"Rụt rè" có là vĩnh viễn?

20/12/2022 - 22:51

PNO - Sau thời gian dài chịu cảnh tường có mắt vách có tai, một số phụ nữ vẫn lâm cảnh “rụt rè” trong chuyện chăn gối.

Trước khi có nhà riêng, vợ chồng tôi từng thuê phòng trọ. Không biết có phải do thói quen “đi nhẹ nói khẽ” khi sống cảnh phòng trọ mà đến giờ, vợ tôi vẫn chưa thể bung hết sức trong chuyện vợ chồng?

H.Nguyên (TPHCM)

Quả có chuyện sau thời gian dài chịu cảnh tường có mắt vách có tai, một số phụ nữ vẫn lâm cảnh “rụt rè” khi đã có không gian riêng để tung hoành. 

Về tiên lượng của di chứng này, khó trả lời, bởi phụ thuộc nhiều tham số. Trước tiên là… cơ địa. Không ít phụ nữ bẩm sinh luôn tin rằng một tiếng kêu khẽ của mình cũng đủ cho bốn phương tám hướng nghe thấy. Thói quen thì thầm trong sinh hoạt hoặc bật ti vi ầm ĩ nhằm át tiếng động riêng tư sẽ giúp “nhận diện” họ.

Ở một thể khác, không thiếu các cô ấn tượng thái quá về vấn đề cửa đóng then cài. Thói quen rảo một vòng kiểm tra cửa nẻo trước khi lên giường là triệu chứng lâm sàng kinh điển của “bệnh” này. Nếu đã sẵn “bệnh” mà còn thêm cả nguy cơ mất an ninh từ việc không có không gian riêng, hẳn “bệnh” càng trầm trọng thêm và kéo dài. 

Ảnh mang tính minh họa - Cottonbro Studio
Ảnh mang tính minh họa - Cottonbro Studio

Thực ra sâu xa, nếu rơi vào tình cảnh vừa nói, khoái lạc sau nhiều năm tháng bị quả tạ “điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe” đè nén có thể biến thành một thứ chuẩn thấp, kiên cố và khó sửa. Điều đó giải thích vì sao nhiều cô thay vì long trời lở đất cho bõ những ngày tháng bị đè nén thì vẫn duy trì mọi thứ ở mức lửng lơ.

Nói thêm cho đủ màu sắc, chuyện này có khi còn dính đến… chiếc nôi em bé. Thâm niên âm lượng nhỏ nhằm tránh quấy giấc “cục cưng” cũng để lại di chứng tương tự, thậm chí cho cả các ông chồng. 

Không còn cách nào khác ngoài mưa dầm thấm đất, lấy thời gian làm tàu phá băng. Trong thời gian “rã đông”, việc của cả hai là bình tĩnh, tránh sốt ruột.

Dù không loại trừ một “vết sẹo” vĩnh viễn nhưng đa phần chúng chưa sâu đến nỗi không thể khỏa lấp.

Có một kế, như cách người ta thường chữa cho người mắc chứng ám sợ: xuyên qua nỗi sợ. Mở hết cửa nẻo, hai bên thỏa sức ồn ào và thu âm tất cả, sau đó mở chúng trong phòng, đóng hết cửa và mời nạn nhân nghe lại bên ngoài. Mách có chứng, chúng thường không làm phiền đến những đôi tai ngoài cuộc. Dần dà, nỗi sợ này sẽ bị đánh bay.

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI