Sắc màu Uzbekistan

24/06/2024 - 07:00

PNO - Ngay khi vừa rời khỏi Tashkent, tôi đã dành rất nhiều sự nhung nhớ cho Uzbekistan. Giá như biết những điều này sớm hơn, có lẽ tôi chẳng ngần ngại dành cả tháng trời để đi dọc miền đất diệu kỳ đó.

Nếu những vùng đất như Kazakhstan và Kyrgyzstan có thể dễ dàng làm tôi say đắm bởi vẻ đẹp của thiên nhiên, núi tuyết, hồ xanh, thảo nguyên, hoa cỏ… thì Uzbekistan lại làm một kẻ yêu thích những sắc màu sặc sỡ như tôi được đắm mình trong sự tráng lệ của các công trình kiến trúc Hồi giáo đồ sộ.

Thịnh vượng nhờ con đường tơ lụa huyền thoại nhưng Uzbekistan không chỉ có những công trình kiến trúc mang dấu ấn xưa cũ. Có rất nhiều thứ khiến khách du lịch phải động lòng và lưu luyến khi tới đất nước đông dân bậc nhất Trung Á này.

Kiến trúc Hồi giáo tráng lệ

Quảng trường Registan về đêm
Quảng trường Registan về đêm

Với diện tích khoảng 447.400km2, Uzbekistan là quốc gia lớn thứ 56 trên thế giới. Đây là quốc gia duy nhất ở khu vực không giáp biển và có biên giới trên bộ với tất cả các nước láng giềng; sở hữu bề dày lịch sử, văn hóa vô cùng phong phú và đặc sắc; là nơi giao thoa giữa nhiều nền kinh tế, văn hóa, chính trị trên thế giới.

Uzbekistan là một quốc gia rất đặc biệt trên “con đường tơ lụa” huyền thoại khi có tới 3 thành phố nằm trên tuyến đường giao thương này: Samarkand, Bukhara, Khiva. Hầu hết chúng đều trở thành di sản thế giới ở thời điểm hiện tại và thu hút đông đảo khách du lịch trên toàn thế giới tới chiêm ngưỡng.

Cũng giống phần lớn những người yêu du lịch, chúng tôi tới Kazkakhstan, Kyrgyzstan rồi dừng chân ở Uzbekistan với tâm thế chẳng mong đợi quá nhiều. Thế nhưng, sự thật đã khiến tôi choáng ngợp, dư âm vẫn đọng lại đến tận bây giờ bởi mọi ấn tượng về Uzbekistan đều thật rực rỡ.

Ngày đặt chân tới thủ đô Tashkent, sau 10 tiếng đồng hồ vật vờ trên chiếc xe buýt đêm xuyên biên giới để nhập cảnh vào Uzbekistan, chúng tôi cứ đùa nhau rằng bản thân đang đứng trên mấy ngàn tấn vàng, bởi đất nước này đứng trong tốp 10 nước có trữ lượng vàng lớn nhất thế giới.

Uzbekistan đâu chỉ có những khoáng sản quý hiếm, những công trình đồ sộ sừng sững theo dòng chảy của lịch sử mà còn có rất nhiều thứ để khám phá. Không giống như hình dung của tôi về một vùng đất hoang sơ, Tashkent phủ đầy cây xanh nhưng không thiếu những tòa cao ốc, trung tâm thương mại, hàng quán nhộn nhịp.
Dọc những tuyến đường lớn sạch sẽ, dòng người hối hả đậm chất nhịp sống đô thị nhưng vẫn rất trật tự, lề lối. Những chiếc ô tô cổ loại nhỏ, tróc sơn và cũ kỹ dọc ngang khắp đường phố hợp rơ với sắc màu của phố thị đến lạ kỳ. Uzbekistan chính là quê hương của cây táo (Malus sieversii) - tổ tiên của tất cả các loại táo hiện nay, là nơi có hồ nước mặn lớn thứ hai thế giới, và cũng sở hữu mỏ vàng lớn thứ hai thế giới…

2 thành phố lớn Tashkent và Samarkand không chỉ là điểm dừng chân của những người du mục, thương nhân, binh sĩ, học giả… mà còn lưu giữ những kiệt tác kiến trúc Hồi giáo tuyệt đẹp.

Những ngày ở đây, tôi mê mẩn các họa tiết và màu sắc rực rỡ, phản ánh sự ảnh hưởng của các nền văn minh khác nhau: Ba Tư, Mông Cổ và Trung Hoa. Một nét đẹp rất lạ phảng phất nét hoài cổ khiến cho những đền thờ, lăng mộ, tòa nhà… đều trở thành những tác phẩm kiến trúc đặc sắc đậm chất Hồi giáo. Có dịp ghé thăm Uzbekistan, bạn đừng bỏ qua những công trình ấn tượng như: Bibi Khanum Mosque, quảng trường Registan, lăng mộ Shah-i-Zinda, lăng mộ Amir Temu… hay lâu đài hiện đại Magic City nằm giữa thủ đô.

Lạc lối ở khu chợ mái vòm Chorsu

Một quầy gia vị ở chợ mái vòm Chorsu
Một quầy gia vị ở chợ mái vòm Chorsu

Thật thiếu sót nếu không nhắc tới những khu chợ rực rỡ màu sắc trong những tòa nhà mái vòm. Như một nét quyến rũ rất riêng tại đất nước này, những khu chợ luôn đông đúc khách du lịch, hút mắt bởi các loại trái khô xếp chồng ngay ngắn, những “núi” bột gia vị sặc sỡ dậy mùi, vô số quầy dâu tây và cherry đỏ rực cả khoảng sân…

Chorsu Bazaar là khu chợ lớn và lâu đời nhất vùng Trung Á, một nơi vẫn giữ kiểu buôn bán truyền thống hàng trăm năm nay, mang rất nhiều dấu vết của thời gian.

Mái vòm Chorsu được cách điệu từ mái tròn của lều yurt đặc trưng du mục, trang trí hoa văn màu xanh, trụ cột màu trắng, nổi bật cả một góc đường.

Hòa vào nhịp sống sôi động của người dân địa phương thủ đô, chúng tôi đi qua những hàng thực phẩm tươi sống, trái cây tươi, rau củ, thịt ngựa, thịt cừu, dưa muối, phô mai… rồi nán lại ở những cửa hàng đồ gốm, thảm dệt thủ công tinh xảo.

Hàng trăm gian hàng bày bán đủ món đồ hấp dẫn đi cùng sự hiếu khách, thân thiện và nụ cười hồn hậu của những tiểu thương bản địa. Tôi đã dành hàng giờ ở Chorsu Bazaar để khám phá nét văn hóa ấn tượng này.
Cảnh tượng sinh động nhất khi ấy có lẽ là hàng dãy sạp hàng bán dâu tây đỏ mọng trải dài 2 lối đi, tạo thành một tác phẩm nghệ thuật với bố cục màu ấn tượng. Dâu xứ này to tròn, đỏ mọng, giá chỉ khoảng 20.000-80.000 đồng/kg nên nhóm chúng tôi đã mạnh tay mua đến cả chục ký.

Vi vu khắp thành phố với 4.000 đồng

Hoàng hôn ở Tashkent
Hoàng hôn ở Tashkent

Cái nắng gắt của vùng Uzbekistan khiến chúng tôi thực sự muốn chui xuống lòng đất. Những công trình kiến trúc luôn đông nghẹt người bởi chúng đều mang danh “di sản thế giới”.

Có một nơi vẫn có thể đi dạo nhưng vắng vẻ hơn mà cũng đặc sắc, thú vị chẳng kém khi đến thủ đô Tashkent: những ga tàu điện ngầm hiện đại nối dài quanh thành phố. Dù đã đến gần 30 quốc gia trong suốt 5 năm nay, tôi vẫn thật hoang mang khi đứng trước quầy bán vé ở thủ đô. Chúng xưa cũ, không có tiếng Anh, sóng yếu nên Google dịch lúc này cũng chẳng phát huy được tác dụng.

May mắn thay, một phụ nữ đứng tuổi đã rất niềm nở giúp chúng tôi hiểu về cách sử dụng vé tàu điện ngầm. Sở hữu lối kiến trúc đậm phong cách Trung Á nhưng ga tàu Tashkent lại bị lãng quên bởi lệnh cấm chụp ảnh. Mãi đến mùa hè năm 2018, chính phủ mới cho phép người dân chụp ảnh ở những ga tàu điện và rồi những bức ảnh về nơi này nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới bởi chúng cho thấy vẻ đẹp tráng lệ với kiến trúc mái vòm và họa tiết tinh tế.

Để trải nghiệm hành trình của chuyến tàu điện này, chúng tôi chỉ mất 2.000 soms (khoảng 4.000 đồng). Chỉ cần mua vé 1 lần và xuống ở bất cứ trạm nào, chiêm ngưỡng từng họa tiết, kiến trúc, sau đó lại lên tàu để tới trạm khác, bạn đã có thể khám phá toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm ở Tashkent.

Chúng tôi dành hơn nửa ngày dưới lòng đất để ngắm nhìn những hình ảnh được chạm trổ trên tường, những họa tiết khá giống với gạch tráng men ở Việt Nam... rồi lại kinh ngạc vì mỗi ga tàu là một lối kiến trúc khác biệt và độc đáo.

* E-visa Uzbekistan: Có thể xin trước tầm 1 tháng, hạn sử dụng là 6 tháng, thời gian nhập cảnh tối đa cho người Việt Nam là 30 ngày, thanh toán online 21,5 USD. Link: https://e-visa.gov.uz/main.

* Thông tin điền visa: Đơn giản, không yêu cầu vé máy bay. Tuy nhiên, cần lưu ý về ảnh thẻ, để tải được lên thì phải cắt ảnh đủ sát gương mặt, bỏ toàn bộ phần rìa màu trắng, viền chạm vào đỉnh đầu và 2 mép tai.

* Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký, thanh toán thành công, sẽ có email thông báo, chờ khoảng 48-72 tiếng (không kể cuối tuần) sẽ nhận được e-visa.

Nguyễn Thùy Trang

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsaigonanvatvi /strCate=saigonanvat
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEangididauvi /strCate=angididau