"Sắc màu" thống lĩnh giải Emmy

22/09/2016 - 07:12

PNO - Trái với một Oscar của Viện Hàn lâm luôn bị chỉ trích là phân biệt chủng tộc, chỉ ưu ái diễn viên da trắng thì “Oscar” của ngành truyền hình - giải Emmy - ngày càng là nơi chứng tỏ năng lực của các diễn viên da màu.

Nhắc đến giải thưởng Emmy 2016 vừa kết thúc hôm 19/9 (theo giờ VN) là nhắc đến chiến thắng lịch sử của sê ri phim Game of throne với 12 giải. Nhưng có một chiến thắng vẻ vang khác ở mùa giải năm nay, là sự lên ngôi ồ ạt của các diễn viên da màu.

Trái với một Oscar của Viện Hàn lâm luôn bị chỉ trích là phân biệt chủng tộc, chỉ ưu ái diễn viên da trắng ở hạng mục diễn xuất thì “Oscar” của ngành truyền hình - giải Emmy - ngày càng là nơi chứng tỏ năng lực hóa thân của các diễn viên da màu.

Emmy năm nay được xem là “sắc màu” nhất khi lần đầu tiên trong lịch sử 68 năm của giải này, danh sách đề cử của tất cả các hạng mục về diễn xuất ở ba thể loại phim dài chính kịch, hài kịch và phim ngắn đều xuất hiện những tài tử, minh tinh da màu. 18/73 diễn viên da màu có tên trong đề cử Emmy 2016 không phải là tỷ lệ quá cao, nhưng nếu so với những mùa giải trước, diễn xuất của nghệ sĩ da màu ngày càng chứng tỏ đẳng cấp trên màn ảnh nhỏ Mỹ (2012 và 2013: 5 người, 2014: 8 người, 2015: 16 người). Nhưng những con số này chẳng có ý nghĩa gì nếu như kết quả thắng giải vẫn nằm trong tay các ngôi sao da trắng.

Trong suốt thời gian từ năm 2005 đến 2014 chỉ có sáu người da màu chạm tay tới tượng vàng Emmy gồm Archie Panjabi, Tony Shalhoub, America Ferrera, Andre Braugher, S. Epatha Merkerson và Shohreh Aghdashloo.

Vậy mà tại lễ trao giải năm nay, cùng lúc bốn diễn viên không phải da trắng đăng quang: Sterling K. Brown, Courtney B. Vance (phim The People v. O.J. Simpson American Crime Story), Regina King (phim American Crime) và Rami Malek (phim Mr. Robot).

Từ trái qua, bốn diễn viên da màu Rami Malek, Regina King, Courtney B. Vance và Sterling K. Brown chiến thắng ở giải Emmy lần thứ 68-2016

Trong đó, ấn tượng nhất là chiến thắng của Rami Malek - diễn viên da màu đầu tiên đoạt giải Nam chính xuất sắc thể loại phim chính kịch sau 18 năm giải này chỉ toàn diễn viên da trắng nắm giữ. Trước thời điểm trao giải, không ai nghĩ tài tử Mỹ 35 tuổi gốc Ai Cập này có thể vượt qua ứng viên sáng giá nhất Kevin Spacey (phim House of Cards).

Trong Mr. Robot, Rami Malek vào vai Elliot Alderson - một lập trình viên trẻ tuổi, có xu hướng xa rời xã hội. Biểu cảm gương mặt với đôi mắt đờ đẫn vô cảm đúng chất của một của kẻ lập dị khiến nhân vật Elliot của Rami Malek gây ấn tượng, ám ảnh khán giả. Hình tượng nhân vật độc đáo đã đưa Rami Malek trở thành gương mặt nổi bật của màn ảnh nhỏ Mỹ từ giữa năm ngoái đến nay - khi sê ri Mr.Robot lên sóng.

Sự kiện Rami Malek vừa giành tượng vàng Emmy gợi nhớ đến việc năm ngoái lần đầu tiên trong lịch sử phim ảnh truyền hình Mỹ, giải thưởng dành cho Nữ chính xuất sắc nhất thể loại phim chính kịch về tay phụ nữ da màu: Viola Davis (phim How to get away with murder).

Nữ minh tinh gốc Phi 50 tuổi phát biểu nhận giải rằng: “Khác biệt giữa một nữ diễn viên da trắng hay da màu là cơ hội để thể hiện tài năng. Bạn không thể thắng giải Emmy cho vai diễn mình không được nhận”.

Ngoài Viola Davis, Emmy năm ngoái cũng được ca ngợi là mùa giải nhân quyền khi có thêm hai ngôi sao da màu khác là Regina King (phim American Crime) và Uzo Aduba (phim Orange Is the New Black) lần lượt giành giải Nữ phụ phim truyền hình ngắn và Nữ phụ phim chính kịch. Chiến thắng năm nay của Regina King cũng ở hạng mục cũ như một minh chứng cho thấy sự thống trị của các ngôi sao da màu ở mảng phim truyền hình ngắn (mini series) - dòng phim mà 50% gương mặt diễn viên được đề cử năm nay là người da màu.

Hiện tượng này còn thấy ở thắng lợi của bộ đôi danh hài Mỹ gốc Phi Keegan Michael KeyJordan Peele với giải Chương trình truyền hình tạp kỹ và hai cây bút Mỹ gốc châu Á Alan Yang-Aziz Ansari (phim Master of None) đoạt giải Kịch bản phim hài.

Xu hướng “sắc màu” ngày càng đậm nét ở giải Emmy so với một Oscar luôn “trắng” có thể được lý giải bằng việc số lượng người bỏ phiếu chọn giải Emmy lên đến 20.000 thành viên, chứ không chỉ có 6.000 người như Viện Hàn lâm. Đối tượng bỏ phiếu đa dạng thường cho ra kết quả đa sắc.

Quang Huy (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI