“Rút lui trong thầm lặng” thay vì nỗ lực làm việc

04/09/2022 - 06:00

PNO - Đó là một xu hướng lựa chọn mới của nhiều người đối với công việc sau đại dịch. Khi nơi làm việc đã trải qua nhiều thay đổi và phương thức làm việc từ xa trở nên phổ biến hơn. Điều đó tốt hay không vẫn là vấn đề tranh cãi, tuy nhiên có vẻ như ngày càng có nhiều người lựa chọn xu hướng này.

Rút lui trong thầm lặng 

Không hài lòng với công việc nhưng rời bỏ công việc không phải là một lựa chọn khả thi hoặc không có lựa chọn thay thế hấp dẫn nào khác, bạn có thể thử “rút lui trong thầm lặng - quiet quitting”. Đây là một trào lưu phát triển trên TikTok và rõ ràng đã thu hút được nhiều người trong giới trẻ. 

Zaiad Khan - một người dùng TikTok với hơn 10.000 người theo dõi - chia sẻ: “Gần đây tôi đã biết về thuật ngữ “rút lui trong thầm lặng”, nơi bạn không bỏ hẳn công việc của mình, mà chỉ từ bỏ ý tưởng vượt lên trên vị trí hiện tại. Bạn vẫn làm nhiệm vụ của mình, nhưng không còn chấp nhận văn hóa hối hả với tinh thần rằng công việc phải là cuộc sống”. Tương tự, Clayton Farris - một người dùng TikTok với 48.000 người theo dõi - nói trong video riêng: “Tôi chọn điều này vì không muốn căng thẳng và giằng xé nội tâm”. 

Nhiều người cho rằng “rút lui trong thầm lặng” giúp họ không phải chịu gánh nặng làm việc quá mức và kiệt sức - Ảnh: Istock
Nhiều người cho rằng “rút lui trong thầm lặng” giúp họ không phải chịu gánh nặng làm việc quá mức và kiệt sức - Ảnh: Istock

Dường như số nhân viên “rút lui trong thầm lặng” đang ngày càng tăng lên. Họ rời nơi làm vào đúng 17g, chỉ làm những công việc được giao và từ chối làm thêm bất kỳ công việc không được trả công nào. Đồng thời họ cũng hạn chế gặp đồng nghiệp sau giờ làm. Gabrielle Judge (25 tuổi) - nhân viên tại một công ty công nghệ ở Denver (Mỹ) - ủng hộ việc giao tiếp với đồng nghiệp dựa trên các ranh giới lành mạnh, một cách có trách nhiệm. Cô nói: “Tôi luôn thích sự cân bằng. Miễn là công việc được hoàn thành và tôi không cần bận tâm quá nhiều đến những đồng nghiệp khác”.

Maria Kordowicz - phó giáo sư về hành vi tổ chức tại Đại học Nottingham (Anh) - cho biết sự gia tăng của “rút lui trong thầm lặng” có liên quan đến sự sụt giảm đáng kể về mức độ hài lòng trong công việc.

Báo cáo về nơi làm việc toàn cầu năm 2022 của Gallup cho thấy chỉ có 9% người lao động ở Anh gắn bó hoặc nhiệt tình với công việc của họ. Mặt khác, một nghiên cứu gần đây của Deloitte cho thấy những người trẻ đang ngày càng tìm kiếm sự linh hoạt trong công việc cũng như sự cân bằng và hài lòng trong cuộc sống riêng. Nhiều chuyên gia trẻ hiện đang từ chối “sống để làm việc”, chọn cách tiếp tục làm việc nhưng không cho phép công việc kiểm soát họ. Cũng có ý kiến cho rằng các bài đăng trên TikTok về việc rút lui có thể được truyền cảm hứng từ lối sống “nằm thẳng - tang ping” mà trong đó mọi người chỉ muốn nằm yên, mặc kệ đời nổi trôi.

Khôi phục sự cân bằng

Các nghiên cứu phát hiện ra rằng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống có liên quan đến sức khỏe tinh thần. Một cuộc khảo sát năm 2021 với 2.017 người lao động tại Anh cho thấy có hơn một nửa người tham gia cảm thấy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của họ khá thấp.

Từ đó, “rút lui trong thầm lặng” là lựa chọn nhằm mục đích khôi phục lại sự cân bằng khi công việc len lỏi vào thời gian cá nhân của mỗi người. Ngoài ra, nó cũng có thể giúp tách biệt giá trị bản thân khỏi công việc. Những thất bại trong công việc, chẳng hạn như không được thăng chức hoặc công nhận thành tích, có thể được xem như thất bại cá nhân. Điều này sẽ làm tăng sự lo lắng, khiến người lao động băn khoăn làm thế nào để cải thiện hiệu suất. Thông thường, mọi người phản ứng bằng cách làm nhiều việc hơn, càng làm trầm trọng thêm vòng luẩn quẩn làm việc quá sức. Khi mọi thứ trở nên thực sự tồi tệ, nó có thể dẫn đến kiệt sức. 

Vào năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức công nhận kiệt sức là một hiện tượng nghề nghiệp đặc trưng bởi cảm giác suy kiệt, kiệt sức, hoài nghi, tinh thần xa rời công việc và hiệu suất kém hơn. Kiệt sức là một nguy cơ đáng kể khi làm việc quá sức và có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe thể chất, tình cảm và tinh thần. Kiệt sức không chỉ gây tổn thất cho các cá nhân mà còn cả người sử dụng lao động. 

Nhiều người kiệt sức cuối cùng phải nghỉ làm, hoặc ít nhất là làm việc không hết công suất. “Rút lui trong thầm lặng” có thể tạo ra sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống cá nhân, dắt bạn khỏi tình trạng kiệt sức trước khi nó xảy ra. 

 

Tấn Vĩ (theo Guardian, Reuters, NY Times)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI