Sách giáo khoa cần một hay nhiều bộ?

20/09/2018 - 06:15

PNO - “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK), có một số SGK cho mỗi môn học” hiểu nôm na là sẽ có nhiều bộ SGK ra đời và cạnh tranh bình đẳng. Đây sẽ là một chương mới cho nền giáo dục nước nhà.

Sách là cửa ngõ để bước đến tri thức. SGK chính là nội dung cốt lõi của giáo dục phổ thông trong từng môn học, theo từng cấp học, phù hợp với chuẩn đầu ra, làm căn cứ cho việc dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục.

Sach giao khoa can mot hay nhieu bo?
Sách giáo khoa

Nghị quyết 88 của Quốc Hội ban hành năm 2014 về đổi mới chương trình, SGK phổ thông, đã nêu rõ: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học”. Dễ hiểu là Nghị quyết này đã mở ra một một chương mới mẻ cho nền giáo dục nước nhà, đó là việc sẽ có nhiều bộ SGK ra đời và cạnh tranh bình đẳng.

Tuy nhiên, đến nay điều ấy vẫn chưa thành hiện thực trong cơ chế “độc quyền” về SGK. Cho nên, SGK dù hay, dù dở thì các địa phương, các trường học và người học cũng không có sự lựa chọn nào khác.

Còn nhớ, năm học 2006-2007 là năm học đầu tiên triển khai đại trà phân ban Trung học phổ thông trên toàn quốc với hai bộ SGK chuẩn và SGK nâng cao ra đời, nhưng vẫn do Bộ GD-ĐT độc quyền biên soạn. Theo đó, ước định có 60% học sinh theo học ban cơ bản, 30% theo học ban khoa học tự nhiên và 10% học ban khoa học xã hội. Cũng từ năm học này, ngoài khái niệm “phân ban” còn có thêm một khái niệm mới là “phân ban kết hợp với tự chọn”.

Sach giao khoa can mot hay nhieu bo?
Học sinh THCS- THPT trong một buổi sinh hoạt ngoài lớp học

Tuy nhiên, ngay từ khi sử dụng, chương trình phân ban đã vấp phải nhiều hạn chế: không thể tổ chức dạy học phân hoá; không đủ các điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng cho dạy thật, học thật khi phân hoá; đề thi và cách thi vẫn như cũ… Thế cho nên, đến năm 2013 chương trình phân ban hoàn toàn thất bại và Bộ GD-ĐT đã tổ chức kỳ thi quốc gia với đề thi chung, không phân hóa!

Có thể khẳng định, bộ SGK phân ban là một lỗi nghiêm trọng của việc biên soạn chương trình và SGK khi chưa định hình được đầu ra cho chiến lược giáo dục.

Từ năm 2017 đến nay, Bộ GD-ĐT tiến hành hình thức thi trắc nghiệm tất cả các môn, trừ môn Ngữ Văn, tích hợp các môn trong tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Những thay đổi liên tục diễn ra nhưng lại chưa có sự chuẩn bị chu đáo và cần thiết, dẫn đến nhiều bất cập. Hàng loạt các cá nhân, tập thể đã tự biên soạn những câu hỏi trắc nghiệm không được chuẩn hóa. Các cơ sở giáo dục và các địa phương cũng không có đủ một ngân hàng câu hỏi với với số lượng câu hỏi đủ lớn.

Điều này dẫn đến một thực trạng là trên thị trường, nhiều chỗ xuất hiện tình trạng thầy cô bán tài liệu trắc nghiệm do mình soạn; giới con buôn lợi dụng để kinh doanh kiếm lời. Đã có những GV cố gắng biên soạn tài liệu cho học sinh, nhưng đó là giải pháp tình thế và không đạt được những yêu cầu chuẩn. Rất nhiều vấn đề vẫn tồn tại ngổn ngang.

Sach giao khoa can mot hay nhieu bo?
Không ít học sinh chán ngán với việc học hành

Những cuộc thay đổi luôn với lý do hướng đến sự hoàn chỉnh, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, làm SGK theo lối bao cấp (Nhà nước rót tiền, Bộ độc quyền biên soạn, Nhà xuất bản Giáo dục độc quyền in và phát hành) như bấy lâu thường rơi vào chủ quan, hoặc lợi ích nhóm…

Hậu quả là trải qua bao lần cải cách, thay đổi, nhưng nội dung SGK thì vẫn không được giảm tải mà ngày càng thêm nặng, thêm khó, và đặc biệt là không gắn kết thực tiễn nên không đạt được những kỳ vọng ở đầu ra. Trong khi, mục tiêu cuối cùng của giáo dục chính là ở chất lượng đầu ra, đó là học sinh nắm vững những kiến thức nền tảng; có kỹ năng để hoà nhập vào cuộc sống, làm việc và phát triển; có khả năng giải quyết những vấn đề của đời sống…

Đáng buồn hơn, những quan điểm về cải cách giáo dục trong suốt nhiều năm qua rất ấu trĩ và nặng tính cơ học, kiểu như: giảm tải tức là giảm tiết, giảm bài; giảm bài này, môn này nhưng lại bù bằng bài khác, môn khác; tăng chất lượng giáo dục bằng tăng lượng kiến thức dạy, tăng số tiết cho môn học.

Chẳng hạn, vào đầu năm học 2011- 2012, với quyết tâm giảm tải cho học sinh, Bộ GD- ĐT đã có hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học ở bậc học bằng cách cắt giảm một số đơn vị kiến thức trong SGK. Tuy nhiên lượng kiến thức được điều chỉnh giảm không đáng kể.

Sach giao khoa can mot hay nhieu bo?
Sau nhiều lần trì hoãn tiến độ, bộ SGK mới dự kiến sẽ được sử dụng vào năm học 2019- 2020

Tôi cho rằng giáo dục trước tiên là giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc, lòng tự hào dân tộc; tổ chức các hoạt động nhằm giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động gắn kết cộng đồng, bên cạnh việc học kiến thức nền tảng.

Muốn thế, chương trình giáo dục phải thiết kế nội dung môn học ở mức cơ bản và có tính thực tiễn để học sinh dễ tiếp thu; để học sinh có nhiều thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cuộc sống, gắn kết yêu thương gia đình, cộng đồng.

Chuyện cứ tưởng là đương nhiên, nhưng nếu việc biên soạn SGK vẫn chưa được xã hội hoá thì nó rất khó trở thành hiện thực.

Lâm Vũ Công Chính

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI