Sà lan tung hoành, đẩy dân vào miệng 'hà bá'

11/08/2017 - 10:18

PNO - Nhiều tháng qua, người dân sống tại khu phố (KP) Trường Lưu, P.Long Trường, Q.9, TP.HCM sống trong phập phồng lo sợ vì sà lan chở cát công trình tung hoành trên sông Nước Đục gây sạt lở đất, nứt lún nhà dân.

Dân đứng ngồi không yên

Chiều 9/8, tiếp chúng tôi trong căn nhà bị nứt toác, sụt lún sau những đợt càn quét của sà lan, bà Trần Thị Ngọc (SN 1953, ngụ tại số 10, KP Trường Lưu) buồn bã: “Căn nhà tôi đang ở đã bị sụt lún hơn một nửa phía sau. Mấy tháng nay, không đêm nào gia đình tôi được yên giấc. Đang nằm thiu thiu ngủ, nghe tiếng sà lan kéo đến, lại nhỏm người dậy vì sợ nhà bị cuốn xuống sông”.

Cùng hoàn cảnh với bà Ngọc, tại KP Trường Lưu, còn có bốn nhà dân đang trong tình trạng bị hư hỏng, nằm mấp mé ở bờ sông, có thể bị đổ sập xuống dòng nước bất cứ lúc nào.

Sa lan tung hoanh, day dan vao mieng 'ha ba'
Hai chiếc sà lan chở cát đang cày nát mặt sông Nước Đục (ảnh lớn)

Theo người dân địa phương, từ khoảng 5 tháng qua, tại sông Nước Đục chảy qua KP Trường Lưu, xuất hiện lượng sà lan chở cát dày đặc. Do sông hẹp nên sóng nước do sà lan gây ra làm bờ sông bị sạt lở nhiều đoạn, nhiều nhà dân bị sụt lún.

“Trước đây, đoạn sông Nước Đục ngang qua nhà tôi sâu chỉ ước chừng 8 mét nhưng giờ đã bị chân vịt của sà lan xoáy sâu hơn rất nhiều, sớm muộn cũng làm cho nhà dân bị sập” - anh Nguyễn Văn Đệ, cư dân ở đây, lo lắng.

Theo người dân địa phương, hầu hết các sà lan này chở cát để san lấp mặt bằng cho dự án của Công ty cổ phần xây dựng Điền Phúc Thành (CT Điền Phúc Thành). Vào lúc nước lớn, các sà lan bắt đầu chở cát qua đường sông Nước Đục để đưa lên bờ. Có thời điểm, hai chiếc sà lan lớn cùng lưu thông làm dậy sóng cả đoạn sông. 

Chính quyền thiếu tích cực?

Trước tình trạng sà lan chở cát lộng hành, các hộ dân đã nhiều lần phản ánh với đơn vị phụ trách san lấp mặt bằng là CT Điền Phúc Thành và đơn vị đảm nhận chuyên chở cát cho CT này. Sau các buổi làm việc, đơn vị thuê sà lan chở cát có hứa sẽ hỗ trợ người dân xây bờ kè để chống sạt lở và bồi thường cho các hộ bị hư hại nhà. Đến nay, tiền bồi thường chưa thấy đâu, người dân lại đứng trước nguy cơ mất nhà do sạt lở bờ sông.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 5 căn nhà có nguy cơ sập, có hàng chục nhân khẩu sinh sống. Chỉ tính riêng ba hộ dân là Nguyễn Văn Phước, Trần Thị Ngọc, Nguyễn Văn Đệ, đã có đến 20 nhân khẩu, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Ngày 31/7/2017, đại diện 5 hộ dân ở KP Trường Lưu đã gửi đơn kiến nghị đến UBND P.Long Trường để nhờ can thiệp, giúp đỡ. UBND P.Long Trường và Công an P.Long Trường có cử cán bộ đến làm việc, nhưng đến nay, tình trạng sà lan lộng hành vẫn chưa được khắc phục, trong khi nhà dân ngày càng sụt lún trầm trọng hơn.

Chiều 9/8, có mặt tại KP Trường Lưu, chúng tôi chứng kiến căn nhà của bà Trần Thị Ngọc có phần nền bị nứt thành nhiều đường dài; phần nửa sau của căn nhà bị sụt lún, nghiêng hẳn về phía bờ sông. Tương tự, căn nhà của anh Nguyễn Văn Đệ cũng xuất hiện nhiều vết nứt, bờ sông Nước Đục đã bị bào mòn đến gần móng nhà. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Tuấn - cán bộ địa chính P.Long Trường - cho biết, UBND phường có nhận được phản ánh của dân về việc sà lan lớn chạy nhiều, gây ảnh hưởng đến nhà dân. Nhưng ông Tuấn lại cho rằng: “Người dân lo sau này tàu bè chạy nhiều sẽ gây sạt lở thôi, chứ chưa có nhà nào sạt lở cả”.

Ông Tuấn cho biết, các sà lan chở cát nói trên đều có giấy phép lưu hành nên UBND phường không thể ngăn cản được. Hiện UBND P.Long Trường đã thông tin với Công an Q.9 để đơn vị này báo với cảnh sát đường thủy kiểm tra. Các sà lan này lưu thông qua các nhánh sông ở nhiều phường nhưng do sông Nước Đục nhỏ nên sà lan lớn chạy vô quạt nước ra hai bên rất lớn, dễ gây sạt lở.

“Hiện phường đã làm báo cáo gửi về quận, đề nghị cho các đơn vị liên quan khảo sát, kiểm tra. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông tin lại cho người dân” - ông Tuấn nói. 

Ông cũng cho biết, UBND phường sẽ trao đổi với lãnh đạo CT Điền Phúc Thành xem có phải sà lan chở cát là của CT này không; nếu có, CT có hiệp thương đền bù với người dân hay không. Bên cạnh đó, UBND phường cũng cần có đánh giá xem việc nứt nhà có phải do tác động của sà lan hay không, mới có hướng giải quyết tiếp theo. 

Sơn Vinh - Minh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI