Sabeco đem 8.200 tỷ gửi ngân hàng lấy lãi: Lỗ hổng lớn

14/09/2016 - 07:26

PNO - ''Lượng tiền mặt gần 8.200 tỷ đồng gửi vào ngân hàng thực sự là chuyện rất lạ. Nên nhớ kinh doanh bia rượu nước giải khát lợi nhuận không hề thấp, nếu doanh nghiệp không đầu tư vào sản xuất thì quả là bài toán khó lý giải".

Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm 2016. Cụ thể, doanh thu của công ty mẹ đạt 14.322 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Sabeco có lượng tiền mặt gần 8.200 tỷ đồng gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 3 tháng, hưởng lãi suất 5,5 - 6,2% một năm. Trong đó, có khoản 1.165 tỷ đồng gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn trên 3 tháng, hưởng lãi suất 6,2-7,2% một năm. Trong kỳ công ty cũng ghi nhận doanh thu tài chính đạt 678 tỷ đồng.

Sabeco dem 8.200 ty gui ngan hang lay lai: Lo hong lon
Sabeco đem 8.200 tỷ gửi ngân hàng lấy lãi. Ảnh minh họa

Nhiều nghi vấn

Nhận định về việc gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất của Sabeco, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng đây là chuyện lạ và khó lý giải.

"Đối với một doanh nghiệp kinh doanh, không bao giờ họ để tiền chết và gửi ngân hàng số lượng tiền mặt lớn như thế bởi mức lãi suất 5,5-6,2% không phải quá hấp dẫn.

Nếu lượng tiền này được đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn, nhưng tại sao Sabeco lại không làm như vậy?

Có thể do Sabeco và ngân hàng mà họ gửi tiền có quan hệ thân thiết nên doanh nghiệp này dự phòng một lượng tiền lớn để đỡ cho ngân hàng trong vấn đề thanh khoản.

Hoặc cũng có khả năng doanh nghiệp đang lo ngại cổ phần hóa hoặc có thể có vấn đề gì đằng sau đó mà họ không muốn mở rộng hoặc chưa có nhu cầu chuyển hóa thành các khoản đầu tư khác.

Lượng tiền mặt gần 8.200 tỷ đồng gửi vào ngân hàng thực sự là chuyện rất lạ. Nên nhớ kinh doanh bia rượu nước giải khát lợi nhuận không hề thấp, nếu doanh nghiệp không đầu tư vào sản xuất thì quả là bài toán khó lý giải", TS. Thịnh đặt vấn đề.

Ngoài khoản tiền 8.200 tỷ đồng nói trên, Sabeco còn có khoảng 1.165 tỷ đồng gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn trên 3 tháng, hưởng lãi suất 6,2-7,2% một năm. TS. Thịnh dự đoán rằng, có thể Sabeco dự trù đây là khoản tiền lãi của họ trong một khoảng thời gian nhất định.

"Trước nay, vấn đề báo cáo tài chính cũng như việc nộp thuế cho ngân sách ở Sabeco đã có một số lùm xùm nhưng chúng không được cụ thể hóa. Hơn nữa, cùng với ngành thuốc lá, ngành rượu bia nước giải khát là ngành có lợi nhuận rất lớn nên không loại trừ có lợi ích nhóm ở đằng sau.

Cho đến nay Sabeco vẫn chưa chịu niêm yết dù đã có chỉ đạo. Một khi đã niêm yết trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp phải có báo cáo thường xuyên và chắc chắn không thể có tình trạng tồn tại cả gần chục nghìn tỷ đồng không được đưa vào sản xuất kinh doanh mà lại gửi ngân hàng để lấy lãi", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu rõ.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh việc Sabeco là doanh nghiệp mà Nhà nước đang nắm gần 90% vốn.Vì vậy, những hoạt động gửi tiền nêu trên chắc chắn người nắm giữ phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải nắm được.

Về nguyên tắc, người nắm giữ phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn là người có tiếng nói quyết định trong các khoản chi tiêu lớn và đường hướng phát triển của doanh nghiệp, họ buộc phải biết và phải là người lãnh đạo.

Thế nhưng, trên thực tế việc bổ nhiệm này nhiều khi chỉ mang tính hình thức, thậm chí có những người tham gia vào HĐQT của nhiều doanh nghiệp khác nhau và họ không có thời gian quán xuyến hoạt động cũng như làm việc thực tế tại doanh nghiệp.

Theo TS. Thịnh đây chính là lỗ hổng rất lớn trong quản lý vốn Nhà nước vì người đại diện đó không toàn tâm toàn ý với bất kỳ doanh nghiệp nào. Cuối cùng, ngay cả việc theo dõi cũng như phản ánh tình hình của doanh nghiệp họ cũng không làm đầy đủ, chưa nói đến việc quản lý cũng như đề ra phương hướng, mục tiêu phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Cần công khai minh bạch

Một vấn đề liên quan khác đó là trong báo cáo tài chính, Sabeco có hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư vào công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, đơn vị này đã phải trích lập khoảng 490 tỷ đồng dự phòng.

Trong khi đó, hai khoản đầu tư gây thua lỗ cho Bia Sài Gòn là đầu tư 216 tỷ đồng vào Ngân hàng Thương mại Phương Đông (OCB) hiện đã thua lỗ và trích lập dự phòng khoảng 158 tỷ đồng.

Khoản đầu tư gây thua lỗ thứ hai có giá trị 136 tỷ đồng là vào Ngân hàng Thương mại Đông Á (DongA Bank) cũng khiến công ty đang phải hạch toán lỗ và trích lập tới 111 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tổng công ty còn đầu tư ngoài ngành không hiệu quả vào một số doanh nghiệp khác như: Quỹ đầu tư Việt Nam, Quỹ đầu tư Chứng khoán Sài Gòn A2, PVI Sài Gòn, Du lịch dầu khí Phương Đông…

Nhìn nhận về vấn đề trên PGS.TS Đinh Trọng Thịnh không phủ nhận việc trước đây các DNNN hoặc doanh nghiệp có vốn Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn được phép đầu tư ngoài ngành. Thế nhưng, từ lâu Chính phủ đã buộc các doanh nghiệp này phải thoái vốn và không được đầu tư ngoài ngành.

Vị chuyên gia thẳng thắn rằng, nếu việc đầu tư này được thực hiện sau khi có các quyết định về thoái vốn ở các DNNN hoặc doanh nghiệp có vốn Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn thì đó là sự cố tình vi phạm nguyên tắc quản lý kinh tế của Nhà nước.

Khi đầu tư thua lỗ, ai đầu tư thì người đó phải chịu trách nhiệm và trong trường hợp của Sabeco cũng vậy. Đáng lưu ý, vốn đầu tư này không phải của ai khác mà là của Nhà nước (Nhà nước chiếm tới gần 90% vốn tại Sabeco). Vì thế, khi thua lỗ đó là sự thất thoát vốn Nhà nước, tức tiền thuế của người dân chịu trách nhiệm.

Theo PGS TS. Đinh Trọng Thịnh để tránh thất thoát vốn Nhà nước tại Sabeco trước khi Nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp này trước tiên phải tiến hành rà soát lại toàn bộ hoạt động của Sabeco để có được số liệu công khai, minh bạch về tình hình tài chính của doanh nghiệp trong thời gian.

Thêm vào đó, phải có sự xem xét, so sánh với các yêu cầu quản lý khác để đánh giá lại hiệu quả của Sabeco cho chuẩn xác. Ví dụ, cần phải làm rõ về số tiền gần 10.000 tỷ đồng Sabeco đem gửi ngân hàng lấy lãi.

Phải đánh giá lại doanh nghiệp và các thương hiệu của Sabeco đúng với giá thị trường trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này.

"Việc định lại giá trị của doanh nghiệp trước khi thoái vốn Nhà nước phải được cơ quan chức năng xem xét cẩn thận và có kiểm toán, có thế mới thoái vốn an toàn, đảm bảo Nhà nước không mất vốn", TS. Thịnh lưu ý.

Trang Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI