“Rượu chồng rượu”, bệnh nhân nhập viện tăng

02/02/2023 - 06:11

PNO - Các bác sĩ cho rằng, tình trạng ngộ độc rượu còn kéo dài tới hết rằm tháng Giêng.

Dù đã hết tết nhưng những bữa liên hoan, họp mặt năm mới vẫn diễn ra. Lượng rượu bia uống vào quá nhiều khiến số bệnh nhân phải nhập viện do xuất huyết tiêu hóa, vỡ tĩnh mạch thực quản, ngộ độc rượu… gia tăng. Các bác sĩ cho rằng, tình trạng này còn kéo dài tới hết rằm tháng Giêng.

Nguy kịch vì uống quá nhiều rượu 

Vốn có tiền sử xơ gan do uống quá nhiều rượu, ông N.T.H. (50 tuổi, Long Biên, Hà Nội) luôn được gia đình  nhắc nhở để tránh xa “ma men”. Tuy nhiên, khi tết đến, ông H. cho phép mình thoải mái hơn với những bữa rượu từ nhà tới anh em, hàng xóm, bạn bè… Hậu quả là vừa bước qua năm mới vài ngày, ông đã đau bụng, nôn ra máu và bị sốc nặng. Ông được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cấp cứu, các bác sĩ chẩn đoán ông bị giãn vỡ tĩnh mạch thực quản trên nền xơ gan do rượu. 

Một bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - ẢNH: H.A.
Một bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - ẢNH: H.A.

Bác sĩ Đinh Thế Tiến - Khoa Nội tổng hợp của bệnh viện - cho hay, bệnh nhân này đã từng bị vỡ tĩnh mạch thực quản rất nhiều lần và phải thắt vòng cao su. Lần tái phát này, các bác sĩ đã không thể tiếp tục thắt thực quản thêm nữa vì những mối thắt cũ đã “chi chít”. “Vì không thể thắt tĩnh mạch bị vỡ nên bệnh nhân tiếp tục chảy máu và nguy kịch. Với trường hợp này, chúng tôi phải truyền máu và chuyển lên tuyến trên cấp cứu để có thể tiêm chất xơ hoặc phẫu thuật cho bệnh nhân”, bác sĩ Đinh Thế Tiến nói.

Tương tự như bệnh nhân H., dù chưa tới 40 tuổi song anh T.M.P. (Gia Lâm, Hà Nội) đã mắc xơ gan. Những bữa rượu liên miên, “không say không về” trong dịp tết cũng là nguyên nhân khiến anh phải nhập viện cấp cứu. Bệnh nhân không chỉ mệt mỏi, vàng da mà còn chảy nhiều máu kèm theo tình trạng bụng chướng… Bệnh nhân phải nằm viện điều trị tích cực và theo các bác sĩ phải tuyệt đối “nói không” với rượu bia sau khi về nhà.

Hiện Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang có khoảng 35 bệnh nhân điều trị nội trú mỗi ngày. Theo bác sĩ Đinh Thế Tiến, hầu hết những bệnh nhân này đều gặp hậu quả do việc ăn uống mất kiểm soát trong dịp tết. Ngoài khoảng 1/3 số ca tiểu đường, đa phần các bệnh nhân còn mắc các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa, vỡ tĩnh mạch thực quản… do rượu bia. “Nếu như trước tết, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận từ 2-3 bệnh nhân thì từ sát tết Nguyên đán tới nay, mỗi ngày có tới gần chục trường hợp cấp cứu. Đa phần các bệnh nhân đều trẻ tuổi, có kèm các bệnh lý về dạ dày, gan. Rất nhiều người khi tới bệnh viện đã nôn ra máu 5-6 lần/ngày. Kết quả nội soi cho thấy bệnh nhân bị rách tâm vị, loét dạ dày do lạm dụng rượu”.

Còn kéo dài hết rằm tháng Giêng

Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), dịp tết vừa qua cũng có khoảng 30 ca ngộ độc các loại, trong đó nhiều trường hợp ngộ độc rượu cấp tính được chuyển tới cấp cứu. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - chia sẻ, một trong những sai lầm của nhiều người là cho rằng, chỉ uống rượu “dỏm”, rượu pha cồn mới ngộ độc. Thậm chí, không ít người “tôn sùng” các loại rượu ngâm lá, rễ cây, động vật… vì xem là thần dược cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế, việc sử dụng tùy tiện, thậm chí không rõ thành phần lá, rễ ngâm rượu có thể gây tác hại khôn lường, ngộ độc nặng nề. 

Mùng Năm tết vừa qua, đơn vị này tiếp nhận 1 ca bệnh ở Lào Cai nhập viện trong tình trạng người tím tái, chảy máu mũi. Gia đình bệnh nhân cho hay, mấy ngày tết, bệnh nhân liên tục uống nhiều loại rượu ngâm khác nhau và sau đó ho ra máu. Bệnh nhân đi khám tại địa phương và được kết luận viêm mũi dị ứng nên uống thuốc nhưng tình hình không cải thiện mà nặng dần lên. Trường hợp này, sau khi thăm khám và làm xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm độc nặng do dùng loại rượu từ các loại lá ngâm gây chảy máu, suy thận. 

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, dù bất kể loại rượu nào, người dân cũng không nên lạm dụng, đặc biệt với những người có các tiền sử về dạ dày, xơ gan, cao huyết áp… Bác sĩ Đinh Thế Tiến cũng lưu ý, hằng năm, cứ dịp trước và sau tết, tình trạng bệnh nhân nhập viện cấp cứu do rượu lại tăng mạnh. Tình trạng này cũng chưa chấm dứt khi người dân quay trở lại làm việc mà còn tiếp tục cao đến rằm tháng Giêng và lác đác trong suốt mùa lễ hội của tháng đầu năm mới. Do đó, với các bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu, xơ gan… cần phải tiếp tục kiểm soát tốt hơn, hạn chế các buổi liên hoan, tiệc tùng và duy trì thuốc theo đơn của bác sĩ. 
Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp dù khỏe mạnh nhưng vẫn có thể ngộ độc, thậm chí tử vong do rượu vì tụt huyết áp. Sau khi uống, nhiều người có thói quen đi ngủ ngay và bỏ bữa. Với những trường hợp này, gia đình cần đánh thức người say dậy để cho ăn cháo, uống nước trái cây. Bởi nếu chỉ số đường huyết giảm sâu có thể dẫn tới bất tỉnh, tổn thương não. 

Đường huyết tăng gấp 10 lần vì bỏ bê thuốc trong dịp tết

Bên cạnh các ca ngộ độc rượu, bác sĩ Đinh Thế Tiến cho biết, sau tết có rất nhiều bệnh nhân bị tiểu đường phải nhập viện vì biến chứng. Đáng nói, với người cao tuổi mắc căn bệnh này, việc kiểm soát đường huyết tương đối tốt. Hầu hết bệnh nhân nhập viện là ở độ tuổi từ 40-60. “Những bệnh nhân ở tuổi trung niên thường có suy nghĩ chủ quan hơn. Dịp tết, việc ăn uống thiếu điều độ, sử dụng bia, rượu và đặc biệt là quên uống thuốc khiến chỉ số đường huyết bị mất kiểm soát”, bác sĩ lý giải.

Điển hình như một bệnh nhân vừa nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang có chỉ số đường huyết lên tới 50 mmol/l, cao hơn gần chục lần so với thông thường. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đã lơ mơ do cơ thể mất nước trầm trọng, chức năng não bị suy giảm do máu cô đặc hơn và tăng Na+ máu. Các trường hợp may mắn được điều trị kịp thời, nếu không có thể đưa đến co giật, hôn mê và tử vong. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI