vấn đề thực nghiệm. Năm bộ sách đều được tổ chức thực nghiệm, nhưng thời gian chỉ có vài tháng. Khi thẩm định, hội đồng hỏi rất cặn kẽ thực nghiệm ở đâu, thế nào, nhóm tác giả đều trình bày đầy đủ. Nhưng chúng tôi cũng không thể kiểm tra từng lớp, từng giáo viên, học sinh để xem mức độ đến đâu”, giáo sư Chừ cho biết.
Hội đồng thẩm định không có quyền bắt sửa?
Sau phản ứng mạnh mẽ của dư luận về ngữ liệu trong SGK Tiếng Việt 1 thuộc bộ sách Cánh diều, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu rà soát lại quyển SGK này. Đây chẳng khác nào hành động “chữa cháy”, bởi trước đó, bộ SGK này đã thông qua Hội đồng Thẩm định quốc gia những hai lần thẩm định. Theo biên bản thẩm định của Hội đồng Thẩm định quốc gia môn tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh diều, kết quả cuối cùng, hội đồng đã có sự đồng thuận cao khi 15/15 thành viên hội đồng đánh giá xếp loại đạt, không có đánh giá đạt nhưng cần sửa chữa.
Truyện Hai con ngựa được cho là không phù hợp để đưa vào sách cho trẻ sáu tuổi
Về ngữ liệu, hội đồng thẩm định đánh giá: ngữ liệu trong sách được lựa chọn nhìn chung kỹ lưỡng, đảm bảo tỷ lệ cân đối, hài hòa, một số ngữ liệu hay, hấp dẫn, phù hợp với trình độ học sinh. Và còn: “Ngôn ngữ sử dụng trong bài học đảm bảo trong sáng, dễ hiểu và tương đối phù hợp với học sinh lớp Một. Trong SGK không sử dụng tiếng Việt cổ, ngôn ngữ thông tục và tiếng nước ngoài chưa được Việt hóa…”.
Để “sạn” còn trên trang sách học trò, có hai trường hợp, hoặc hội đồng thẩm định không biết hoặc biết nhưng đã không làm hết trách nhiệm. Câu hỏi đặt ra là hội đồng nào sẽ thẩm định lại điều mà hội đồng này đã thông qua để đảm bảo khách quan, khoa học?
Trả lời báo chí tối 12/10, Giáo sư Mai Ngọc Chừ khẳng định Hội đồng Thẩm định SGK đã làm việc nghiêm túc, cẩn trọng. Những “hạt sạn” mà dư luận phản ánh, hội đồng đều đã đề cập với nhóm tác giả. Những vấn đề phụ huynh bức xúc như truyện Hai con ngựa; Cua, cò và đàn cá; Lừa, thỏ và cọp… hội đồng đã có khuyến cáo.
Tiến sĩ Lê Thống Nhất dẫn điều 32, Luật Giáo dục năm 2019 nói rằng toàn bộ nội dung, chất lượng SGK hiện nay phải do hội đồng thẩm định sách ở từng bộ môn chịu trách nhiệm. Luật đã đề cập rất rõ, không có dòng nào nói nhóm tác giả phải chịu trách nhiệm cả. Nếu đã có một hội đồng thẩm định cấp quốc gia mà khi có vấn đề lại yêu cầu tác giả sách chịu trách nhiệm là hoàn toàn sai.
Tại điểm 2, điều 32, Luật Giáo dục năm 2019 có quy định về trách nhiệm của Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK như sau: hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hội đồng và thành viên hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.
Biên bản thẩm định sách cũng có ghi rõ rằng hội đồng khuyên nhóm tác giả nên thay những ngữ liệu này bằng các ngữ liệu phù hợp hơn. Nhưng quan điểm của mỗi người khác nhau. Có người cho rằng những câu chuyện đó dạy trẻ khôn lỏi, lừa lọc. Nhưng các tác giả quan niệm khi đứng lớp, giáo viên sẽ dạy trẻ những người lười biếng sẽ bị trả giá, giúp các em rút ra bài học phải sống chân thật, chăm chỉ.
Theo Giáo sư Mai Ngọc Chừ, hội đồng có thể chỉ ra những cái sai, chưa phù hợp để yêu cầu sửa. Những điểm không sai nhưng độ phù hợp chưa cao, hội đồng chỉ có thể khuyến cáo, sửa hay không là quyền của các tác giả. Khi nhóm tác giả không muốn sửa, hội đồng thẩm định không có quyền ép hay sửa thay họ.
Ông lấy ví dụ về từ “nhai” và “nhá”. Nhóm tác giả dùng từ “nhá” và giải thích rằng trẻ chưa học tới vần “ai” nên không thể dùng từ “nhai”, phải thay bằng từ “nhá”. Chương trình tiếng Việt lớp Một lại ưu tiên cho việc dạy âm, vần. Do đó, khi nhóm tác giả bảo lưu quan điểm, ưu tiên dạy âm, vần thay vì chọn từ ngữ phổ biến, hội đồng thẩm định phải tôn trọng, vì điều đó không sai. Đánh giá một quyển SGK có nhiều mức độ: phù hợp cao, phù hợp trung bình, không phù hợp.
Cũng theo Giáo sư Mai Ngọc Chừ, việc của Hội đồng Thẩm định SGK là chỉ ra những điểm sai, yêu cầu bắt buộc nhóm tác giả phải sửa. Đồng thời, hội đồng cũng đưa ra những khuyến cáo về những điểm không sai nhưng mức độ phù hợp không cao. Hội đồng đã khuyến cáo nhưng nhóm tác giả không chỉnh sửa. Bây giờ dư luận phản ứng thì nhóm tác giả chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Để lọt đầy “sạn” ở nhiều sách, lỗi đã không thuộc về nhóm tác giả, mà phải thuộc về những hội đồng thẩm định cấp quốc gia. Sách có phương ngữ, thông tục hay ngữ liệu chưa ổn thì hội đồng phải yêu cầu chỉnh sửa. Nếu tác giả không sửa, hội đồng có quyền không thông qua, đâu thể dàn hàng ngang “qua cửa”. Nếu không, chúng ta cần hội đồng thẩm định gác cửa để làm gì?
Chén, nhá, tớp… là từ phổ thông?
Về những từ như “chén”, “nhá”, “chả”… trên sách Tiếng Việt lớp 1, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đây là từ phổ thông. Có lẽ ông gọi là từ phổ thông vì theo ông, tất cả từ này đều có trong Từ điển Tiếng Việt của giáo sư Hoàng Phê.
Thực ra, không chỉ trong từ điển của giáo sư Hoàng Phê mà các cuốn từ điển tiếng Việt khác, những từ thông tục đều được liệt kê, nhưng sẽ ghi rõ đó là từ thô tục, hay thông tục. Vì vậy, không thể lấy tiêu chí có xuất hiện trong từ điển thì gọi đó là từ phổ thông.
Quê tôi ở Nam Định, nhiều khi người ta vẫn dùng từ “nhá” với nghĩa là “ăn”. Nhưng chỉ những đám lôm côm nói với nhau: “Mày cố mà nhá cho hết cái đống ấy đi”. Một việc gì đó khó khăn, nặng nhọc người ta cũng dùng từ này để diễn tả: “Xem chừng vụ này nhá không trôi!”. Vì là từ thông tục, nên đôi khi người lớn sử dụng để quát trẻ con, chứ trẻ con không được dùng với người lớn. Trong học đường không được phép dùng những từ tương tự.
Với từ “chén” cũng là từ kém văn hóa, thiếu tôn trọng. Người ta có thể nói: “Con mèo chén ba con cá”. Nhưng trong các bài tập Tiếng Việt lớp 1, mèo và cá là con vật được nhân cách hóa thành nhân vật của truyện ngụ ngôn thì không thể dùng từ “chén” một cách mất lịch sự như thế được. Từ thông tục thì nhiều vô kể, nhưng từ thông tục không phải là phương ngữ hay từ phổ thông.
Không nên đánh đồng những từ nào xuất hiện trong từ điển tiếng Việt thì đều cho đó là từ phổ thông.
Nhớ lại khi giáo dục chỉ có hệ lớp 10 là hết phổ thông sao SGK chuẩn thế: Ông dạy bố, bố dạy con, con dạy cháu ... Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa gia đình và dòng họ, vẫn có rất rất nhiều nhân tài cho đất nước. Cái quan trọng là Trên bảo dưới nghe, còn bây giờ trên bảo dưới lắc đầu hoặc phụng phịu. Thiết nghĩ tất cả đều do lỗi của giáo dục. Giáo sư ngày ấy như lá mùa thu, còn bây giờ như nấm sau mưa(!). Ôi! Than ôi!
Bên cạnh dàn thí sinh chất lượng, Royal Speaking Contest của Royal School năm nay còn nhận được sự quan tâm với format mới lạ và nhiều chủ đề tranh biện.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...