Rút khỏi TPP là sai lầm của ông Trump

25/01/2017 - 16:30

PNO - Mỹ chính thức rút khỏi quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tương lai nào tiếp theo cho TPP trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng có sức hút?

1. Rút khỏi TPP là sai lầm của ông Trump

TPP là một tổ chức kinh tế được đánh giá chiếm tới 40% tổng giá trị thương mại của toàn cầu. Nó sẽ làm tăng kim ngạch xuất khẩu lên 305 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2025.

Xuất khẩu của Mỹ theo đó sẽ tăng 123,5 tỷ USD, tập trung vào máy móc, đặc biệt là điện, ô tô, nhựa và ngành nông nghiệp.

Các nhà sản xuất ô tô đã mong đợi TPP mang đến cho họ những chính sách giảm thuế đáng kể ở châu Á. Các công ty công nghệ cũng như các hãng sản xuất điện thoại di động lớn của Mỹ cũng đã có kế hoạch nới lỏng chính sách và quy định, nhằm tạo thị trường cởi mở hơn với các quốc gia thành viên của TPP.

Như vậy, rút khỏi TPP sẽ khiến Mỹ chậm chân trong nỗ lực tiếp cận những thị trường tiềm năng.

Rut khoi TPP la sai lam cua ong Trump
Nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain cho rằng rút khỏi TPP là sai lầm nghiêm trọng. - Ảnh: MSNBC

Ngày 23/1, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain công khai cho rằng quyết định rút khỏi TPP là quyết định sai lầm nghiêm trọng của Mỹ, sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực về lâu dài đối với nền kinh tế Mỹ cũng như vị thế chiến lược của nước này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo ông John McCain, quyết định rút khỏi TPP sẽ tước đi những cơ hội: thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, xóa bỏ các rào cản thương mại, mở ra các thị trường mới cũng như bảo vệ các phát minh và sáng tạo của người Mỹ.

Trước đó, ông Ian Bremmer, Chủ tịch tổ chức nghiên cứu Eurasia Group cho rằng, rút khỏi TPP là cách Mỹ khiến vị thế của mình trong mắt các quốc gia châu Á giảm sút. Ông Ian cho rằng, nhiều quốc gia châu Á đã tập trung rất nhiều cho TPP và khi Mỹ rút khỏi TPP, những nước này có cảm giác họ sẽ không trông chờ nhiều vào Mỹ nữa.

2. Cơ hội của Trung Quốc

Nhiều chuyên gia nhận định, việc Mỹ rút khỏi TPP tạo nên khoảng trống về kinh tế lẫn chính trị mà Trung Quốc rất mong lấp đầy.

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc đến chủ nghĩa bảo hộ như là cách tự khóa mình trong phòng tối. Ông Tập Cân Bình cho biết Trung Quốc sẽ không ngừng tìm kiếm những thỏa thuận thương mại trong khu vực.

Rut khoi TPP la sai lam cua ong Trump
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi đàm phán TPP. - Ảnh: CNN

Trung Quốc không tham gia TPP nhưng có kế hoạch riêng. Đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước Đông Nam Á và 6 đối tác thương mại lân cận, gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Ông Eric Altbach, Phó Chủ tịch Albright Stonebridge Group ở Washington, nhận định. “Đây là một món quà to lớn cho Trung Quốc bởi giờ đây họ có thể tiến lên nắm lấy vị trí dẫn đầu tiến trình tự do hóa thương mại”.

3. Điều gì sẽ tiếp diễn?

Đến nay, Tổng thống Donald Trump vẫn là một ẩn số với các nhà quan sát. Nhiều chuyên gia cho rằng không dễ gì Mỹ có thể để cho Trung Quốc quá nhiều cơ hội. Sẽ có sự tính toán lại.

Nghị sĩ Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện từng tiết lộ, ông Trump sẽ xóa bỏ thỏa thuận TPP hiện tại và đàm phán một thỏa thuận mới có lợi hơn cho Mỹ. Bước đầu tiên đã được thực hiện và bây giờ, tất cả đang trông chờ bước đi kế tiếp của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Rut khoi TPP la sai lam cua ong Trump
Trong lễ nhậm chức, ông Trump tuyên thệ: “Nước Mỹ là trên hết”. - Ảnh: Business Insider

Theo ông Harry Kazianis, Giám đốc phụ trách nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích quốc gia, ông Trump nhiều khả năng sẽ tìm cách trấn an các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á bằng những thỏa thuận tự do thương mại song phương.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cũng cho biết, ông đã có những cuộc thảo luận riêng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng New Zealand Bill English và Thủ tướng Singapore Ly Hiển Long về một tương lai TPP không có Mỹ.

Giới phân tích đoán rằng các quốc gia sẽ cân nhắc thận trọng để có những sự hợp tác tốt nhất vì lợi ích quốc gia.

                                                                    Di Lâm (Theo Strait Times, CNN, Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI