Sách của con trai nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Vừa phát hành đã "hot"

02/02/2021 - 07:01

PNO - Chiều muộn 25/1, người viết ghé qua gian hàng sách Kim Đồng tìm ''Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm'' - cuốn sách mới phát hành của cây bút nhí Cao Khải An. Nhân viên bán hàng tươi cười bảo, quyển sách này vừa lên kệ đã được mua hết. Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm chỉ mới được phát hành trước đó một ngày.

Những câu chuyện nhỏ khi bật cười, khi cay mắt
Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm (Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành) bắt đầu bằng câu chuyện về ông bà ngoại của cậu bé tên Bắp - nhân vật chính. Ông ngoại có sở thích đánh trống vào buổi trưa, làm ồn cả xóm không ai ngủ được. Vậy là cậu bé “ủ mưu” nhân lúc ông ngoại ngủ, đã trộm bộ trống và quăng xuống mương.

Cao Khải An có cách kể chuyện dí dỏm, những chuyện thường ngày của người già trong cuộc sống nông thôn cũng có thể trở thành “chi tiết đắt” cho cây bút 12 tuổi này. Cứ thế mà tác giả hoàn thành một “liên truyện” với những mẩu chuyện khác về ông già mang tên Đặt Đi, về thằng bạn Năm Mối Tình; chuyện Bắp bị rắn cắn mà tưởng mình bị ung thư gan bèn viết sẵn di chúc chia gia tài, viết giấy chứng tử cho cá; khi thấy mình cũng có những triệu chứng như dì Út đang mang thai thì tưởng mình sắp sinh con với chú chó Sú mà cậu bé hay ôm ấp; rồi để “khác biệt với đám đông là thành công”, Bắp tự lột sạch quần áo và đi ra đường…

Cây bút nhí Cao Khải An và tác phẩm đầu tay - Ảnh: nhân vật cung cấp
Cây bút nhí Cao Khải An và tác phẩm đầu tay - Ảnh: nhân vật cung cấp

Bắp lém lỉnh, tinh nghịch, thông minh và cũng giàu tình cảm. Có lúc tác giả khiến người đọc bật cười, nhưng cũng có khi cay mắt bởi những chi tiết nhẹ nhàng nhưng lắng đọng. Cuốn sách chỉ 100 trang (đã bao gồm tranh minh họa), nhưng gói gọn trong đó là thế giới tuổi thơ trong trẻo, của tình cảm gia đình, bạn bè, những yêu thương hồn hậu. Ngôn ngữ trong truyện của Khải An cũng đậm dấu ấn phương ngữ miền Tây Nam Bộ, như cách dùng những từ: “nhứt”, “chớ”, “miết”, “miệt”, “mèn ơi”, “cay thấu trời”, “thiệt hông”, “bóc lủm”…

Bản thảo Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm từng được trao giải Dế Mèn lần 1 năm 2020 (hạng mục Khát vọng Dế Mèn, giải thưởng thường niên nhằm trao cho các tác phẩm sáng tác dành cho thiếu nhi do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức, lễ trao giải diễn ra vào tháng 9/2020). Điều đặc biệt khiến tác phẩm được chú ý hơn cả, có lẽ vì Cao Khải An là con trai của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Khó tránh khỏi việc nhiều người nghĩ rằng “cái bóng” quá lớn của mẹ “đổ” vào con. “Lần đầu đọc bản thảo của bạn ấy, tôi có mắc cười và hơi bất ngờ. Tôi cũng góp ý, chỉ ra những chỗ mắc lỗi. Nhưng việc sửa là của bạn ấy. Sửa chưa ưng thì sửa tiếp. Bạn cũng không có thuận lợi vì có mẹ là Nguyễn Ngọc Tư, tôi vẫn thường nói với bạn như vậy. Cái gì cũng có hai mặt của nó” - nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bày tỏ. 

“ Mẹ nói con còn cả đời để viết"

Khải An bắt đầu viết sách vào dịp COVID-19, khi nghỉ học vì phải cách ly xã hội. Ở nhà, ngoài việc chơi với cây đàn và “đi ra đi vô chơi với ông bà ngoại”, An bắt đầu “lục lọi” tủ sách của mẹ, đọc mải miết rồi… lăn ra viết sách.

“Con viết mấy cái truyện nhỏ nhỏ, cái mẹ con nói sao không viết luôn một cuốn sách cho rồi. Hết cách ly, đi học lại là con viết xong” - từ Cà Mau, Cao Khải An bày tỏ. Cậu cũng tự gửi bản thảo dự giải Dế Mèn bằng email của mình, ban tổ chức không biết tác giả là con trai của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Giải thưởng khuyến khích sáng tác, cũng là một minh chứng cho giá trị thật của tác phẩm, được viết bởi cậu bé sinh năm 2009. 

 

Tuổi thơ của nhân vật Bắp trong sách đầy ắp những câu chuyện dí dỏm, thú vị. Còn tuổi thơ của An, cậu chỉ “tự bạch” đôi dòng: con sống ngay ở quê nhà, chớ không có đi đâu xa (dù rất thích đi chơi xa với mẹ). Trong bìa gấp cuốn sách, thông tin về tác giả được gói gọn bằng “Truyền thuyết của bà ngoại”: Tên cúng cơm là Cao Khải An, sanh ở trong thùng rác, có kèm theo một tờ giấy, ghi là sanh ngày 25 tháng Một năm 2009, và con được ba má nhặt về… Bà ngoại cũng là nhân vật xuất hiện xuyên suốt, đầy yêu thương trong Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm.

Tuy nhiên, cả hai hình ảnh nhân vật “ông bà ngoại” trong tác phẩm đều là hình ảnh tổng hợp những kỷ niệm, ký ức, tưởng tượng của tác giả về những người già ở quê. Bạn của cậu bé ngoài đời phần nhiều là người già chứ không phải trẻ nhỏ. Qua lăng kính trẻ thơ, thế giới người già hiện lên trang viết cũng vô cùng hài hước. An đã viết bằng cả sự thấu hiểu và yêu thương.

Khi sách được phát hành, ông bà ngoại “thật” ngoài đời là người vui nhất. Cậu bé chưa từng trải qua mất mát, nhưng cách cậu viết về sự ra đi của nhân vật bà ngoại trong tác phẩm, khiến người đọc ngỡ ngàng vì những cảm nhận vô cùng sâu sắc: “Đúng là bà ngoại còn sống thật. Ở trong cái tính hay quên của mẹ, trong cái cây ngoại trồng, trong gương mặt của dì Út. Hay trong mấy món ăn mà mợ Ba nấu đãi cả nhà, món nào cũng mang hương vị đậm đà đặc trưng của bà ngoại”. 

Lục Diệp

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI