S.I.N.E: Muốn thay đổi cái nhìn về nhảy múa

29/12/2013 - 00:34

PNO - PNCN - Với không ít khán giả của chương trình Vũ điệu đam mê, S.I.N.E chỉ là một nhóm nhảy đang ngày càng gây nhiều ấn tượng, thế nhưng trong cộng đồng hiphop Việt, đây là cái tên đáng nể với nhiều thành tích sau hai năm thành lập:...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tách ra từ một nhóm nhảy khác, S.I.N.E là viết tắt của cụm từ Saying is not enough (chỉ nói thôi chưa đủ), và đúng như cụm từ này, nhóm đã hoạt động theo nguyên tắc làm hơn là nói. “Nhóm hiện có 20 thành viên, nhưng chỉ có sáu, có lúc là bảy thành viên tham gia Vũ điệu đam mê vì vấn đề thời gian”, Nguyễn Duy Thành - biên đạo của nhóm thay mặt cho các thành viên Bùi Minh Trí, Phạm Khánh Linh, Đinh Văn Tiến, Hoàng Tấn Đạt, Nguyễn Mạnh Hùng và Phạm Anh Đức cho biết.

S.I.N.E: Muon thay doi cai nhin ve nhay mua 

* Tại chương trình Vietnam’s Got Talent, các bạn mang trống lên sân khấu, còn tại Vũ điệu đam mê là… heo. Những ý tưởng cho tiết mục của các bạn thường dựa vào điều gì?

- Dựa vào những gì thuộc về văn hóa truyền thống của Việt Nam. Trống, heo hay các đạo cụ khác mà chúng tôi đưa lên sân khấu, là những gì thuộc về văn hóa, về đời sống, sinh hoạt của người Việt. Trong tiết mục nhóm hóa thân thành các anh bộ đội kể câu chuyện về những người mẹ Việt Nam đã hy sinh thầm lặng, cuộc sống cô đơn khi các con trai đều ra trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà chúng tôi mới dựng trong đêm bán kết cũng thế, đó là một câu chuyện rất Việt Nam. Đây là tiết mục chúng tôi muốn mọi người thấy rằng, thế hệ trẻ chúng tôi không phải không quan tâm đến lịch sử như mọi người tưởng. Có thể chúng tôi không cảm nhận được tường tận nỗi đau đó, nhưng cảm xúc, lòng tự hào dân tộc thì thế hệ người Việt Nam nào cũng giống nhau.

Sau một thời gian “chinh chiến” trong nước lẫn thế giới, điều mà S.I.N.E cảm thấy tiếc nhất cho hiphop Việt là các bạn trẻ coi trọng việc học hỏi các nước khác mà bỏ qua yếu tố văn hóa truyền thống trong các bài nhảy của mình. Khi xem các nhóm nhảy của nước khác, chúng ta dễ nhận ra ngay đó là phong cách của Hàn Quốc hay Nhật Bản, Thái Lan… còn hiphop của chúng ta, tính bản sắc còn thấp lắm. Trong khi đó, bản sắc là thứ để chúng ta được ghi nhận, được gọi tên. Với tôi, muốn làm gì thì phải hiểu văn hóa của mình trước, nhất là trong nghệ thuật.

* Để giữ sự gắn kết của 20 cá thể mà mỗi cá thể đều chứa một cái tôi nghệ thuật là điều không dễ, các bạn đã làm thế nào?

- Chúng tôi đều nhìn về mục tiêu lớn hơn của mình, lấy đam mê của mình làm gốc cho mọi ứng xử. Tưởng khó chứ thật ra không khó, vì chúng tôi có một điểm chung là hiphop mà. Dĩ nhiên không thể nào tránh khỏi những lúc bất đồng ý kiến, nhưng mỗi khi như thế, chúng tôi đều ngồi lại phân tích và mổ xẻ.

S.I.N.E: Muon thay doi cai nhin ve nhay mua

* Các bạn có nhắc về việc các bạn trẻ ngày nay bỏ qua yếu tố truyền thống trong bài nhảy của mình, điều đó là do đâu?

- Không phải do các bạn ấy, đó là sự tích hợp của nhiều khía cạnh. Ở một khía cạnh nào đó, các nhà sản xuất nghệ thuật không cho khán giả một món ăn ngon nhiều bản sắc; nhà quản lý lẫn việc giáo dục của chúng ta không chú trọng đến âm nhạc. Ở nước ngoài, việc một ai đó giỏi một nhạc cụ là chuyện bình thường, còn ở nước ta sẽ là hiện tượng. Vài cá nhân trong số chúng tôi cũng được mời dạy tại một số trường nghệ thuật, và nói thật là thất vọng lắm. Ở đó họ chỉ muốn học sinh, sinh viên học rập khuôn mà không khuyến khích sáng tạo và tự tư duy.

* Nhưng những gì thuộc về yếu tố văn hóa, nói nghe thì dễ nhưng để hiểu và để làm thì khó. Các bạn nghĩ cần phải làm gì, nhất là với vai trò của một người biên đạo?

- Đó là phông văn hóa. Nhiều người nghĩ rằng với nhảy múa, chỉ cần có kỹ thuật tốt là được, điều đó không đúng. Nói ví dụ thôi, bạn cần phải biết được văn hóa dân tộc Mường, Thái khác như thế nào thì mới có thể dựng được một tác phẩm thể hiện được đúng văn hóa của từng dân tộc. Ngoài ra còn phải hiểu về âm nhạc lẫn văn học và mỹ thuật. Hiểu âm nhạc thì mới có thể phân tích được một bài nhạc và thể hiện đúng ý nghĩ và triết lý của bài nhạc đó, cũng như có thể lựa chọn được phần âm nhạc để phù hợp với tác phẩm của mình; biết mỹ thuật thì sẽ biết bố cục đẹp của một bức tranh là gì để sắp xếp đội hình trong nhóm sao cho tạo hình đẹp nhất, và ánh sáng ra sao thì sẽ tôn được chủ thể; còn văn học, nói cho dễ hiểu là để bạn có một kết cấu chặt chẽ, tôn được ý tưởng của mình, như khi làm một bài văn bạn hiểu thế nào là mở đầu, thân bài và kết thúc, một bài nhảy cũng như thế.

* Người ta vẫn nhìn về hiphop như một điều gì đó của đường phố, nổi loạn và khó kiểm soát. Nhưng theo các bạn, hiphop có đúng như vậy không?

- Chúng tôi xin cam đoan, những người đam mê hiphop là những kẻ ngoan nhất. Như chúng tôi đây, hôm nào cũng tập nhảy đến 22g đêm, còn thời gian đâu mà nổi loạn, chơi bời phá phách. Hơn nữa, tính đường phố chỉ là nền tảng cơ bản của hiphop, sau đó chúng tôi còn phải phát triển nó lên thêm nhiều tầng nấc nữa, cũng giống như để vững về kỹ thuật âm nhạc, bạn phải bắt đầu từ nhạc cổ điển trước rồi sau đó phát triển ra. Dĩ nhiên, đã là nghệ thuật thì loại hình nào cũng cần một cái tôi cá nhân. Nói chung xã hội vẫn còn nhiều cái nhìn sai lệch về chúng tôi lắm, mà cái nhìn ấy chỉ dừng ở bề ngoài của chúng tôi thôi.

S.I.N.E: Muon thay doi cai nhin ve nhay mua

* Có vẻ như cái giá để các bạn trả cho đam mê hiphop không hề rẻ…

- Trong nhóm S.I.N.E, Nguyễn Duy Thành là người có thâm niên nhảy 11 năm, các thành viên “gạo cội” kế tiếp là Bùi Minh Trí và Phạm Khánh Linh với 10 năm. Mọi người tin không, hồi xưa Nguyễn Duy Thành là dân chuyên văn và nhạc cụ Thành học đầu tiên là piano. Bố mẹ Thành đều là bác sĩ, và không chỉ hai người mà cả dòng họ Thành đều phản đối con đường Thành đi. Thành phải thuyết phục họ bằng chính đam mê và việc làm của mình. Trong khi đó, hiphop đâu mang lại cho chúng tôi vật chất gì như những nghề khác, nhiều bạn trẻ đam mê hiphop mà tôi biết hiện vẫn phải chạy xe ôm, bốc vác để theo đuổi đam mê của mình. Trên sân khấu chúng tôi vào vai vua, vai tướng, nhưng rời nơi đó chúng tôi phải đau đầu tính xem hôm nay mình còn bao nhiêu tiền ăn. Vậy nhưng, khi chúng tôi đi nước ngoài, biết chúng tôi là dancer, họ tôn trọng lắm. Đó là chưa kể nước ngoài họ chỉ có một khái niệm dance, thì Việt Nam mình phân biệt rất rõ giữa hai chữ nhảy - múa, mà múa thì được coi trọng chứ nhảy thì…

* Khó khăn như thế, vậy có phải việc tham gia Vũ điệu đam mê cũng là một cơ hội để kiếm thêm thu nhập, củng cố quyết tâm theo nghề?

- Thi thố thì ai mà không mong mình đoạt giải, nhưng mục đích đoạt giải của chúng tôi cao hơn số tiền thưởng. Chúng tôi muốn được nhiều khán giả biết đến hơn, để những gì chúng tôi làm sau đó sẽ được hiểu hơn, ủng hộ hơn.

Sau chương trình này, dù đoạt giải hay không, chúng tôi vẫn tiếp tục công việc của mình: đi dạy, tham gia các giải đấu để học hỏi, thực hiện các buổi nói chuyện với các em đang theo hiphop… Còn mong muốn gần hơn? Đó là một chương trình biểu diễn với sự tham gia của nhiều nhóm nhảy, để giúp đỡ các em trong nhóm Ba thiên thần.

Võ Hà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI