"Sách được sáng tác rất nhiều nhưng cho cũng không ai lấy"

23/08/2022 - 14:53

PNO - Làm sao để sáng tác được tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật đáp ứng nhu cầu xã hội – nói dễ hiểu là tác phẩm cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và thị trường – lại một lần nữa được xới lên tại tọa đàm do Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TPHCM tổ chức vào sáng 23/8. Đây là hoạt động khởi động cho Trại Sáng tác năm 2022 với chủ đề “Thành phố tôi” diễn ra tại Cần Giờ từ ngày 24 đến 27/8.

 

Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TPHCM Nguyễn Trường Lưu trăn trở về hiệu quả đầu tư sáng tác.
Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TPHCM Nguyễn Trường Lưu trăn trở về hiệu quả đầu tư sáng tác.

“Thời gian qua, có rất nhiều vấn đề đặt ra đối với văn học nghệ thuật TP, trong đó có việc đầu tư chưa xứng đáng. Nhưng qua 2 nhiệm kỳ tham gia Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TPHCM, tôi cho rằng, chúng ta đầu tư nhiều đấy, kể cả từ trung ương tới TPHCM, nhưng vấn đề là chúng ta đã đầu tư đúng chưa, sử dụng đầu tư hợp lý chưa?” – Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TPHCM, đã mở đầu tọa đàm với câu hỏi đầy trăn trở.

Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TPHCM nêu thực trạng số sách từ các trại sáng tác được đầu tư in rất nhiều nhưng không bán và cho cũng không ai lấy. “Vừa rồi, Liên hiệp có gửi văn bản cho các hội thành viên có nhu cầu nhận số sách đầu tư sáng tác này không, nhưng chưa thấy hội nào phản hồi. Tôi hỏi mấy anh chị văn phòng có thích không thì cho mang về, không anh chị nào lấy… Hay như có tác phẩm sân khấu đầu tư hơn 1 tỷ đồng diễn 5 suất ở Bình Chánh, tôi xuống Bình Chánh tìm hiểu thì người đi coi được chính quyền huy động từ lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên cho đủ 5 suất. Vở diễn ấy không đi vào xã hội được. Quảng bá mà cứ như vậy thì không ổn chút nào” – ông Nguyễn Trường Lưu chia sẻ thực tế.

“Thế thì chúng ta thực sự có tác phẩm hay, tác phẩm đẹp, tác phẩm có tính nghệ thuật chưa? Tác phẩm khi có tính nghệ thuật cao rồi thì bản thân nó đã có tính tư tưởng nằm trong đấy rồi. Mong rằng với tinh thần là người sáng tác, chúng ta lại xới lên vấn đề để tìm được con đường cho cá nhân mình có được tác phẩm tốt” – ông Nguyễn Trường Lưu nói.

Nhà báo Thanh Hiệp cho rằng sân khấu xã hội hóa rất cần sự tiếp sức của Nhà nước qua hình thức đặt hàng hoặc trợ giá vé.
Nhà báo Thanh Hiệp cho rằng sân khấu xã hội hóa rất cần sự "tiếp sức" của Nhà nước qua hình thức đặt hàng hoặc trợ giá vé

Nhà báo Thanh Hiệp, Trưởng ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TPHCM, chia sẻ về thực trạng khó khăn của sân khấu TPHCM, đặc biệt là các sân khấu xã hội hóa trong thời gian qua và cho rằng đã đến lúc “không thể để các sân khấu xã hội hóa tự bơi” nữa. Nhà báo Thanh Hiệp nêu giải pháp Nhà nước có thể tiếp sức cho các sân khấu xã hội hóa bằng hình thức đấu thầu hoặc đặt hàng tác phẩm qua thẩm định các đề cương dàn dựng để các đơn vị có nguồn đầu tư xứng tầm, đáp ứng định hướng của Nhà nước mà cũng tiếp cận được công chúng. Ngoài ra, cũng có thể trợ giá vé cho các tác phẩm tốt phục vụ được công tác tuyên truyền về nhiều mặt để đưa tác phẩm đến rộng rãi công chúng.

Ở góc độ quy hoạch - kiến trúc, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, cho biết, kế hoạch lớn của TPHCM về việc quy hoạch và phát triển khu vực ven sông Sài Gòn với định hướng tái lập không gian xanh kết nối không gian nghệ thuật của TP chính là đáp ứng nhu cầu xã hội khi TP hiện đang rất thiếu không gian xanh. “Theo lãnh đạo TPHCM thì đây có thể là công trình của vài nhiệm kỳ và cần sự chung tay của toàn TP, đặc biệt là các nguồn lực xã hội. Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật và các hội thành viên cũng cần nghiên cứu để có những đóng góp cụ thể cho công trình lớn này”, ông Ngô Viết Nam Sơn phát biểu.

Nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho rằng, tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật trước hết phải là tác phẩm hay và tác phẩm hay thì mới đáp ứng nhu cầu xã hội. “Tác phẩm hay thì hoàn toàn dựa vào tài năng của người nghệ sĩ. Sáng tác vốn mang dấu ấn cá nhân. Nhưng hiện nay, nhìn lại thì tài năng văn học nghệ thuật của chúng ta ra sao? Theo tôi, tác phẩm hay còn phải có người trẻ, chứ chúng ta ngồi đây thì “già” quá…” – nhà văn Bùi Anh Tấn thẳng thắn nhận định.

Đạo diễn Lâm Lê Dũng cho rằng, đáp ứng nhu cầu xã hội là một mặt trận phức tạp cần phân định và phân công cụ thể. “Phân định đối tượng và nhu cầu hưởng thụ, giải trí hay học thuật hàn lâm. Phân công lực lượng và năng lực đội ngũ nghệ sĩ sáng tác phù hợp với nhu cầu đó và đương nhiên thị trường sẽ quyết định điều này dù có muốn áp đặt hay không áp đặt. Ví dụ, nhu cầu của ông quan hay của người trẻ, một bà nội trợ hay một giáo sư… là hoàn toàn khác nhau. Không thể đòi hỏi nghệ sĩ phải bao trọn nhu cầu của mọi đối tượng xã hội được. Dù vô tình hay cố ý suy xét thì một bản nhạc tình bolero xuất sắc vẫn có giá trị như một bản giao hưởng đồ sộ bởi sự phân định theo nhu cầu của loại người thưởng thức…” – đạo diễn Lâm Lê Dũng nêu quan điểm.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền nêu quan điểm tác phẩm có giá trị thực sự sẽ đáp ứng được nhu cầu xã hội.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền nêu quan điểm tác phẩm có giá trị thực sự sẽ đáp ứng được nhu cầu xã hội

Phát biểu tại tọa đàm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền cho rằng, văn nghệ sĩ được xem như chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Do đó, sáng tác phải thể hiện được lòng yêu nước, thực sự gắn bó với người dân, có trách nhiệm cao về việc phục vụ đất nước, dân tộc.

“Theo tôi, tác phẩm có giá trị nghệ thuật không thể không nói đến những vấn đề vận hội, thời cuộc của đất nước. Như đại dịch COVID-19 vừa qua, nếu không có sự tập trung đóng góp của văn nghệ sĩ thì cũng rất khó khăn. Tác phẩm hay thì phải gắn bó với những sự kiện, những ngóc ngách xã hội, những thân phận con người như một tấm gương phản ánh thực tế xã hội. Nếu người nghệ sĩ không tâm huyết, không toàn tâm toàn ý, không khát khao viết một tác phẩm giúp con người có sự tìm tòi, hiểu biết, hướng đến chân - thiện - mỹ thì không thể có tác phẩm có giá trị. Tác phẩm tác động đến tư tưởng để con người có bản lĩnh vượt qua khó khăn, thử thách chính là tác phẩm có giá trị thực sự”, ông Nguyễn Thọ Truyền nêu quan điểm về tác phẩm có giá trị và chỉ khi có giá trị sẽ đáp ứng được nhu cầu xã hội…

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI