Giá sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 cho năm học mới sẽ đắt hơn sách cũ gấp 2 - 3 lần. Đây là chuyện không mới, đã được Nhà xuất bản Giáo dục công bố và đã từng khiến rất nhiều phụ huynh học sinh lo lắng trên hành trình “mua chữ cho con”. Đáng tiếc là trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã gần như không đưa ra được giải pháp nào đáng kể mà chỉ giải thích vì sao sách đắt - vì khổ to, giấy đẹp - điều các doanh nghiệp đã nói và nay “thầy” Sơn gần như chỉ nhắc lại.
|
Giải pháp “Sách giáo khoa 0 đồng” sẽ cất bớt gánh nặng khỏi đôi vai của cả triệu gia đình có con em đi học |
Không rõ Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có biết, trong lĩnh vực in ấn sách nói chung (bao gồm cả sách giáo khoa), khi số bản in lên đến đơn vị vài trăm ngàn bản thì tỷ lệ chi phí của loại giấy hay khổ giấy chỉ còn là con số nhỏ trong tổng chi phí của một cuốn sách. Mà, kể cả trong trường hợp sách thực sự phải đắt đỏ đến thế, xin hiến kế cho Bộ trưởng giải pháp “Sách giáo khoa 0 đồng”, để cất bớt gánh nặng khỏi đôi vai của cả triệu gia đình có con em đi học. Giải pháp ấy, thực chất cũng không có gì mới mẻ, đã từng hiện hữu trong hệ thống giáo dục của chúng ta và đã cho thấy tính ưu việt của nó: cho học trò mượn sách thay vì buộc phải mua.
Đã từng có một thời, vào đầu năm học mới, trừ các gia đình khá giả muốn có bộ sách mới dùng riêng cho con em, hầu hết học sinh sẽ đăng ký mượn sách giáo khoa từ thư viện trường để học và trả lại khi năm học kết thúc, để các em khóa sau tiếp tục mượn dùng. Chi phí mượn sách từ thư viện gần như không đáng kể.
Vì là sách mượn, đám học trò như chúng tôi thuở bé được dạy dỗ phải giữ gìn sách vở cẩn thận, sạch sẽ. Nếu viết, vẽ bậy vào sách hoặc làm rách sách thì sẽ phải bồi thường. Chỉ bằng một động tác đơn giản như thế, biết bao nhiêu gia đình sẽ bớt lo, học trò được rèn tính cẩn thận, biết trân trọng tri thức và có ý thức về sự trao truyền.
Tất nhiên, sách có tốt đến thế nào thì dùng một thời gian cũng sẽ hỏng, nhưng chi phí bổ sung, thay mới một số sách ở thư viện chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều lần so với việc mỗi năm lại có cả triệu học sinh ở các cấp học phải mua sách mới rồi sau đó… bán ve chai. Có đem làm từ thiện - gửi sách về vùng sâu vùng xa thì hàng năm vẫn sẽ có rất nhiều gia đình phải mua sách mới cho con em. Đó là sự lãng phí cực lớn nguồn lực xã hội trong bối cảnh đất nước ta còn nghèo, từng khoản chi tiêu đều phải cố gắng tiết kiệm.
Tất nhiên, các nhà xuất bản, doanh nghiệp làm sách giáo khoa sẽ không thích giải pháp “0 đồng” nêu trên, bởi họ cần và phải bán sách, bán càng nhiều càng tốt mới có lợi nhuận và lợi nhuận cao. Nhưng xin nhớ cho rằng giáo dục là một câu chuyện hoàn toàn khác, liên quan mật thiết đến tương lai một quốc gia, vận mệnh một dân tộc.
Để thay đổi tương lai, không gì tốt hơn con đường tri thức, học thuật. Nhà nước hoàn toàn có thể dành một khoản ngân sách (hoặc vận động các nguồn lực khác) để mua vài chục bộ sách giáo khoa đưa vào các thư viện trường. Khoản đầu tư một lần này chắc chắn hữu ích hơn, tiết kiệm hơn so với việc chia nhỏ gói đầu tư ấy và đổ lên mọi gia đình có con em trong độ tuổi phổ thông.
Phạm Thành Nhân