Mối họa khó lường từ rượu “trôi nổi”

Rượu giá rẻ dưới mác “nhà quê”, “nhà nấu”

23/11/2020 - 06:59

PNO - Các khu nhà trọ công nhân ở TPHCM hiện đang bán những loại rượu “siêu rẻ” với giá chỉ 10.000 đồng/chai. Trong khi đó, trên thị trường đang lưu hành một loại men “thần kỳ” có thể ủ rượu bằng nước lã và gạo sống.

Mới đây, trên cơ sở báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai liên quan đến bảy bệnh nhân ngộ độc rượu tại tỉnh Bắc Giang, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị lực lượng chức năng thu hồi hai sản phẩm Rượu Nếp và Hầm Rượu Việt trên toàn quốc. Tại TPHCM, cũng từng có nhiều trường hợp bị ngộ độc do uống rượu không rõ nguồn gốc nhưng việc kiểm soát các lò rượu thủ công dường như vẫn bị bỏ ngỏ.

“Rượu quê” giá 10.000 đồng

17g, sau ca làm, anh Thành - công nhân, quê tỉnh Quảng Ngãi - chở tôi đến lò rượu có tên 904 nằm trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12, TPHCM để mua vài xị về tiếp khách. Theo anh Thành, lò rượu này là mối quen của nhiều công nhân, lao động thu nhập thấp. Những ngày cuối tuần, khách ra vào lò rượu này nườm nượp và chủ lò rượu còn bỏ mối cho nhiều quán nhậu trong quận.

Rượu ở lò 904 được đong sẵn vào từng chai nhỏ, mỗi chai có giá 10.000 đồng. Anh Thành mua cùng lúc năm chai rượu, tương đương 2,5 lít và chỉ tốn 50.000 đồng. Trong khi đó, ở nhiều lò rượu thủ công khác, giá bán một lít rượu thường trên 50.000 đồng. Anh Thành phân trần: “Rượu này có giá hợp túi tiền của công nhân, 20.000 đồng/lít cũng có, 60.000 đồng/lít cũng có. Rượu 10.000 đồng/chai có mùi cồn nhưng uống say, sáng dậy vẫn không đau đầu”.

Hôm sau, trong vai người đang cần mua rượu với số lượng lớn để về đãi thợ hồ làm công trình, chúng tôi đến lò rượu 904 thì được một phụ nữ dẫn đến quầy trưng bày đủ loại rượu.

Rượu được đựng sẵn trong các hũ thủy tinh hoặc chai nhựa, bên ngoài ghi giá bán từ 10.000-40.000 đồng/lít. Bà này cho biết: “Chỗ tôi là lò nấu rượu lớn nên chú muốn mua mấy trăm lít cũng có. Nếu mua về cho thợ hồ uống thì chỉ cần mua loại rượu 20.000 đồng/lít là được rồi”.

Đủ loại rượu không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên thị trường gây tổn hại sức khỏe người sử dụng
Đủ loại rượu không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên thị trường gây tổn hại sức khỏe người sử dụng

Khi chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ về giá rẻ bất thường, người này lý giải, giá bán rẻ vì đây là loại rượu “nước ba”, bán cho người có thu nhập thấp. Tuy giá bán rất rẻ nhưng người bán khẳng định “rất an toàn”. Để chứng minh, bà dắt chúng tôi đến xem chỗ lò chưng cất rượu và tư vấn: “Để chắc ăn, em lấy thử hai chai về cho thợ uống thử, được thì ra mua nữa”. Nói rồi, bà cầm ra hai chai nhựa đựng một thứ rượu đục ngầu, bán cho chúng tôi với giá 10.000 đồng/chai.

Khu dân cư nằm phía sau khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh được ví là “thiên đường” tiêu thụ các loại rượu “quê” không rõ xuất xứ. Tại một tiệm tạp hóa nằm sâu trong con hẻm của Hương lộ 80, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, rượu được chủ lò đựng trong một can nhựa 20 lít chở đến. Sau đó, chủ tiệm tạp hóa rót rượu vào túi ni-lông để bán cho khách, giá mỗi túi rượu 10.000 đồng.

Tại một lò rượu trên đường Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, mỗi buổi chiều, sau giờ tan ca, các công nhân ghé mua rất đông. Rượu ở đây được đựng trong các bình thủy tinh, có đánh số 30, 40, 50, 60, tương ứng với giá bán cho mỗi lít rượu. Loại rượu có giá chỉ 30.000 đồng/lít là mặt hàng bán chạy nhất. 

Thấy chúng tôi bước vào, chủ quán tên T. hỏi ngay: “Anh muốn mua rượu ngâm hay rượu để uống?”. Theo ông T., muốn ngâm thuốc, nên mua loại rượu giá 60.000 đồng/lít, có màu trong vắt và độ rượu mạnh, còn muốn uống liền, nên mua loại rượu mới nấu, giá chỉ 15.000 đồng/chai nửa lít.

Theo quan sát của chúng tôi, loại rượu này có màu đục, mùi hắc rất khó chịu. Ông T. giải thích: “Rượu này là nước sau cùng rồi, nước một là loại rượu 60.000 đồng/lít, nước hai là rượu 50.000 đồng/lít. Tất cả đều là rượu do nhà nấu nên anh cứ yên tâm. Mỗi ngày, tôi bán cả trăm lít chứ có phải ít đâu”.

Lò rượu của ông T. còn bán nhiều bình rượu thuốc ngâm sẵn, được quảng cáo có rất nhiều công dụng cho sức khỏe. Trong lúc trò chuyện, ông T. lặp đi, lặp lại cụm từ “rượu quê”, “nhà nấu” nhưng không nói về phương thức nấu để cho ra loại rượu có giá rẻ gấp ba lần bình thường.

Không cần nấu cũng thành rượu

Hơn 20 năm trong nghề nấu rượu, ông Đ.H.T.Q. - ở quận Tân Phú - thuộc lòng công thức để nấu một mẻ rượu ngon cũng như đủ kiểu để pha chế. Theo đó, để có một mẻ rượu, phải qua các công đoạn gồm nấu cơm, làm men, ủ men với cơm, chưng cất. “Tại TPHCM này, nếu nấu rượu đàng hoàng mà bán dưới 50.000 đồng/lít thì chỉ có nước bán nhà” - ông Q. khẳng định.

Theo ông Q., loại rượu đang được bán với giá 10.000 đồng/chai trên thị trường cũng là rượu nhà nấu, nhưng nấu bằng cách khác. Cách nấu này không lệ thuộc vào quá trình chưng cất mà được “trợ giúp” bằng một nguyên liệu có tên “men sống” hoặc “men nước”. Với loại men này, chỉ cần pha men, gạo sống, nước để ủ là thành rượu. Cách này giúp bỏ qua được một số công đoạn cơ bản trong nấu rượu và có thể cho ra lò mỗi ngày cả trăm lít rượu. 

“Một ký men sống có giá khoảng 50.000 đồng, pha chế được khoảng 50 lít rượu. Một ký gạo ủ với men sống sẽ cho ra thành phẩm nhiều gấp 3-5 lần so với cách nấu thông thường. Đó là lý do khiến thị trường có những loại rượu giá rẻ bất ngờ”.

Theo ông Q., gọi là “men sống” nhưng thực chất đây là một loại hóa chất không rõ nguồn gốc. Có một giai đoạn, người bán đến các lò rượu tiếp thị loại men này rất rầm rộ. Hiện nay, cơ quan chức năng đã quản lý chặt nên “men sống” không còn được bán công khai, nhưng nó vẫn xuất hiện ở khu Chợ Lớn.

Chiều 18/11, theo hướng dẫn của ông Q., chúng tôi tìm đến sạp hàng của bà N. “men” nằm sâu trong chợ Bình Tây, quận 6. Khách đến, bà N. trưng ra đủ loại men nấu rượu để giới thiệu.

Những bình rượu mập mờ về nguồn gốc được bán với giá rẻ bất ngờ ở TP.HCM
Những bình rượu mập mờ về nguồn gốc được bán với giá rẻ bất ngờ ở TPHCM

Tuy cách sử dụng khác nhau, nhưng điểm chung của các loại men này là đều phải nấu cơm để ủ. Khi chúng tôi hỏi về loại men không cần nấu cơm để ủ, bà N. có vẻ e dè, rồi nói: “60.000 đồng/kg. Mua nhiều không?”. Nghe chúng tôi nói sẽ mua 1-2kg, bà N. lắc đầu, cho biết chỗ bà không bán lẻ loại men này mà thường bỏ sỉ đi các tỉnh. Nếu khách muốn mua tại chỗ, phải đặt hàng trước và mua trên 5kg, sau một ngày sẽ có hàng.

Bà N. nói: “Hàng này đâu có bán công khai được. Hoặc là tôi giao hàng tận nơi, hoặc là đưa tiền trước, hôm sau đến lấy hàng. Chú làm nghề nấu rượu lâu năm rành rồi, bán cái này là bị phạt”. Theo bà N., loại men “thần kỳ” có thể biến gạo sống thành rượu này là “men Tàu”, chỉ vo sạch gạo sống, sau đó pha men với nước lã đổ vào ủ, sẽ thành rượu.

Hiện tại, ở khu chợ Bình Tây và Kim Biên, không còn nhiều người bán loại men này nên phải đặt hàng trước mới mua được. Không chỉ bán hóa chất để biến gạo sống thành rượu, tại chợ Kim Biên, còn có đủ các chất để pha trộn rượu trắng thành rượu có màu, có mùi giống hệt rượu ngâm.

Một chuyên gia đang công tác tại Viện Công nghệ hóa học cho hay, để biết “men thần kỳ” biến gạo sống thành rượu là chất hóa học gì, độc tố thế nào, cần phải kiểm nghiệm. Khi nấu rượu theo phương pháp truyền thống, người ta dùng men rượu để ủ rượu, thường là dạng enzym. Các loại hóa chất có thể làm ra một dạng như rượu nhưng chưa được cấp phép do nguy hại cho sức khỏe.

“Có nhiều phương pháp để chuyển hóa tinh bột thành rượu, nhưng phải được khoa học chứng minh. Nếu cứ dùng hóa chất vô tội vạ để biến tinh bột thành rượu, sẽ sinh độc tố, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Hóa chất hiện đang được bán tràn lan, nếu dùng hóa chất làm rượu thì không dạ dày nào chịu nổi. Nhưng vì lợi nhuận, nhiều người biết độc hại mà vẫn cứ làm” - vị chuyên gia này nói. 

Cách nhận biết người bị ngộ độc rượu

Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm (sử dụng rượu được sản xuất từ phương pháp lên men thủ công dễ tạo ra methanol, rượu pha chế từ cồn công nghiệp có chứa methanol hoặc cồn methanol, rượu ngâm thuốc, rượu ngâm cây rừng độc, rượu ngâm phủ tạng động vật...). Hai dạng ngộ độc rượu thường gặp là ngộ độc rượu etylic (ethanol) và ngộ độc rượu metylic (methanol).

l Ngộ độc rượu ethanol gồm ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào lượng rượu uống vào và tần suất, thời gian uống rượu. Thông thường, hàm lượng rượu trong máu từ 1 - 1,5g/lít có thể gây “say” và 4 - 6g/lít có thể gây tử vong.

Người bị ngộ độc rượu cấp tính, trong giai đoạn đầu có biểu hiện nói nhiều, mất điều hòa vận động phối hợp, giảm khả năng kiểm soát, kích động; giai đoạn sau có phản xạ gân xương giảm, tri giác giảm, mất khả năng tập trung tư tưởng, giãn mạch ngoại vi, hơi thở có mùi rượu, buồn nôn, đau bụng, khó thực hiện các động tác đơn giản, nói líu, đi lảo đảo, biểu hiện lơ mơ, lờ đờ, có khi co giật, mất ý thức, hạ huyết áp… Ngộ độc rượu mạn tính do uống rượu kéo dài, dẫn đến sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da nhợt do thiếu máu, xơ gan, ung thư.

l Methanol được dùng trong công nghiệp hóa chất, ngộ độc methanol xảy ra khi uống nhầm methanol hoặc uống rượu có chứa methanol. Methanol rất độc do chúng thải trừ chậm, ô-xy hóa thành formol (formaldehyde) và axit formic. Chỉ cần uống 5 - 15ml là có thể ngộ độc nặng, 15ml trở lên thì bị mù lòa, 30ml thì có thể tử vong. Độc tính của methanol gây ức chế hệ thống thần kinh trung ương, ảnh hưởng tới thần kinh mắt…

Người ngộ độc methanol nhẹ có cảm giác say say, chóng mặt, nôn ói, nhức đầu; ngộ độc methanol nặng có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân), rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp), rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp giảm), đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong.

Với bệnh nhân say rượu, nên cho bệnh nhân nằm nghỉ nơi yên tĩnh, cho uống 10-20 giọt amoniac hay 1 - 5g amonium acetat trong một cốc nước muối. Khi bệnh nhân ngộ độc etylic có tình trạng mất ý thức, lơ mơ hoặc có biểu hiện ngừng thở, hôn mê, co giật, cũng như bệnh nhân bị ngộ độc rượu metylic, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

 

Sơn Vinh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI