Rút lại Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa

26/04/2014 - 08:39

PNO - Ngày 25/4, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã báo cáo về việc xin rút nội dung thảo luận về báo cáo thẩm tra...

Điều đó đồng nghĩa với việc Chính phủ sẽ rút, không trình dự thảo Nghị quyết tại tại kỳ họp Quốc hội thứ 7 khai mạc vào tháng 5 tới đây.

Rut lai De an doi moi chuong trinh - sach giao khoa
Phụ huynh chọn mua sách giáo khoa. Ảnh: MAI HẢI

Bổ sung hồ sơ, kinh phí thực hiện

Về lý do xin rút nội dung này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi có ý kiến của các Ủy viên Thường vụ Quốc hội (ngày 14-4) về nội dung đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT cần phải bổ sung hồ sơ, trong đó có nội dung về kinh phí thực hiện.

“Hồ sơ đã được chuẩn bị cơ bản đầy đủ, riêng vấn đề kinh phí không trình được lần này vì phải có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính và các bộ liên quan, rồi sau đó là ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Vì vậy, phải có thời gian để chuẩn bị. Bộ đã xin ý kiến Thủ tướng và được Thủ tướng đồng ý cho rút nội dung về đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông ra khỏi chương trình kỳ họp Quốc hội này. Bộ GD-ĐT sẽ khẩn trương hoàn thiện để trình ra vào một thời điểm phù hợp” - Bộ trưởng báo cáo.

Thay mặt ủy ban, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chấp nhận lý do xin rút và đề nghị Bộ GD-ĐT sớm hoàn thiện hồ sơ về các nội dung, trong đó có vấn đề kinh phí. Ông Thi đề nghị: “Bộ trưởng cần chỉ đạo Ban soạn thảo hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến góp ý của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ví dụ như báo cáo tổng kết Nghị quyết 40 của Quốc hội về chương trình - SGK hiện hành; báo cáo tác động (hiện chỉ có 2,5 trang, quá sơ sài so với tác động của đề án). Phấn đấu cố gắng trình ra tại kỳ họp thứ 8 vào cuối năm nay”.

Việc Bộ GD-ĐT được Chính phủ ủy quyền xin lùi thời hạn trình nội dung về đổi mới chương trình - SGK phổ thông được dư luận và các chuyên gia giáo dục đánh giá cao. Ông Lê Văn Học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, đề án đổi mới SGK phải được làm kỹ càng, không vội vàng như vừa qua, rất “mang tiếng” với xã hội.

Rut lai De an doi moi chuong trinh - sach giao khoa
Học sinh lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) trong giờ học Văn. Ảnh: MAI HẢI

Dạy nghề “èo uột”

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng xem xét lần cuối về kết quả giám sát việc thực hiện Luật Dạy nghề trước khi trình ra kỳ họp Quốc hội tới. Kết quả giám sát cho thấy, lĩnh vực dạy nghề hiện nay còn nhiều yếu kém, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Tính đến cuối năm 2013, cả nước có 1.337 cơ sở dạy nghề. Hiện có khoảng gần 2 triệu sinh viên, học viên học nghề. Quy mô này tăng 1,5 lần so với năm 2006. Dạy nghề công lập là đa số, chiếm 62%. Thế nhưng công tác quy hoạch cơ sở dạy nghề chưa tính đến các cơ sở dạy nghề ngoài công lập chưa điều chỉnh hài hòa, hợp lý. Phần lớn tập trung ở các khu đô thị trong khi vùng nông thôn ít. Các nghề đặc thù, có độc hại rất ít người học dù nhu cầu thị trường lớn. Tuy điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề từng bước được cải thiện, nhưng chất lượng dạy nghề nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Trong đó đặc biệt đáng ngại là chất lượng đầu vào của học viên học nghề còn thấp. Phần lớn học sinh đăng ký học nghề là những em không đủ điều kiện về năng lực học tập để vào ĐH-CĐ, thậm chí là trung cấp chuyên nghiệp. Trình độ của đội ngũ giáo viên còn hạn chế, chưa được chuẩn hóa. Chương trình dạy nghề chậm đổi mới, lạc hậu so với tiến bộ KH-CN… Hàng loạt những bất cập đó khiến kỹ năng nghề, năng lực nghề nghiệp của lao động Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Ông Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM cho rằng, chất lượng tuyển sinh trường nghề thấp do công tác hướng nghiệp, tư vấn kém (trong khi khối đại học làm rất tốt). Ngoài ra, chính sách tuyển dụng ảnh hưởng rất lớn đến việc tuyển sinh.

Từ thực tế đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Dạy nghề, trong đó cần xây dựng cơ chế nhà nước đặt hàng với các cơ sở dạy nghề. Có chính sách cụ thể để phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông vào học nghề. Ủy ban cũng đề xuất bổ sung quy định về chức danh nghề nghiệp đối với người tốt nghiệp các trường nghề, trên cơ sở đó có quy định về thang bảng lương riêng đối với người tốt nghiệp các trình độ dạy nghề. Bổ sung quy định về chính sách ưu tiên, ưu đãi về học phí, học bổng thu hút đối với học viên các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và các nghề mũi nhọn cần thiết nhưng khó tuyển sinh…

Theo PHAN THẢO (Sài Gòn Giải Phóng)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI