Sách Cánh Diều đang giáo... hại tương lai?

09/10/2020 - 18:38

PNO - Nếu như ngày trước chúng ta được học những bài học vỡ lòng có ngôn từ trong sáng, dễ hiểu, giàu tính giáo dục thì những đứa trẻ lớp 1 hôm nay đang học những trang sách có nhiều "sạn”.

Những hạt sạn đầu tiên trong một số đầu sách giáo khoa (SGK) mới vừa đưa vào giảng dạy là quá nhiều phương ngữ miền Bắc. SGK vốn là “pháp lệnh” mang tính đại chúng thì ngôn ngữ cũng phải là từ toàn dân và phổ thông. Thế nhưng, SGK Cánh Diều lớp 1 lại nhan nhản từ địa phương Bắc bộ và còn là ngôn ngữ thông dụng… của thế hệ trước. Những bễ, đe (các bộ phận của lò rèn); Thỏ la cà nhá cỏ (nhai cỏ), tết nơ (thắt bím tóc)… đến người trưởng thành, biết chữ cũng chịu bó tay.

Nhiều sự vật trong đó, như lò rèn, trẻ con chưa từng thấy thì giải thích thế nào cho chúng hiểu? Lứa trung niên còn ú ớ, mù mờ thì bắt những đứa trẻ của thế hệ tương lai học, hiểu là sự khiên cưỡng.

SGK của thời 4.0 đâu thể lại quay về kiểu học chay - đọc chép, không hiểu vẫn phải học để trả bài cho thầy cô. Những khái niệm hay phản ánh thời đại thì không thấy, lại “làm khó” nhau bằng cách mỗi khi mở SGK phải mở kèm từ điển.

Một bài tập đọc trong SGK Cánh Buồm
Một bài tập đọc trong SGK Cánh Diều

Nhưng, “sạn” cỡ đó thì… tuổi gì! Cũng trong quyển SGK này, người ta còn hết hồn khi bắt gặp không ít những bài tập đọc trích những câu chuyện không rõ thông điệp giáo dục muốn truyền tải.

Lấy ví dụ ở bài 63 trong sách Tiếng Việt, nhan đề “Cua, cò và đàn cá” có nội dung như sau: “Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà: Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết.

Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần dần chén hết đàn cá”.

Rồi bài 88 có nội dung đại ý bác nông dân có hai con ngựa, ngựa tía biếng nhác, ngựa ô làm lụng vất vả. Ngựa tía thắc mắc với ngựa ô: “Chị làm hùng hục như thế để làm gì?”. Ngựa ô trả lời không làm thì ông chủ mắng. Ngựa tía bày: “Chủ mà giục em, em sẽ trốn”…

Không hiểu lý do các nhà sư phạm lấy những câu chuyện có tính chất mưu mẹo, lười biếng, gian xảo, ranh mãnh… để học trò đọc và học là muốn truyền tải thông điệp gì? Và nếu chịu khó ngồi nhặt thì chắc “sạn” sẽ không chỉ có bấy nhiêu.

Tôi cho rằng, đưa những bài học như thế vào SGK dạy trẻ là không an toàn. Sự nguy hiểm đâu phải chỉ có thân thể, mất an toàn cho nhân cách của những đứa trẻ mới thực đáng sợ và cần phải có chốt chặn bảo vệ. Dạy một đứa trẻ khác nào trồng một cái cây, bạn uốn nắn thế nào nó sẽ trưởng thành theo cách ấy. Bắt trẻ học những bài học thiếu ngay thẳng thì khác “vẽ” vào tờ giấy trắng những nét loang lổ, xấu xí.

Cứ cho rằng, truyện ngụ ngôn sẽ có những bài học được rút ra từ cái xấu, từ sự châm biếm. Nhưng đó là nguyên lý tiếp thu của người trưởng thành, có một nền tảng nhận thức nhất định. Trong khi não bộ của một đứa trẻ 6 tuổi chưa đủ khả năng để suy xét đặt ngược lại vấn đề. Ở lứa tuổi này, mỗi câu chuyện, bài học sẽ được tiếp nhận một cách đơn giản và nguyên thủy nhất, ám thị và sẽ là cách ứng xử sau này. Một bác sĩ tắc trách có thể hại chết một bệnh nhân, nhưng giáo dục đưa ra tình huống sai thì cách ứng xử của thế hệ tương lai là gì, nhắm mắt vẫn có thể hình dung được.

Còn nhớ, những quyển SGK ngày trước mà cha mẹ, anh chị chúng ta học, dù không tốt nước sơn nhưng thật sự là một loại gỗ quý. Hình thức tuy có thô sơ giản dị, sách Toán hay Tiếng Việt đều chỉ có chữ đen in trên nền giấy trắng ngà, không màu sắc sinh động, không trắng tinh bóng loáng như những quyển sách mới mắc tiền. Nhưng, mỗi bài học trong sách được lựa chọn kỹ càng, giàu tính giáo dục, ngôn từ trong sáng, dễ hiểu, vần điệu nhịp nhàng... dù có qua bao năm vẫn dễ dàng đọc lại vanh vách. Nó không chỉ là một phần ký ức mà còn là dấu ấn, là tài sản của thế hệ đi trước. Vậy, dấu ấn của thế hệ tương lai trưởng thành từ những trang sách, bài học đầy “sạn” này sẽ là gì? Câu hỏi này xin nhờ các nhà biên soạn SGK giải đáp!

Mỗi một bộ sách đều có hội đồng thẩm định chuyên môn. Để quyển sách ấy được phép đưa vào giảng dạy còn cần cái “gật đầu” của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Để quyển sách ấy đến tay học trò còn phải trải qua lần sàng lọc của Hội đồng chọn SGK của các trường. Có thể nói luật đã quy định ra hàng hàng lớp lớp hàng rào bảo vệ nhưng thực tế lại không chắn được những hạt sạn to đùng trên từng trang sách của học trò. Chẳng lẽ những cuộc thẩm định chỉ là hình thức hời hợt? Xin hỏi, trách nhiệm này thuộc về ai?

Cải cách, đổi mới là mong muốn đem đến những cái mới có giá trị tốt đẹp và vượt trội hơn so với cái cũ. Và chúng ta đã vay hàng trăm tỷ đồng để thực hiện cuộc thay đổi này. Hy vọng rằng, sau một năm áp dụng (lẽ ra phải được thí điểm trước khi áp dụng đại trà), các nhà giáo dục sẽ có những đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh, hoàn thiện để ngần ấy tiền thuế của người dân bỏ ra không đổi lại một cuộc... cải lùi. Nếu thất bại trong giáo dục hôm nay sẽ phải trả giá rất nhiều cho mai sau.

Thanh Thanh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(8)
  • Tiên sinh cà khịa 17-10-2020 12:06:26

    Dạy trẻ cách lươn lẹo thì có chả thấy học được cái gì hay cả.

  • Thanhthu 10-10-2020 14:52:36

    Học sách giáo khoa của thập niên 80, 90 là tốt nhất, dễ học lâu quên

  • Minhle 10-10-2020 10:34:42

    Để thế hệ này thành trộm vặt hết rồi sửa sau chăng ? Vụ vê- en vài năm, vụ trường bán công ...10 năm ... hỏng bao nhiêu thế hệ (?)

  • Linh Ngô 10-10-2020 10:15:15

    Hình như hơi ngọng nghịu câu chữ. Rồi đây lại tiếp thu, rút kinh nghiệm... làm cho PHHS lại tốn kém.

  • nguyễn phương 10-10-2020 04:53:31

    Sách GK được biên soan bởi các GS -TS ,được thẩm định của Hội đồng thế nhưng lòi ra quá nhiều bất cập ,có lẽ chỉ nên dùng hết HK1 .Thiệt hại rất lớn vì có thể làm hỏng cả thế hệ .

  • DAn 10-10-2020 03:23:52

    Có người cướp được cờ trong tay. nhưng rồi chẳng biết phải làm gì cho hay, .... à thì ra chỉ là người biết cướp thôi, chẳng biết gì hơn.

  • Chí Tài 09-10-2020 20:39:51

    Có không ít câu chuyện làm ray rứt lòng người, và câu hỏi cứ hiện lên: "Ai chịu trách nhiệm?". Và người chịu trách nhiệm thì ngồi nhìn và...cười mĩm!. Là bởi chúng ta vẫn không thực hiện cái điều mà không nói ai cũng biết tỏng tòng tong: Chỉ thẳng vào chỗ phải chịu và nhận trách nhiệm, không cần vòng vo tam quốc!.. Sách giáo dục là thuộc ai? Thuốc quá đát là của ai? Cột điện gãy chỏng chơ không ruột? Để trường gà tung hoành không dẹp?. Lấn chiếm xây cất không phép?... đều có địa chỉ hẳn hoi!..

  • K Dũng 09-10-2020 19:22:05

    Nền giáo dục Việt Nam tốn không biết bao nhiêu tiền thuế của dân nhưng càng cải cách càng đi vào ngõ cụt, làm hỏng biết bao thế hệ học sinh!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI