Cách dạy truyền đạt tri thức theo SGK: Lợi hay hại?
Không có bài tập về nhà hay trẻ em đến trường chủ yếu vui là chính là mơ ước khá chân thật của nhiều người Việt. Mơ ước ấy dễ hiểu vì thực tế, con em họ đang học hành khổ ải quá trong vòng quay tít mù của thi cử. Vừa vào học một tí đã thấy hết thi giữa kì lại có thi cuối kì. Giữa chừng lại có rất nhiều bài kiểm tra khác.
Người Việt cũng rất ngưỡng mộ những thông tin ở đâu đó trẻ em không có những cuốn Sách giáo khoa thật dày hay không phải làm bài tập về nhà...
Thi thoảng đọc trên báo ở Việt Nam cũng có người viết học sinh ở Nhật thật sướng khi không phải làm bài tập về nhà. Không rõ thông tin này lấy từ đâu trong khi thi thoảng tôi vẫn giúp cậu bé người Việt nhà hàng xóm đang học lớp một ở trường tiểu học Nhật làm các bài tập về nhà.
|
Th.S Nguyễn Quốc Vương: Nên coi SGK chỉ như một phương án tham khảo! |
SGK của Nhật, ví dụ như SGK lịch sử, không chỉ đa dạng, phong phú hơn của Việt Nam mà còn dày dặn hơn cả về lượng và thông tin nó chứa đựng với vô vàn bản đồ, tranh ảnh, tư liệu, hệ thống thuật ngữ tra cứu...
Vấn đề "quá tải" của giáo dục không phải nằm ở chỗ có bài tập về nhà hay không có bài tập về nhà, cũng không phải là nằm ở chỗ cuốn sách dày hay mỏng.
Vấn đề nằm ở chỗ các bài tập đó hay SGK đó được soạn ra nhằm mục đích gì, nó được tính toán như thế nào cho phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lý theo độ tuổi của trẻ và khả năng của từng học sinh. Ngoài ra, cách sử dụng chúng cũng sẽ có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.
Ví dụ ở Việt Nam, người ta dùng SGK để soạn bài dạy theo từng chương, bài với nội dung y hệt và giáo viên luôn lo lắng việc có truyền đạt hết các kiến thức ấy trong 45 phút hay không?
Trong khi ở Nhật, giáo viên có thể chỉ coi SGK lịch sử như là một trong các tư liệu để thiết kế nên các giờ học của riêng mình với kế hoạch học tập bao gồm các chủ đề do học sinh tự xây dựng.
Vì thế, hệ quả của cách dạy truyền đạt tri thức theo SGK sẽ tạo ra các thế hệ học sinh rất thuộc bài và thông kim bác cổ nhưng lúng túng trong đời sống và phát minh ra cái mới vì không có tư duy và kĩ năng tìm kiếm, sàng lọc, sắp xếp, cấu trúc, phê phán thông tin, tái tổ chức nó để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết vấn đề.
Ngược lại, trong cách giáo dục hướng đến huấn luyện cho học sinh phát triển khả năng tư duy và các kĩ năng xử lý, phê phán, tái tổ chức, biểu đạt thông tin, học sinh sẽ có khả năng phát hiện vấn đề, tìm kiếm thông tin mới kết hợp với thông tin, trải nghiệm đã có để giải quyết vấn đề của tư duy hay cuộc sống. Có thể họ không thông kim bác cổ nhưng khi cần họ biết tìm thông tin ở đâu và quan trọng hơn, họ biết phê phán các thông tin mà họ có được thay vì tin tưởng tuyệt đối và coi đó là chân lý bất biến.
Sự phát triển ở trẻ sẽ thuận lợi nhất khi áp lực vừa đủ: Yếu quá thì không đủ kích thích mà mạnh quá thì phá hủy luôn thể chất và trí tuệ, tâm hồn của trẻ. Người hiểu rõ thế nào là đủ xét đến cùng phải là giáo viên trực tiếp giảng dạy và phụ huynh. Vì thế, SGK, chương trình chỉ là một trong nhiều phương án tham khảo mà thôi.
Giáo dục "nhồi nhét", chú trọng tri thức khoa học phổ biến ở Việt Nam
Nhiều phụ huynh xuất phát từ tham vọng chủ quan đã đặt cho con mình áp lực học tập với lượng thông tin đưa vào quá lớn vượt ngưỡng của con khiến cho sức khỏe thể chất và tinh thần của con bị ảnh hưởng. Hậu quả này có thể thấy ngay hoặc cũng có thể chỉ thấy rõ khi người con trưởng thành và phải tự lập.
Khi bị áp lực quá lớn vượt ngưỡng trong một thời gian dài, người ta sẽ có xu hướng bị cùn mòn cảm xúc và mất đi các khả năng giao tiếp xã hội khác - thứ rất cần cho đời sống xã hội trong cuộc sống thường ngày.
Sẽ rất thú vị nếu so sánh sự "quá tải" trong giáo dục Nhật Bản và giáo dục Việt Nam.
Ở Nhật, sau 1945, giáo dục chịu ảnh hưởng lớn của chủ nghĩa kinh nghiệm của J.Dewey, vì thế, chương trình và phương pháp giáo dục con trọng trải nghiệm và các vấn đề đời sống của chọ sinh. Học tập giải quyết vấn đề trở thành hình thái học tập chủ đạo.
Tuy nhiên, sau khoảng 10 năm, khi nền kinh tế Nhật Bản phục hồi và Nhật Bản dần lấy lai sự tự tin trên trường quốc tế, những tiếng nói phê phán giáo dục theo chủ nghĩa kinh nghiệm dâng cao. Cùng với nó là tác động của sự phát triển khoa học kĩ thuật ở Liên Xô, Mĩ đã có ảnh hưởng tới giáo dục học Nhật Bản.
Kết quả là giáo dục Nhật Bản chuyển sang chú trọng tính hệ thống và các tri thức, thành tựu khoa học. Hình thức học tập kiểu khám phá, nghiên cứu, phát hiện được chú trọng.
Tuy nhiên, một, hai thập kỉ sau, cả xã hội cảm thấy mệt mỏi trong vòng xoáy của giáo dục "nhồi nhét". Kết quả giáo dục thong thả (yutori) xuất hiện với chế độ trường học 5 ngày/tuần và cắt giảm thời lượng các môn học.
Một hai thập kỉ sau, các kết quả đo đạc học lực của học sinh cho thấy học lực của học sinh sa sút. Nhiều người cho rằng, đó là hậu quả của giáo dục yutori và giáo dục Nhật lại có xu hướng điều chỉnh kết hợp cả giáo dục mang tính hệ thống lẫn giáo dục dựa trên chủ nghĩa kinh nghiệm. Môi trường trường học cũng cố gắng tạo ra sự dung hòa để làm cho đời sống trường học trở nên vui vẻ và hấp dẫn.
Ở Việt Nam, giáo dục "nhồi nhét" chú trọng tri thức khoa học (thực chất là tri thức giáo khoa) rất phổ biến. Trong khóa trình giáo dục hầu như không có giáo dục đời sống.
Tuy nhiên, cái khác giữa giáo dục nhồi nhét ở Việt Nam và Nhật nằm ở chỗ, trong khi giáo dục ở Nhật chịu tác động của xã hội công nghiệp hóa cao độ-xã hội đòi hỏi sự tối ưu hóa và hợp lý hóa cao độ cũng như ảnh hưởng của lý luận giáo dục học Tây Âu tiêu biểu là Bruner thì ở Việt Nam, giáo dục nhồi nhét chủ yếu chịu tác động của Nho giáo và tâm lý xã hội.
Rất khó có thể tìm thấy dấu vết rõ ràng của những ảnh hưởng tác động tới xu hướng nhồi nhét đó đến từ các học thuyết giáo dục như ở Nhật.
Và nữa, giáo dục Việt Nam đã rơi vào chủ nghĩa bằng cấp và nhồi nhét ngay từ khi rất sớm khi đất nước chưa hề trở thành nước công nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Vương - Nghiên cứu sinh ngành Giáo dục Lịch sử thuộc Đại học Kanazwa (Nhật Bản) Ông Vương là dịch giả của nhiều đầu sách về giáo dục đã phát hành tại Việt Nam: "Cải cách giáo dục Nhật Bản" (tác giả Ozaki Mugen) - NXB Từ điển Bách khoa (2014); "Hướng dẫn học tập môn Xã hội" (Bộ Giáo dục Nhật Bản) - NXB Đại học Sư phạm (2015); "Lịch sử học là gì" (tác giả Odanaka Onaki) - NXB TP.HCM (2016)... |
Nguyễn Quốc Vương