Sắc lệnh nhập cư mới của Mỹ bắt đầu có hiệu lực

14/11/2017 - 07:57

PNO - Một phiên toà phúc thẩm của tiểu bang California, Mỹ, hôm 13/11 đã cho phép sắc lệnh nhập cư – còn gọi là lệnh cấm nhập cảnh – phiên bản mới nhất của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực từng phần.

Theo đó, tòa phán quyết chính phủ Mỹ có thể cấm nhập cư đối với công dân sáu nước có người Hồi giáo chiếm đa số, nếu những người này không có kết nối với Hoa Kỳ.

Trước đó, một hội đồng gồm 3 thẩm phán của Toà án phúc thẩm Hoa Kỳ khu vực 9 tại San Francisco đưa ra quyết định trên căn cứ đề nghị phong tỏa tạm thời phán quyết đình chỉ thực thi sắc lệnh nhập cư mới của một thẩm phán Liên bang.

Lệnh cấm nhập cảnh mới của ông Trump được công bố ngày 24/9, thay thế cho hai phiên bản đầu tiên đang bị các tòa án liên bang cản trở.

Sac lenh nhap cu moi cua My bat dau co hieu luc
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách cải cách nhập cư tại Nhà Trắng ngày 2/8/2017 - Ảnh: Reuters

Động thái mới của Tòa án khu vực 9 có nghĩa là lệnh cấm nhập cảnh sẽ áp dụng cho những người đến từ Iran, Libya, Syria, Yemen, Somalia và Chad, nếu họ không có kết nối về quan hệ gia đình hay công việc ở Mỹ.

Điều kiện “kết nối” được định nghĩa là các mối quan hệ gia đình và "các mối quan hệ chính thức, có hồ sơ” với các pháp nhân có trụ sở ở Mỹ, như trường đại học và cơ quan tái định cư.

Những người có mối quan hệ gia đình được phép nhập cảnh bao gồm ông bà, cháu của ông bà, anh em rể, chị em dâu, cô dì, chú bác, cháu trai, cháu gái và anh em họ đang ở Hoa Kỳ.

Quyết định này không ảnh hưởng đến công dân hai nước khác được liệt kê trong lệnh cấm của ông Trump là Triều Tiên và Venezuela.

Tổng thống Trump nói rằng, lệnh cấm nhập cảnh là cần thiết để bảo vệ nước Mỹ khỏi hành động khủng bố của các chiến binh Hồi giáo.

Khi chạy đua tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump đã từng hứa "chấm dứt toàn bộ và hoàn toàn việc người Hồi giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ”.

Tuy nhiên, những người chỉ trích sắc lệnh nhập cư gọi đây chỉ là một "lệnh cấm Hồi giáo" và vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ khi phân biệt đối xử trên nền tảng tôn giáo.

Việt Hưng (Theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI