Sách dịch: Bao giờ bớt sai sót?

24/04/2013 - 07:00

PNO - PN - Một lần nữa, từ “loạn dịch” lại được nhiều người đề cập đến, khi tập truyện ngắn Những thứ họ mang (Trần Tiễn Cao Đăng dịch) gây ồn ào trong những ngày qua.

Những thứ họ mang (Tim O’Brien) là một tập truyện ngắn nổi tiếng thế giới về chiến tranh Việt Nam, được phát hành tại Việt Nam vào năm 2011 bởi Công ty Nhã Nam với bản dịch của một dịch giả nổi tiếng là Trần Tiễn Cao Đăng (từng nhận giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội cho tác phẩm Biên niên ký chim vặn dây cót của Haruki Murakami, năm 2007). Dẫu thế, vấn đề dịch thuật cuốn này đã bị phản ứng mạnh của cộng đồng mạng về một câu nói tục tĩu được diễn giải một cách đầy đủ chữ. Trao đổi về vấn đề này, đại diện Công ty Nhã Nam vẫn bảo lưu quan điểm và cho biết: “Chúng tôi cho rằng nếu thay những từ nguyên gốc bằng những chữ viết tắt, như “Đ.M.”, hay “l.” v.v… khi người đọc tiếp nhận và xử lý thông tin, phải “hoàn nguyên” từ gốc một lần nữa, như thế thành ra hai lần “tục”. Việc viết các từ tục dưới dạng viết tắt, theo chúng tôi, là một thói quen biên tập né tránh và “lợi bất cập hại”. Nhìn rộng ra các ngôn ngữ khác, cũng rất ít NXB nào trên thế giới còn dùng cách biên tập này”.

Sach dich: Bao gio bot sai sot?

Sach dich: Bao gio bot sai sot?

Câu tục tĩu bị dư luận phản ứng trong trang sách Những thứ họ mang

Thực tế, Những thứ họ mang không chỉ gặp vấn đề quan điểm về việc chuyển ngữ những câu tục, mà vấn đề đã được đẩy đi xa hơn khi nhiều lỗi dịch sai của dịch giả được phát hiện. Chỉ đối chiếu một trang đầu tiên giữa bản tiếng Việt và tiếng Anh, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn đã phát hiện gần chục lỗi dịch sai, cụ thể: “a can of Dr. Scholl’s foot powder” không thể dịch là “một lon bột bôi chân của bác sĩ Scholl's” mà phải là “một hộp bột bôi chân hiệu Dr.Scholl’s” vì Dr.Scholl’s là một thương hiệu, không phải tên một ông bác sĩ nào đó; “stolen on R&R in Sydney” thì không phải là “thó được ở Trung tâm nghỉ ngơi giải trí dành cho quân nhân ở Sydney” mà nên dịch là “thó được trong chuyến đi nghỉ xả hơi ở Sydney” vì R&R là các hoạt động cho quân nhân “xổng chuồng” đi xem phim, bar, cà phê ngoài doanh trại… Điều đáng nói là các lỗi nêu trên, không phải không được nhận ra bởi đơn vị phát hành. “Các lỗi nêu trên, cùng một số lỗi khác đã được chúng tôi phát hiện qua công tác hậu kiểm, cũng như từ những phản ảnh của bạn đọc, chủ yếu là qua trang facebook của Nhã Nam. Tuy nhiên, đáng tiếc là Những thứ họ mang không phải là một cuốn bán chạy, sách in từ 2011 đến giờ vẫn còn, nên chúng tôi chưa có điều kiện tái bản và sửa chữa”, Công ty Nhã Nam cho biết.

Cái sai của Những thứ họ mang không hề xa lạ đối với bộ mặt văn học dịch Việt Nam vốn đầy rẫy những lỗi, trong đó có nhiều lỗi đến mức ngớ ngẩn như “bố em chết vì bị ung thư tử cung” của dịch giả Cao Việt Dũng (tác phẩm Hạt cơ bản). Tình trạng phải thu hồi sách để sửa chữa vì mắc lỗi về dịch thuật cũng không hiếm, gây xôn xao nhất là cuốn Bản đồ và vùng đất do Cao Việt Dũng dịch với hàng ngàn lỗi, bị thu hồi ngay tại Hội sách 2012. Tuy nhiên, sau bao nhiêu năm, những tồn đọng của dịch thuật vẫn không hề được giải quyết bởi một động thái rốt ráo nào từ những người làm nghề và từ các cơ quan quản lý, dù đã có không ít cuộc hội thảo diễn ra. Đề xuất về một Hội Dịch thuật đã từng được dịch giả Thúy Toàn đề cập, nhưng không thực hiện được. Những cây viết phê bình về văn học dịch cũng thiếu vắng, mà nguyên nhân lớn nhất được chính người trong nghề mổ xẻ là… ngại đụng chạm. Một cách nào đó, văn học dịch Việt Nam đang bị thả nổi, dù theo thống kê của Cục Xuất bản, sách dịch hiện chiếm đến 70% thị trường sách văn học. Điều đáng nói là ngay trong Hội Nhà văn Việt Nam xưa nay vẫn đang tồn tại một Hội đồng dịch thuật văn học, nhưng Hội đồng này gần như không có vai trò gì đối với giới dịch thuật.

Tháng 7/2013, Luật Xuất bản mới sẽ bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, khi một cuốn sách có sai sót về nội dung, biên tập viên sẽ chịu trách nhiệm và trách nhiệm không chỉ thuộc về đơn vị cấp phép như trước nay nữa mà còn xem xét đối với công ty liên kết. Biện pháp rút chứng chỉ biên tập viên khi xảy ra sai sót nhiều lần, cũng như rút giấy phép kinh doanh đã được đề cập trong Luật Xuất bản mới, nhưng với tình hình hiện tại, việc bao giờ sách dịch thôi sai sót vẫn rất khó để trả lời.

 Võ Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI