Sa sinh dục: Nỗi khổ không dám bày tỏ

08/07/2017 - 16:30

PNO - Theo ThS-BS Lê Văn Hiền - Tổng thư ký Hội Sản phụ khoa TP.HCM, cố vấn cao cấp sản - phụ khoa BV quốc tế Hạnh Phúc, sa sinh dục (SSD) là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ sau sinh nở,.....

Sa sinh dục nữ không gây nguy hiểm chết người nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống, chất lượng tình dục của bệnh nhân (BN) vì làm són tiểu, són phân, xì hơi và nghiêm trọng hơn là tạo thành khối sa ra ngoài “cửa mình” khiến chị em rất mặc cảm, nhưng ngại không dám đi khám, để tình trạng bệnh phát triển ngày càng nặng.

Sa sinh duc: Noi kho khong dam bay to
TS-BS Nguyễn Hoàng Đức thăm hỏi BN bị SSD nặng, vừa phẫu thuật


Không dám tỏ bày

Trước đây, nhiều người vẫn nghĩ, sa sinh dục là bệnh của những phụ nữ lớn tuổi, vì ngày xưa các cụ sinh nở nhiều, sau sinh lại lao động sớm. Thật ra, đây là căn bệnh không “kén” tuổi, thậm chí có những cô gái tuổi đôi mươi lần đầu làm mẹ cũng phải đối diện với căn bệnh khó nói này, khi một ngày bất ngờ thấy có cái gì nhô ra khỏi “cửa mình”, cười lớn hay ho là bị són tiểu.

Một chị có nick Mejun đăng trên một diễn đàn dành cho phụ nữ: “Ai giúp em với. Em vừa sinh được bốn tháng thì cộm cộm ở cửa mình, hai tuần sau thì có một “cục” gì đó nhô ra, gây căng tức “cửa mình”, tiểu rát, không nhịn được trung tiện và xấu hổ nhất là cứ cười lớn, ho hay nhảy mũi là bị rỉ nước tiểu ướt cả quần.

Em xem trên mạng thấy đây là triệu chứng của bệnh sa tử cung. Không biết có phải do em mới sinh chưa đầy tháng đã phải chợ búa, cơm nước và leo cầu thang quá nhiều? Có mẹ nào bị giống em thì cho em một lời khuyên.

Em ngại đi khám BS lắm”. Nhiều chị đã vào chia sẻ với lời cầu cứu này, nhưng hầu hết chỉ bày tỏ hoàn cảnh và truyền tai những cách trị dân gian như day đỉnh đầu, ăn lá vông, xông “cửa mình” bằng lá đu đủ, lá ngải cứu…

Sa sinh duc: Noi kho khong dam bay to
 

Với một người trẻ có kiến thức, có điều kiện tiếp cận với internet mà còn ngại đến BV khám bệnh, cứ chôn chặt nỗi đau thầm kín, thì với người lớn tuổi còn đến 
thế nào?

Theo thống kê của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, sa sinh dục ảnh hưởng đến khoảng 41% phụ nữ trên 60 tuổi. Trung bình mỗi tháng, phòng khám Tiết niệu của BV tiếp nhận từ 50-60 trường hợp bị SSD rất nặng, phải chỉ định phẫu thuật, trong đó có những phụ nữ mắc bệnh đã mấy chục năm nhưng âm thầm chịu đựng, chỉ đến BV khi bệnh đã quá nặng.

Bà L.X.M., 91 tuổi, ở Q.6, mới đây đã được gia đình đưa vào BV ĐH Y Dược cấp cứu vì bí tiểu, sốt cao và lạnh run. Qua thăm khám, BS phát hiện bà bị sa sinh dục nặng. Khối sa đã kéo tử cung và bàng quang ra khỏi âm hộ và diễn tiến ngày càng nặng khiến BN không thể tiểu được. Nước tiểu tồn đọng lâu ngày trong bàng quang đã gây nhiễm khuẩn niệu, khiến BN sốt cao.

Sa sinh duc: Noi kho khong dam bay to
 

Bà M. cho biết, bà mắc bệnh này đã 20 năm, nhưng không biết bệnh có thể chữa khỏi, chỉ nghĩ do lớn tuổi và sinh đẻ nhiều thì ai cũng bị như vậy nên cố “chịu đựng”. Lại thêm những lần con cái đưa đi khám bệnh, BS nói bà lớn tuổi không chữa được nên bà cũng bỏ mặc.

Gần đây, khi khối sa ngày càng nặng, bà thậm chí không dám đi lại, chỉ quanh quẩn trên giường.Thỉnh thoảng khối sa bị trầy xước, lở loét, chảy dịch khiến bà rất khổ sở.

Hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm

Sau khi điều trị hết nhiễm trùng đường tiểu, bà M. được BS phẫu thuật nội soi ổ bụng để khâu treo khối SSD. TS-BS Nguyễn Hoàng Đức - Trưởng khoa Tiết niệu BV ĐH Y Dược cho biết: “Sau phẫu thuật, khối SSD đã được kéo về vị trí cũ, không còn xuất hiện ở âm hộ gây khó chịu cho BN nữa.

Sau mổ một ngày, BN đã có thể đi lại được thoải mái, không còn bị “giam giữ” trên giường như thời gian qua”. Tương tự, bà Nguyễn Thị T., 71 tuổi, ở Bình Chánh cũng bị SSD hơn 10 năm nhưng chôn chặt trong lòng, không nói với con cái. Từ lâu bà không dám đi đâu xa, vì sợ mình bốc mùi do mỗi lần ho, nhảy mũi, cười lớn đều són tiểu ướt quần.

Gần đây, bà bị sốt tái đi tái lại nên gia đình đưa vào BV ĐH Y Dược khám, BS mới phát hiện bà bị SSD nặng gây nhiễm khuẩn niệu đạo. 

Theo BS Lê Văn Hiền, sa sinh dục là bệnh lý do dãn sàn chậu (dãn hệ thống cơ nâng đỡ của sàn chậu), ngoài tình trạng sa tử cung có thể sa cả bàng quang, trực tràng, ruột non... Nguyên nhân gây dãn hệ thống nâng đỡ sàn chậu có thể do tuổi tác, mãn kinh, sinh đẻ nhiều lần, những sang chấn do cuộc sinh không được phục hồi đúng, lười vận động nên yếu cơ, bệnh lý yếu trương lực cơ, nhược cơ…

Nếu không điều trị sớm bệnh càng ngày càng nặng, có thể dẫn đến sa các tạng khác của vùng chậu và dẫn đến tiêu, tiểu không tự chủ. Dấu hiệu sa sinh dục giai đoạn sớm là BN thấy có khối phồng ở vùng âm hộ xuất hiện không thường xuyên, chỉ nhìn thấy khi ngồi xổm hoặc khi ho, rặn đi cầu.

Khối phồng này ngày càng sa ra ngoài nhiều hơn và thường xuyên hơn. Ở giai đoạn nặng, khối sa nằm luôn ngoài âm hộ, không co vào âm đạo được nữa. Nhiều phụ nữ âm thầm chịu đựng vì ngại, vì nghĩ bệnh không nghiêm trọng, hoặc nghĩ đó là điều tự nhiên, do sinh nở mà bị, nên không chữa trị.

BS Nguyễn Hoàng Đức giải thích, ở giai đoạn sớm, khi các cơ quan vùng chậu mới sa chút ít, phương pháp điều trị chủ yếu là bảo tồn bằng các bài tập vật lý trị liệu vùng chậu. Đến giai đoạn muộn mới can thiệp bằng phẫu thuật để củng cố và tăng sức kéo của hệ thống dây chằng vùng chậu. Phẫu thuật có thể tiến hành qua ngả âm đạo hoặc nội soi ổ bụng. 

Thực tế, nhiều trường hợp chị em ngại không đến BS mà tham khảo “bác sĩ guốc gồ”, tự định bệnh và tự điều trị. Chị Lê Hoàng A., 26 tuổi, ở P.Bình Trưng Tây, Q.2; sinh được bảy tháng thì phát hiện vùng kín “thòi” ra một “cục” khiến chị ngại không dám gần gũi chồng, chữa “mẹo” bằng cách đắp đu đủ xanh vào rốn và xông vùng kín bằng lá đu đủ.

“Điều trị” suốt cả tháng trời không hiệu quả, chị mới quyết định đến người BS từng khám thai và đỡ đẻ cho mình nhờ kiểm tra. Hóa ra: “Em không bị sa dạ con, mà bị dãn thành âm đạo, BS cho thuốc đặt (5 viên/5 ngày). Cái cục tròn đỏ em tưởng dạ con lại là thành âm đạo bị viêm đỏ, dãn ra nên mới nhìn thấy. Vậy mà em lo đến muốn trầm cảm, mất công “điều trị” cả tháng trời” - chị A. kể.

Điều đáng trách là bệnh khá phổ biến, khiến BN rất khổ sở nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa, điều trị được mà nhiều chị em không biết, cũng không dám đến BS. Để phòng ngừa bệnh SSD, chị em cần hạn chế táo bón, tránh béo phì.

Khi mới phát hiện triệu chứng, phải đến BS chuyên khoa ngay để có biện pháp điều trị thích hợp, tránh khối sa diễn tiến nặng đến mức phải phẫu thuật. Đặc biệt, khi mang thai, sau sinh và trong cuộc sống hàng ngày, chị em nên thường xuyên tập thể dục, tập sàn chậu, bài tập kegel giúp săn chắc cơ sàn chậu, để ngăn ngừa dãn sàn chậu, són tiểu...

Sau khi sinh phải kiêng khem không được tập thể dục, phải đi nhẹ nói khẽ để phòng ngừa dãn sàn chậu là hoàn toàn sai, chị em thậm chí còn phải tập thể dục sớm, nhất là những bài tập về sàn chậu để phòng tránh bệnh lý này - BS Lê Văn Hiền khuyến cáo. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI