Lễ khai giảng đúng mùa hoa Sakura ở Nhật Bản
Không giống như nhiều nước khác, Nhật Bản có mùa tựu trường rơi vào tháng Tư hàng năm và kết thúc học kỳ đầu thường đúng vào ngày 20/7. Sau đó, các em sẽ có kỳ nghỉ hè từ 6-8 tuần trước khi bước vào học kỳ hai vào tháng Chín. Học kỳ hai thường kết thúc vào ngày 25/12. Năm học ở Nhật Bản có đến ba học kỳ, và học kỳ cuối này bắt đầu từ tháng Một đến cuối tháng Ba.
|
Ngày tựu trường đúng mùa hoa Sakura ở Nhật Bản. |
Nhật Bản bắt đầu năm học vào tháng Tư bởi vì người dân ở đây tin rằng mùa xuân là mùa đẹp đẽ nhất khởi đầu cho mọi chuyện, bao gồm cả chuyện đến trường của con trẻ. Thời điểm gần tựu trường cũng là lúc Sakura (hoa anh đào) khoe sắc, khiến cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều háo hức, đặt nhiều kỳ vọng vào một năm học mới đầy phấn khởi.
|
Chụp ảnh kỷ niệm với hoa anh đào là một trong những "phong tục" không thể thiếu của các em học sinh Nhật Bản. |
Cũng có một số ý kiến cho rằng nên chuyển thời điểm khai giảng năm học mới sang tháng Chín như nhiều nước khác để phân phối thời gian thuận tiện cho học sinh. Nhưng với niềm tin mùa xuân mang đến sự khởi đầu tốt lành, nước Nhật vẫn giữ thời điểm đẹp nhất trong năm để bắt đầu năm học mới. Đây cũng là thời điểm mà chính phủ và các doanh nghiệp khởi động những dự án, kế hoạch năm của mình.
Nhiều trường ở Nhật còn trồng cây anh đào xung quanh khuôn viên. Đến ngày khai giảng, phụ huynh cùng các em học sinh rất thích thú cùng nhau chụp những bức ảnh kỷ niệm dưới sân .
|
Chiếc cặp randoseru là "người bạn thân thiết" của trẻ em Nhật Bản. |
Ngày bắt đầu năm học mới, trẻ em Nhật sẽ khoác lên mình “đồng phục” không thể lẫn với học sinh nào, đó chính là chiếc cặp có tên randoseru. Đây là chiếc cặp có thiết kế chống gù lưng cho trẻ, có diện tích rộng nên trẻ có thể đựng nhiều tập vở, dụng cụ nhưng không lo nặng quá sức mình.
|
Học sinh Nhật Bản luôn được giáo dục phải giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh. |
Bữa cơm trưa đầu tiên được các em mang theo đa phần sẽ có cơm trắng, rong biển, trứng vì đây là những món ăn được cho là mang lại may mắn. Ngày đầu năm này, các em cũng sẽ mang đến trường đôi giày mới. Các em không mang đôi giày đi ở ngoài đường vào lớp học để giữ vệ sinh cho phòng học.
Màu sắc sinh động trong ngày khai giảng ở Mỹ
Học sinh Mỹ thường bắt đầu năm học mới vào thời điểm cuối tháng Tám, đầu tháng Chín hàng năm, tùy thuộc quy định từng bang. Nhà trường sẽ có thông báo ngày tập trung nhận lớp và giáo viên chủ nhiệm.
Ở Mỹ thường không có một lễ khai giảng chính thức, thay vào đó là các hoạt động ngoại khóa giúp các em học sinh làm quen môi trường, bạn bè, học cách hòa nhập.
|
Khác với nhiều nước, Mỹ không tổ chức khai giảng mà chỉ dành ngày đầu tiên đến trường để học sinh tham gia vào các hoạt động ngoại khóa và làm quen với giáo viên, bạn bè mới. |
Với các học sinh cấp phổ thông, các em sẽ tập trung sớm hơn để tham gia các hoạt động hướng nghiệp đầu năm học, xác định mong muốn và nguyện vọng bản thân. Từ đó, các em có sự chuẩn bị tâm lý tốt hơn khi bắt đầu năm học mới.
Ở nhiều nơi ở Mỹ còn có hoạt động “Back-to-School Night” (- "Đêm trở lại trường") diễn ra vài ngày trước năm học mới. Phụ huynh sẽ có cơ hội gặp gỡ giáo viên để trò chuyện, tìm ra cách phối hợp giữa gia đình và nhà trường nhằm hỗ trợ việc học tập, vui chơi, rèn luyện của trẻ tốt hơn.
|
"Back-to-School Night" là cơ hội để phụ huynh và học sinh trực tiếp gặp gỡ giáo viên trước ngày khai trường. |
Ý nghĩa của sự kiện này nhấn mạnh vào vai trò của phụ huynh cũng như mối liên kết gia đình-nhà trường vì năm học mới không chỉ là sự kiện quan trọng với các em học sinh.
Không có lễ khai giảng nhưng học sinh và thầy cô vẫn có cách riêng thể hiện quyết tâm bắt đầu năm học mới bằng nghi thức đọc lời tuyên thệ, xác định mục tiêu của mình trong năm học mới này.
|
Các em học sinh đọc lời tuyên thệ đầu năm học mới. |
Xe bakfietsen và “ngày sáng chế” ở Hà Lan
Vào ngày đầu năm học ở Hà Lan, đường phố nước này tràn ngập những hình ảnh đáng yêu bố mẹ chở con trên những chiếc xe bakfietsen đặc trưng. Những chiếc xe này khá giống xe đạp truyền thống nhưng có thiết kế thùng rỗng phía trước là chỗ ngồi cho các bé.
Phụ huynh Hà Lan quan niệm rằng đi đến trường trên chiếc xe này, các em sẽ cảm nhận được rõ không khí rộn ràng xung quanh, thay vì “nhốt mình” trong những chiếc xe hơi cửa kính.
Đây còn là chiếc xe quen thuộc mà phụ huynh thường dùng chở con đi dạo nên việc ngồi trên bakfietsen để đến trường cũng sẽ tạo cảm giác thích thú cho các em nhỏ, cho các em có cảm giác mình chuẩn bị có một hành trình thú vị.
Hơn nữa xe bakfietsen thân thiện môi trường, không choán nhiều diện tích gửi xe nên sẽ khiến ngày đầu năm dễ chịu hơn, thay vì chen lấn trong dòng người đông đúc cùng nhau đến trường.
Một điều đặc biệt trong ngày khai giảng ở Hà Lan là các em học sinh sẽ tự đăng ký một sáng chế các em mong muốn tùy thuộc khả năng, sở thích đã được tích lũy trước đó. Điều này khơi gợi trong các em sự ham thích đến trường vì đây cũng như là cách các em tự định hướng cho năm học mới của mình.
Anh Thông (Theo japan.org, littlepassports, edutopia.org)