Ruy Băng Tím: Ngọn lửa tuổi trẻ sẵn sàng bùng cháy

26/01/2023 - 06:46

PNO - Tháng 10/2022, bộ sách Ung thư tin đồn & sự thật (gồm 2 quyển: Phòng ngừa ung thư: Thế nào mới đúng? và Điều trị ung thư: Thực tại và tương lai) được vinh danh tại lễ trao giải thưởng Sách quốc gia lần thứ V với giải C.

Bộ sách hội đủ các tiêu chí của ban tổ chức như: giàu tính sáng tạo, tinh thần nhân văn sâu sắc, có giá trị khoa học, xã hội và tính thực tiễn cao… Tác giả bộ sách là một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Ruy Băng Tím.

Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã trò chuyện với một số thành viên của Ruy Băng Tím về bộ sách và hoạt động của nhóm. 

Chương trình Hormone hạnh phúc thiết kế  dành riêng cho giáo viên dự án Hỗ trợ nữ sinh  của Room to Read tại Tam Bình, Vĩnh Long
Chương trình Hormone hạnh phúc thiết kế dành riêng cho giáo viên dự án Hỗ trợ nữ sinh của Room to Read tại Tam Bình, Vĩnh Long

“Thuốc” trị hoang mang cho bệnh nhân ung thư

Phóng viên: Là người đại diện Ruy Băng Tím (RBT) đi nhận giải thưởng, bà có còn nhớ cảm xúc của mình và của nhóm khi bộ sách được vinh danh không?

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 Đặng Thị Lương (thành viên Ban Y học RBT, hiện công tác tại Bệnh viện Da liễu Trung ương): Lúc đầu chúng tôi bất ngờ, sau đó là vui mừng vỡ òa. RBT hoạt động được gần 7 năm, xuất bản nhiều quyển/bộ sách, rồi lịch để bàn, sổ tay, nhưng đây là lần đầu đoạt giải thưởng. Những khó khăn, nhọc nhằn mà nhóm trải qua khi thực hiện bộ sách và quá trình đem đến cộng đồng những thông tin khoa học về phòng chống ung thư đã được đền đáp xứng đáng…

Talkshow kỷ niệm 5 năm thành lập tổ chức  và ra mắt sổ tay Hormone hạnh phúc
Talkshow kỷ niệm 5 năm thành lập tổ chức và ra mắt sổ tay Hormone hạnh phúc

* Cái tên nhóm rất dễ thương và ấn tượng, nó đã ra đời từ nguồn cơn nào?

 Trương Thị Mỹ Dung - đồng sáng lập và Trưởng Ban truyền thông của RBT: RBT là tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam. RBT thành lập năm 2015 bởi Nguyễn Cao Luân (sinh năm 1990, lúc ấy là học viên cao học ngành tế bào học Đại học Hiroshima - Nhật Bản; hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành miễn dịch học Đại học New South Wales, Úc) và tôi - Trương Thị Mỹ Dung (sinh năm 1989, chuyên viên truyền thông, lúc đó đang phụ trách mục sức khỏe của một trang tin điện tử tại Việt Nam).

Chúng tôi chọn cái tên RBT (Lavender Ribbon) vì đây là biểu trưng được thế giới công nhận để nâng cao nhận thức về ung thư. Từ 2 thành viên ban đầu, nay RBT có gần 30 thành viên là các nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước, các bác sĩ và sinh viên y dược, biên tập viên, chuyên viên IT, designer và các chuyên gia truyền thông… Đội ngũ chúng tôi đa số thuộc thế hệ 9X và gen Z, giỏi giang, nhiệt huyết, chung khát khao cống hiến, đóng góp cho cộng đồng.

RBT đã xây dựng website khoa học cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về ung thư. Hiện trang web của nhóm: https://ruybangtim.com/ trở thành kênh thông tin khoa học uy tín về: kiến thức ung thư, tin đồn và sự thật, dinh dưỡng phòng ung thư, chăm sóc giảm nhẹ, các nghiên cứu mới, các loại ung thư, lối sống phòng ung thư, tầm soát ung thư.

Ngoài bộ sách Ung thư tin đồn & sự thật đã đoạt giải thưởng Sách quốc gia, còn có các ấn phẩm miễn phí như Lịch phòng chống ung thư, Sổ tay hormone hạnh phúc…

Tiến sĩ Trịnh Vạn Ngữ (tiến sĩ khoa học y sinh, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Ung thư MD Anderson, Mỹ) - thành viên Ban Khoa học RBT: RBT nay đã được nhiều người biết đến, bao gồm những bệnh nhân ung thư, người nhà bệnh nhân, và những người quan tâm tới sức khỏe, đặc biệt là về bệnh ung thư. Bạn đọc phản hồi, RBT là nơi cung cấp thông tin chính xác về ung thư, đặc biệt là giúp làm rõ những tin đồn thất thiệt, những phương pháp điều trị không chính thống, chưa được đánh giá, hay những quảng cáo thực phẩm chức năng nhắm vào người bệnh ung thư để trục lợi.

Bác sĩ Lê Nho Quốc - Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy: Các ấn phẩm của RBT gần gũi và dễ hiểu. Tôi thấy rõ sự "hút hàng" dựa trên số lượng sách bán ra, cũng như tương tác trong và ngoài cộng đồng RBT, dù là người bệnh hay người không bệnh. Người đọc sẽ hiểu hơn về bệnh tình, những tin đồn thiếu căn cứ không còn khiến người bệnh hoang mang, dẫn đến việc điều trị kém hiệu quả hoặc bỏ điều trị.

Talkshow kỷ niệm 5 năm thành lập tổ chức và ra mắt sổ tay Hormone hạnh phúc
Talkshow kỷ niệm 5 năm thành lập tổ chức và ra mắt sổ tay Hormone hạnh phúc

Trẻ và "chất"

* Hành trình gầy dựng RBT và có được đội ngũ cùng các sản phẩm "chất" như hiện nay, hẳn không dễ dàng?

Trương Thị Mỹ Dung: Thực sự là rất nhiều gian nan, nhưng may mắn là từ bước khởi đầu cho đến nay, RBT đã quy tụ được các thành viên trẻ, có năng lực, tràn đầy nhiệt huyết. Khi bạn sẵn sàng làm việc vì cộng đồng với tinh thần không vụ lợi, bạn chắc chắn sẽ gặp những người “cùng tần sóng”.

Thời gian đầu, Luân và tôi khi ấy chỉ 25-26 tuổi, thực sự đã "cháy" hết mình. Trừ thời gian với công việc chính, 100% tinh lực còn lại, chúng tôi dành cho RBT. Tôi lo về vận hành, Luân phụ trách chuyên môn, viết bài. Chúng tôi cùng “lượn” mạng xã hội, tìm hiểu những vấn đề nổi cộm, rồi bàn thảo chủ đề. Trong lúc Luân nghiên cứu các bằng chứng khoa học, tôi gõ ra những thắc mắc của mình với vai trò là một người đọc bình thường. Bài viết của Luân sẽ giải đáp các vấn đề đó mà vẫn đảm bảo yếu tố chuyên môn.  

Trang Kiến thức ung thư cho mọi người trên Facebook mà chúng tôi dày công gầy dựng, nhanh chóng nhận sự tin tưởng của cộng đồng; vừa đáp ứng nhu cầu của bạn đọc phổ thông, vừa được người có chuyên môn y khoa đồng tình.

Từ nền móng đó, chúng tôi bắt tay vào việc xây dựng đội ngũ, và sự xuất hiện của tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ (tiến sĩ sinh học phân tử, Viện Nghiên cứu ung thư City of Hope, California, Mỹ) - cố vấn khoa học của RBT là dấu mốc trưởng thành và lớn mạnh của RBT. Chúng tôi tìm được nhiều cộng sự trẻ trong cả 3 lĩnh vực nghiên cứu, y học và truyền thông. 

Workshop nội bộ: Thực hành làm infographic  về sức khỏe. Các bạn trong nhóm Ruy Băng Tím  đang trao đổi và thiết kế infographic dựa trên  một bài viết có sẵn trên web. Trong ảnh là thạc sĩ  Nguyễn Thị Uyên (cộng tác viên Ban Khoa học),  bác sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Thơ (cộng tác viên Ban Y học) và Trương Tài Nhân (Trưởng nhóm hình ảnh)  đang trao đổi
Workshop nội bộ: Thực hành làm infographic về sức khỏe. Các bạn trong nhóm Ruy Băng Tím đang trao đổi và thiết kế infographic dựa trên một bài viết có sẵn trên web. Trong ảnh là thạc sĩ Nguyễn Thị Uyên (cộng tác viên Ban Khoa học), bác sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Thơ (cộng tác viên Ban Y học) và Trương Tài Nhân (Trưởng nhóm hình ảnh) đang trao đổi

* Có thể mô tả ngắn gọn về các ấn phẩm của RBT như thế nào?

Trương Thị Mỹ Dung: Đẹp - chỉn chu - trong sạch đó là tiêu chí xuyên suốt mà nhóm đã định vị và duy trì. Chúng tôi muốn hình ảnh RBT phải luôn đẹp, tươi sáng, nhẹ nhàng để mọi người có được trạng thái thả lỏng, lạc quan, thoải mái khi tiếp cận. Chúng tôi đẩy đi nỗi sợ và “vạch trần” nỗi sợ, giúp bạn phải lý trí hơn để nhìn cho rõ bản chất thực sự của vấn đề.

Ấn phẩm của RBT phải luôn đạt tiêu chí đẹp, bởi chúng tôi nhất quán: "Phụng sự cộng đồng vẫn phải làm chỉn chu nhất có thể, là món quà cho đi nhưng phải cho thứ quý nhất". Các bài viết phải dễ hiểu và được minh họa, đồ họa đẹp nhất có thể.

RBT cũng muốn chuyển tải những hình ảnh đẹp về bác sĩ và nhà nghiên cứu, đưa họ đến gần hơn với cộng đồng một cách trực tiếp, chứ không qua các lăng kính khác, tránh được tình trạng bị bóp méo. Không phải là "đầu to, mắt cận, đầu bù tóc rối" như nhiều người hình dung, đội ngũ của RBT rất trẻ, đẹp, sành điệu, năng động. 

RBT nhận được nhiều đề nghị tài trợ với những gói tài trợ lớn, nhưng chúng tôi đồng tâm "chúng ta tồn tại là vì cộng đồng, mỗi thông tin đưa ra phải có lợi cho cộng đồng chung. Gói tài trợ dù lớn đến đâu, nhưng nếu kèm theo lợi ích cá nhân thì từ chối". Thêm một điều may mắn là, nhóm cũng có những "nhà tài trợ thiên thần" đồng hành. Nghĩa là những nhà tài trợ chỉ bỏ hiện kim hoặc quà tặng ra hỗ trợ, chứ không đòi hỏi bất kỳ thông tin hay hình ảnh quảng cáo nào.

Workshop nội bộ: Viết một bài báo sức khỏe dễ hiểu
Workshop nội bộ: Viết một bài báo sức khỏe dễ hiểu

* Các thành viên hiện ở nhiều quốc gia, công việc chủ yếu trao đổi online, làm thế nào để RBT bảo đảm sự chỉn chu đề ra? 

Lê Anh Phương (tiến sĩ kỹ thuật y sinh/vật lý sinh học. Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, Harvard Medical School. Boston Children’s Hospital) - Trưởng ban Khoa học RBT: Để đảm bảo sự chỉn chu, RBT đã xây dựng một quy trình chuẩn cho mỗi thông tin trước khi được phổ biến đến cộng đồng. Cụ thể, trưởng ban thường đưa ra những tiêu chí và thời hạn dựa trên thảo luận và thống nhất của thành viên. Tôi cũng thoải mái cho các bạn chọn chủ đề, miễn là đảm bảo có ích về mặt thông tin cho cộng đồng, đảm bảo chất lượng và tính chuyên nghiệp. Chẳng hạn, bạn có thể đóng góp 1-2 bài viết, nhưng đó phải là bài viết chất lượng, và phải chịu trách nhiệm về bài của mình tới lúc xuất bản. 

Để các bạn thành viên và cộng tác viên mới khỏi bỡ ngỡ và bị "hẫng", tôi cũng soạn thảo sườn bài mẫu hoặc hướng dẫn viết bài cụ thể. 

Đặc biệt, quy trình kiểm duyệt đối với mỗi bài viết được thực hiện như xuất bản bài báo khoa học, có phản biện và có người điều phối để phản biện mang tính đóng góp trao đổi. Khoảng 3-4 người tham gia quy trình viết - kiểm tra - đánh giá. Sau đó, còn có biên tập viên biên tập câu chữ, thêm từ khóa để tối ưu việc xuất hiện trên Google, và bộ phận thiết kế sẽ thực hiện việc minh họa, đồ họa thông tin…

Chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến cách dùng từ sao cho vừa đúng vừa dễ hiểu, các hình ảnh xuất hiện, dù là nhỏ nhất cũng được “soi” kỹ, hạn chế tối đa việc sai sót hoặc gây hiểu nhầm cho bạn đọc. Với mỗi bài viết, RBT đều đặt câu hỏi: "Nếu người nhà của bạn rơi vào trường hợp này, thì bạn sẽ cần thông tin như thế nào?".

Ruy Băng Tím ra mắt bộ sách Ung thư tin đồn & sự thật tháng 4/2021. Diễn giả khách mời: thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Quang Khánh, Bệnh viện Chợ Rẫy
Ruy Băng Tím ra mắt bộ sách Ung thư tin đồn & sự thật tháng 4/2021. Diễn giả khách mời: thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Quang Khánh, Bệnh viện Chợ Rẫy

* Mỗi thành viên RBT đều bỏ công sức, tâm huyết mà không có thù lao, vậy các bạn được gì?

Tiến sĩ Lê Anh Phương: Mỗi thành viên đã học được khá nhiều về cách viết, làm việc trong môi trường khoa học. Tôi nghĩ ngoài ý nghĩa cộng đồng, chất lượng của công việc ở RBT chính là thứ hấp dẫn và truyền lửa cho các thành viên lẫn cộng tác viên.

Trương Thị Mỹ Dung: Được rất nhiều chứ! Mỗi chúng tôi đều trưởng thành hơn sau mỗi bài viết, mỗi hoạt động của RBT. Mặc dù dành nhiều công sức, tâm huyết, thời gian mà không thù lao, thậm chí nhiều phen còn xuất tiền túi ra để thực hiện, nhưng tôi hân hoan khi thấy mình nhận lại rất nhiều. 

Giờ đây, với mỗi thành viên chúng tôi, RBT đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống. Ngọn lửa nhiệt huyết trong mỗi người đã nhiều phen hừng hực, nay vẫn như than trong lò, và khi cần thiết sẽ sẵn sàng bùng cháy.

Hà Nguyễn (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI